Thứ sáu, 29/03/2024 14:37 (GMT+7)

Sông Tô Lịch chết dần

MTĐT -  Chủ nhật, 17/11/2019 08:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Gần nửa chiều dài của sông Tô Lịch bị người Pháp lấp dòng, cống hoá từ 130 năm trước, dẫn đến cái chết của một trong "tứ giác nước" ở Thăng Long.

Hà Nội thất thủ sáng 25 tháng 4 năm 1882, lúc 8h15 phút, khi quân Pháp nã đại bác vào thành Cửa Bắc. Chiếm được Hà thành, thực dân Pháp cho lấp sông, xây chợ, bê tông hoá phố phường, biến cố đô thành một "tiểu Paris của phương Đông".

Trong quy hoạch đô thị của chính quyền thực dân khi ấy, Hà Nội sẽ phát triển về hướng Tây, mạn Nghi Tàm, Hồ Tây. Thành phố cần có đường ống thoát nước từ khu phố cổ ra ngoài chợ Bưởi. Người Pháp quyết định lấp sông Tô.

Đoạn sông Tô Lịch chưa bị lấp chảy ngang qua Cửa Bắc.

Tô Lịch thuở trước dài khoảng 30 km, ôm lấy chân thành Thăng Long. Lấy nước từ sông Hồng qua cửa Hà Khẩu trên phố Chợ Gạo, sông chảy về Đồng Xuân, đổ ra Hàng Lược, lên Phan Đình Phùng, vòng về Thụy Khuê, qua làng Võng Thị rồi đổ ra ngã ba chợ Bưởi, xuôi về phía Nam. Chợ Bưởi ngày nay từng là ngã ba sông, nơi giao cắt giữa dòng Tô Lịch và con sông cổ đã chết có tên Thiên Phù.

Theo khảo cứu của nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, Tô Lịch được nuôi dưỡng bởi hai nguồn nước từ sông Thiên Phù và sông Hồng. Thiên Phù nằm phía Tây Bắc của Thăng Long, là chi lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ cửa Nhật Tân, chảy xuôi qua Xuân Đỉnh đổ ra ngã ba chợ Bưởi bây giờ. Thế kỷ 18, sông Hồng đổi dòng, Thiên Phù chết, nguồn cấp nước cho Tô Lịch hầu như không còn và mất hẳn khi người Pháp lấp dòng, cống hoá sông Tô.

Năm 1889, khúc sông gần Hàng Chiếu bị lấp để xây chợ Đồng Xuân. Từ khu chợ này, người Pháp cho đặt cống ngầm kéo dài tới tận trường Chu Văn An. Đó là tuyến cống thoát nước đầu tiên của Hà Nội. Cổng thành Cửa Bắc ngày nay nằm ngay mặt đường Phan Đình Phùng vốn là một đoạn sông Tô Lịch chảy qua.

Nửa sau thế kỷ 20, người Pháp san phẳng Thành nội, phá điện Kính Thiên, dỡ tháp Báo Ân để xây phố Tây. Tô Lịch bị lấp và "cống hóa" gần một nửa chiều dài, trở thành đường tiêu thoát nước mưa, dẫn nước thải. Con sông dù chưa ô nhiễm như ngày nay, nhưng bắt đầu quá trình "chết dần" từ lúc này.

Năm 1958, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên phía tây nam Hà Nội. Những cơ sở này xả thẳng nước thải ra Kim Ngưu, Tô Lịch. Những vùng ven đô, đoạn đầu nguồn sông Tô, người dân cũng xả thải trực tiếp ra sông nhưng mức độ ô nhiễm chưa nhìn thấy rõ. Năm 1969, đi sơ tán bom Mỹ về, cậu bé Nguyễn Ngọc Tiến vẫn rủ đám bạn đồng niên đạp xe từ nhà trên phố Vọng lên Cầu Giấy chơi. Lũ trẻ thi nhau chỏi gạch xuống sông xem viên nào "nhảy" được xa hơn. Hai bên bờ hãy còn người ngồi câu cá.

Nửa thế kỷ nữa trôi qua, thủ đô 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, diện tích đã tăng lên 22 lần và dân số tăng gấp 14 lần. Sức ép đô thị lên hệ thống thoát nước cũng tăng theo.

Tô Lịch bây giờ là hệ thống thoát nước thải dài 14 km, mỗi ngày hứng 150.000 m3 nước thải của các khu dân cư. Sông bắt đầu từ Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy xuyên nội thành rồi đổ ra sông Nhuệ ở làng Hữu Từ (Thanh Trì). Trong tâm trí cư dân thủ đô, "Tô Lịch" bây giờ là một danh từ riêng ám chỉ sự "hôi thối" cần phải tránh.

Ngã ba sông Tô Lịch giao với sông Lừ ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Ảnh: Ngọc Thành.

Trước khi "chết", Tô Lịch từng là con hào phòng thủ, cùng với sông Hồng tạo thành ba mặt bảo vệ kinh thành. Cố GS Trần Quốc Vượng đã xếp sông Tô vào "tứ giác nước" của Thăng Long. Ông lý giải cạnh phải là sông Hồng, cạnh trái cùng cạnh trên là sông Tô Lịch, còn cạnh đáy là sông Kim Ngưu.

Mùa thu, tháng Bảy, năm Canh Tuất 1010, Lý Thái Tổ dời đô. Theo sử sách, cuộc dời đô diễn ra bằng đường thủy vào cuối mùa hè, lợi dụng nước lên để không bị mắc cạn. Đoàn thuyền khởi hành từ Hoa Lư cập bến sông Tô Lịch bên thành Đại La, đánh dấu nơi định đô của nước Việt đến tận bây giờ.

Tô Lịch cùng hệ thống sông ngòi của kinh đô khi ấy được kết nối với nhau, tạo nên mạng lưới giao thông thủy. Thuyền bè có thể đi từ sông Đáy vào sông Nhuệ, rồi lên kinh bằng sông Tô. Hoặc từ "quân cảng" Đông Bộ Đầu và thương cảng trên sông Hồng qua Tô Lịch, sang sông Nhuệ, ra sông Đáy rồi ra biển.

Nương theo dòng chảy Tô Lịch, 30 làng xã ven sông ra đời, rồi thịnh suy theo dòng nước. Nghĩa Đô, Yên Thái làm giấy dó, Định Công Thượng có nghề kim hoàn. Dân làng Lủ, làng Láng hay chèo thuyền ngược sông, mang chả cá, bánh kẹo, rau húng... vào trong kinh buôn bán. Sản vật Thăng Long được gói gọn trong câu ca Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm/ Cá rô làng Sét, sâm cầm Hồ Tây.

"Từ hoàng thành tới Ngã Tư Sở có 7 cây cầu. Mỗi cây cầu là lối vào đền, chùa hai bên sông, cũng là nơi dừng chân của vua quan đi vãn cảnh. Tô Lịch không chỉ tạo cảnh quan kinh thành, mà còn là nguyên khí của Thăng Long", nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến nói.

Nhiều năm qua, TP Hà Nội loay hoay tìm cách hồi sinh sông Tô Lịch nhưng bất thành. Năm 2009, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đề xuất dùng nước sông Hồng pha loãng mức độ ô nhiễm, làm sống lại sông Tô. Cùng với đề án này, Sở còn đề xuất xây dựng 2 trạm xử lý nước thải, công suất 25.000 m3/ngày đêm ở cống Bưởi và 15.000 m3/ngày đêm tại Cống Vị. Dự kiến hai công trình này khởi công năm 2010. Nhưng mười năm trôi qua, không thấy hai nhà máy được xây dựng.

Đầu năm nay, Công ty thoát nước Hà Nội một lần nữa đề xuất dùng nước sông Hồng làm sạch sông Tô. Đơn vị này tính xây trạm bơm dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây. Khi nào hồ sạch thì dẫn nước từ đây qua hai cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa cho sạch. Phương án "vừa dễ làm, vừa tiết kiệm" chi phí khoảng 150 tỷ đồng, đang chờ thành phố chấp thuận.

Nhưng, phương án trên có thể khiến hạ nguồn và các huyện ngoại thành "hứng đủ" nguồn nước ô nhiễm đổ dồn về. Có lần, Hà Nội xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch, dòng nước bẩn chảy theo tới sông Nhuệ về tận Hà Nam và bị địa phương này phản ứng.

Nhiều phương án được thử nghiệm nhưng không hiệu quả. Trong kỳ họp HĐND TP Hà Nội đầu tháng 7, bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm đã mạnh dạn đề xuất "cống hóa một số sông có tính chất kênh, mương thoát nước, ngay cả Tô Lịch, Kim Ngưu".

"Cống hóa dòng sông giống như đổ bê tông đè lên lịch sử", ông Nguyễn Ngọc Tiến phản ứng trước đề xuất trên.Ông nhắc nhở, hãy nhớ cái tên "Hà Nội" có nghĩa là "ở phía trong sông". Thành phố có thể học hỏi các nước cách hồi sinh sông, suối. Chính người Pháp khi xưa cũng hồi sinh sông Nhuệ đã chết bằng cách đào cống, khơi thông dòng chảy, dẫn nước sông Hồng vào. Đi qua nhiều thành phố có sông nước, ông Tiến lại tiếc nhớ Tô Lịch những ngày còn xanh.

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết Sông Tô Lịch chết dần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.