Thứ năm, 25/04/2024 10:31 (GMT+7)

Thách thức của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp Việt Nam

PV -  Thứ năm, 10/12/2020 16:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Biến đổi khí hậu hiện là thách thức chính đối với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực bền vững trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng tăng.

Nhu cầu về lương thực và thực phẩm ngày càng tăng trong khi khả năng sản xuất lương thực có nguy cơ giảm do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và người nghèo sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năng suất sản lượng cây trồng vật nuôi bị suy giảm do yếu tố thời tiết đã gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội và mất cân bằng an ninh lương thực. Vấn đề này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn do quá trình nóng lên toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp.

Tại buổi Tọa đàm “Vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, 5 năm sau khi thông qua thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”. PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam (PHANO) đã có bài phát biểu nói về những thách thức và đưa ra giải pháp đối với những thách thức của biến đổi khí hậu đối với nền nông nghiệp Việt Nam.

PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam (PHANO).

Ỏ Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu tới nền nông nghiệp chủ yếu thông qua: các hiện tượng khí hậu cực đoạn (nóng, lạnh), thiên tai như hạn hán, lũ lụt, hậu quả của biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, giảm nước lũ theo mùa trên sông, các dịch bệnh mới của cây trồng và động vật (sâu keo mùa thu hại ngô, virus lúa và khảm lá sắn, Châu chấu, các định bệnh động vật như Dịch tả lợn châu Phi và một số dịch bệnh mới…) Các tác động này chưa ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, nhưng tác động rất lớn đến sinh kế và an ninh lương thực, dinh dưỡng của các hộ nông dân ở các vùng khó khăn như vùng dân tộc thiểu số, miền núi, ven biển…

Nông nghiệp Việt Nam sau những thành công của Cách mạng xanh, giúp nước ta xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản trên thế giới và đứng thứ 15 thế giới, nhưng lại đang đứng trước các thách thức về phát triển bền vững nông nghiệp.

Mặc dù có nhiều thành công, song chất lượng, tính bền vững của tăng trưởng nông nghiệp và phương thức phát triển đang còn nhiều hạn chế. Tỷ suất lợi nhuận trong nông nghiệp thấp, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn còn phổ biến; chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị bổ sung dinh dưỡng chưa cao; đặc biệt, trình độ đổi mới sáng tạo công nghệ và thể chế còn nhiều giới hạn. Phát triển nông nghiệp đã gây tổn hại môi trường như tàn phá rừng, làm suy giảm đa dạng sinh học, thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước và phát thải nhiều khí nhà kính.

Ở nhiều địa phương, tăng trưởng nông nghiệp còn dựa vào gia tăng diện tích đất nông nghiệp, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu độc hại, khiến chi phí đầu vào của sản xuất ngày càng cao và làm gia tăng chi phí bảo vệ môi trường. Các thực hành nông nghiệp không đúng gây phát thải khí nhà kính và trầm trọng thêm quá trình nóng lên của trái đất.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước một số thách thức như quá trình thâm canh nông nghiệp hiện tại đang dẫn đến việc giảm đa dạng về cảnh quan nông nghiệp, suy thoái đất đai và suy giảm đa dạng sinh học, tăng rủi ro sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng. Mục tiêu tăng năng suất và lợi nhuận nông nghiệp đang ngày càng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Quản lý bền vững độ phì của đất và sức khỏe của đất, cải thiện khai thác nguồn nước bền vững để duy duy trì năng suất là một thách thức.

Các giải pháp về Nông nghiệp thông minh với khí hậu thông qua phương pháp nông nghiệp sinh thái (Agro-ecology) đã được áp dụng để ứng phó với những thách thức này.

Năng suất sản lượng cây trồng vật nuôi bị suy giảm do yếu tố thời tiết đã gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội và mất cân bằng an ninh lương thực. (Ảnh Internet).

Giải pháp của nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Áp dụng tiếp cận nông nghiệp bền vững thông qua phương pháp Nông nghiệp thông minh với khí hậu (Climate smart Agriculture-CSA) là sản xuất nông nghiệp đảm bảo bền vững về tăng năng suất, tăng cường khả năng chống chịu (thích ứng), giảm hoặc loại bỏ, tăng khả năng hấp thụ KNK (giảm nhẹ) bất cứ khi nào có thể, và tăng triển vọng đạt được mục tiêu quốc gia về an ninh lương thực và mục tiêu phát triển bền vững.

Mục tiêu của CSA là đảm bảo tính sẵn có, đủ các chất dinh dưỡng của lương thực, thực phẩm trong khi giảm được tác động của biến đổi khí hậu, cũng như đóng góp cho giảm phát thải khí nhà kính . Tính “thông minh với khí hậu” của CSA nhằm đạt được: 

Thứ nhất, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng; thứ hai là  thích ứng bao gồm khả năng chống chịu và phục hồi với các điều kiện bất lợi của khí hậu, dịch hại và sâu bệnh, ổn định năng suất v.v.; và cuối cùng là giảm lượng phát thải khí nhà kính cũng như hấp thụ/tích tụ Các-bon.

An ninh lương thực; dinh dưỡng, thích ứng, và giảm nhẹ được xác định là 3 trụ cột quan trọng nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu cơ bản của CSA.

Nền nông nghiệp hiện đại của Việt Nam là một nền nông nghiệp sinh thái thông minh dựa trên ứng dụng các ứng dụng đổi mới sáng tạo của nông nghiệp sinh thái, kết hợp với các phương thức quản trị thông minh chính xác áp dụng công nghệ số nhằm sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn trong điều kiện tiết kiệm nguồn lợi hơn.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái (như nông nghiệp bảo tồn, nông lâm kết hợp, nông nghiệp cảnh quan, thâm canh lúa bền vững, hệ thống tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt, canh tác hữu cơ….) là những giải pháp chính để thâm canh nông nghiệp dài hạn, hạn chế chuyển đổi rừng sang đất trồng trọt, hạn chế sử dụng vật tư (phân bón, thuốc trừ sâu), giảm thiểu khí thải nhà kính từ nông nghiệp và góp phần tăng lưu trữ carbon.

Việc chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái cũng sẽ góp phần đa dạng hóa cây trồng, nâng cao năng lực của nông dân trong việc đảm bảo an ninh lương thực, cung ứng sản phẩm an toàn thực phẩm và tăng cường đa dạng sinh học nông nghiệp, cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống sản xuất trước biến đổi khí hậu, góp phần giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Tóm lại, định hướng giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là phát triển nền nông nghiệp sinh thái (nông lâm kết hợp, hữu cơ, nông nghiệp bảo tồn,v.v.) cũng là các giải pháp nông nghiệp thông minh với khí hậu, có tính cạnh tranh và hiện đại, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp, đồng bộ các khâu của chuỗi giá trị nông sản, kết hợp với các phương thức quản trị hiện đại áp dụng công nghệ số, phát huy tiềm năng lợi thế của các vùng miền, an toàn thực phẩm, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và các rủi ro phi khí hậu.

Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với bảo quản chế biến và tiêu dùng theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản thực phẩm, kết hợp với du lịch nông thôn và bảo vệ môi trường nông thôn. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ chuỗi giá trị nông sản, kết nối nông thôn - đô thị, quản trị nông thôn hiện đại thông qua ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bền vững. Chương trình xây dựng nông thôn mới cần được hoàn thiện theo hướng: Nông nghiệp sinh thái; Nông thôn hiện đại; Nông dân văn minh.

Bạn đang đọc bài viết Thách thức của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành