Thứ năm, 28/03/2024 16:36 (GMT+7)

Thu phí rác sinh hoạt theo kilogam: Có đủ sức răn đe?

MTĐT -  Thứ sáu, 12/06/2020 10:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thay vì phương án thu bình quân theo hộ như trước đây, Bộ trường Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, sẽ thu phí rác thải theo khối lượng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) - Trần Hồng Hà. Ảnh: Báo Thanh niên.

Thảo luận tại phiên họp Quốc hội sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) - Trần Hồng Hà đã dành khá nhiều thời gian để giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự thảo luật Bảo vệ môi trường vừa trình Quốc hội tại kỳ họp 9 lần này.

Theo ông Hà, liên quan tới chất thải sinh hoạt, nghiên cứu của Việt Nam cho thấy, 40% là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu có thể tái chế. Do đó, trong luật trình Quốc hội lần này đã quan niệm chất thải rắn sinh hoạt không phải là bỏ đi mà là một dạng tài nguyên.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo luật xác định không thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân theo bình quân mấy nghìn đồng một hộ nữa mà thu theo khối lượng, theo kilogam. Người dân càng thải ra nhiều thì càng nộp phí nhiều hơn.

Theo người đứng đầu Bộ TN-MT, trước mắt và hiện tại, Nhà nước chi trả phần chính trong kinh phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, người dân chỉ chịu phần nhỏ. Tuy nhiên, khi đời sống người dân tăng lên, sẽ điều chỉnh dần dần để người dân trả cả chi phí này.

Nhằm thúc đẩy phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn, dự thảo đưa ra nhiều quy định bắt buộc: Yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải mua túi, bao bì, thiết bị chứa chất thải sinh hoạt; tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển có quyền từ chối việc thu gom, vận chuyển đối với các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt.

Theo dự thảo, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân thành 4 loại: Chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh. Phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu phí rác thải theo khối lượng sẽ nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế xả rác ra môi trường; phân loại rác, thu gom để tái chế, vừa đem lại lợi ích kinh tế vừa giảm ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng xả rác tùy tiện, vô tội vạ, bảo đảm công bằng giữa các hộ dân, giảm bớt chi ngân sách.

Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống, cần làm tốt công tác tuyên truyền, để mỗi người dân đều tự giác, có ý thức, trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường, vì tương lai cuộc sống an toàn, bền vững.

Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý nghiêm, triệt để các hành vi tẩu tán rác ra môi trường không thông qua đơn vị thu gom rác để tránh phải nộp tiền theo khối lượng phát sinh.

Làm thế nào để dân thấy được hiệu quả?

Theo Bộ TN-MT, lượng chất thải rắn thông thường đã tăng từ 28 triệu tấn/năm vào năm 2009 lên 35,7 triệu tấn/năm vào năm 2015. Tốc độ gia tăng chất thải rắn khoảng 10% mỗi năm và còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng và mức độ độc hại.

Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị, ước tính có 70.000 tấn phát sinh/ngày. Phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên toàn quốc tăng trung bình từ 10-16% mỗi năm. Rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy được sử dụng nhiều và thải bỏ ra môi trường, trôi nổi trong các nguồn nước mặt, vùng biển gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi đã trở thành vấn đề bức xúc.

Việc vận chuyển, thu gom rác theo kiểu truyền thống, sử dụng sức người là một trong những lý do để việc thu gom rác thải chưa mang lại hiệu quả, phần nào ảnh hưởng mỹ quan đô thị và môi trường.

Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được đưa ra tại hội thảo. Thế nhưng đến nay vẫn những giải pháp này vẫn chưa đem lại hiệu quả tích cực.

Theo TTXVN, nói vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền tiệm cận với các nước tiên tiến, cần khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để người dân thấy được hiệu quả của việc trả tiền xử lý ô nhiễm.

Ở các nước phát triển, người dân phải trả phí cho hoạt động bảo vệ môi trường rất nhiều. Ngược lại họ được thấy môi trường trong sạch, không rác thải bừa bãi, kênh mương trong xanh.

Với mức sống hiện nay, nhiều người dân đô thị có thể sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải với điều kiện họ thấy được khu phố mình sống sạch sẽ hơn, không còn rác thải vứt bừa bãi, không còn mùi hôi khi đi qua những chỗ tập kết rác. Vì vậy, vấn đề sử dụng nguồn kinh phí như thế nào rất quan trọng.

Thu phí rác thải sinh hoạt theo kg. Ảnh: Internet.

Thành bại là do địa phương

Đây không phải là cách làm mới mẻ. Đến nay, nhiều quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản... đã áp dụng và đem lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.

Mới đây, trao đổi với Vnexpress, ông Kim In Wan, nguyên Thứ trưởng Môi trường Hàn Quốc - người đã bảy năm nghiên cứu thực trạng rác thải ở Việt Nam và là cố vấn xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cho biết, trước đây Hàn Quốc cũng gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về thu gom, xử lý rác, đặc biệt là chưa phân loại rác tại nguồn.

Năm 1995, Hàn Quốc quyết định ban hành chính sách thu phí chất thải dựa trên khối lượng, trở thành nước đầu tiên áp dụng việc thu phí theo khối lượng ở phạm vi toàn quốc. Trước đó Nhật Bản cũng áp dụng nhưng chỉ ở một số thành phố.

Phương thức thu phí được thực hiện thông qua việc bán túi thu gom, với giá tùy theo kích cỡ cụ thể của túi. Chính phủ quy định bắt buộc người dân xả thải trong túi này, riêng rác thải có thể tái chế được thì không cần thu gom vào túi.

Giá của túi thu gom chiếm 40% tổng chi phí xử lý rác, nhà nước bù 60% còn lại; đến nay đã nâng lên được 60-70% tùy từng địa phương.

Khi mới triển khai, Hàn Quốc đã chọn áp dụng trước ở thành thị (các thành phố lớn, các vùng dân cư tập trung đông kể cả ở nông thôn), các vùng hẻo lánh thì sẽ thực hiện sau.

Khoảng 3-4 năm sau khi chính sách này được ban hành, hệ thống vận hành tốt ở cả thành thị và nông thôn. Kết quả là chất thải phát sinh giảm 16,6% (1994-2001), nếu như năm 1994 mỗi ngày một người thải ra 1.3 kg thì đến năm 2001 chỉ có 1.01 kg. Đồng thời, tỷ lệ tái chế tăng từ 15,7% năm 1994 lên 43,1% năm 2001.

Ban đầu, khó khăn lớn nhất của Hàn Quốc là các gia đình tiếc tiền, họ không muốn dùng túi thu gom mà dùng túi khác, tránh camera theo dõi ở các điểm thu gom hoặc xả rác ra các khu vực đất trống không có sự giám sát. Để khắc phục, chính quyền địa phương quyết định cơ quan thu gom rác thải sẽ không thu gom những túi rác không đúng chủng loại. Khu vực đấy sẽ trở nên bẩn thỉu, buộc cộng đồng dân cư ở đó phải có cơ chế tự giám sát để ngăn việc xả trộm.

Theo ông, nếu Việt Nam thực hiện ngay thì sẽ mất khoảng 5 năm để việc thu phí theo khối lượng được trơn tru. Đây là câu chuyện của chính quyền địa phương, vì luật chỉ đưa ra khung, còn việc thu ở đâu, như thế nào, thành công hay không thì hoàn toàn ở các địa phương.

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Thu phí rác sinh hoạt theo kilogam: Có đủ sức răn đe?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới