Thứ tư, 24/04/2024 11:43 (GMT+7)

Thực trạng công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại Cà Mau

Xuân Hải -  Thứ tư, 29/04/2020 16:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị đang là vấn đề môi trường bức xúc tại nhiều tỉnh, TP, trong đó có Cà Mau.

Nguyên nhân là do lượng CTRSH ngày càng gia tăng, trong khi việc quản lý chưa đáp ứng yêu cầu BVMT; công tác thu gom, xử lý CTRSH của tỉnh còn hạn chế. Do đó, tỉnh cần có giải pháp quyết liệt và kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do CTRSH.

Việc thay thế các bãi rác thành trạm trung chuyển rác mà không bố trí bãi rác dự phòng khiến các địa phương gặp khó khăn khi nhà máy xử lý rác tại TP Cà Mau tạm ngưng hoạt động.

Cà Mau là tỉnh tận cùng phía Nam của đất nước, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên là 5331,6 km². Tỉnh có 10 đô thị (9 thị trấn thuộc 8 huyện và TP. Cà Mau), dân số khu vực đô thị khoảng 275.000 người (chiếm khoảng 23% tổng dân số cả tỉnh). Theo số liệu từ Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, khối lượng CTRSH đô thị trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 220 tấn/ngày, trong đó, lượng CTRSH được thu gom, xử lý khoảng 145 tấn/ngày (chiếm tỷ lệ 65% tổng số CTRSH đô thị phát sinh); khoảng 75 tấn còn lại không được thu gom, thải bừa bãi tại ven đường, khu vực chợ, bờ sông, kênh, rạch, mương, các khu đất trống, nơi công cộng… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.

Tình trạng lượng rác thải sinh hoạt dồn ứ, chất đống tại các khu vực trên đã diễn ra từ nhiều năm nay mà chưa giải quyết dứt điểm, nguyên nhân là do: Công tác quản lý CTRSH đô thị chưa hiệu quả; hệ thống hạ tầng thu gom, xử lý rác thải trong tỉnh còn hạn chế, thiếu bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh và phương tiện thu gom, vận chuyển. Hiện tại, Cà Mau chỉ có 1 nhà máy xử lý rác thải. Do đó, khi nhà máy ngưng hoạt động, lượng rác bị dồn ứ lại, tập kết tại đường giao thông, bờ sông, ven đê… gây bốc mùi nồng nặc, khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, chỉ có Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau thu gom, trong khi phạm vi và địa bàn hoạt động rộng, năng lực thu gom của Công ty còn hạn chế, chưa đầu tư trang thiết bị chuyên dùng, lực lượng công nhân vệ sinh còn thiếu, khiến cho nhiều tuyến đường, nhiều khu dân cư chưa được thu gom rác. Trong khi đó, ý thức BVMT của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; việc xử lý vi phạm đối với hành vi xả rác bừa bãi thiếu quyết liệt, chưa đủ sức răn đe…

Được biết, thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Quy hoạch môi trường của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 2024/QĐ-UBND ngày 22/12/2008 nhằm đánh giá hiện trạng, dự báo xu thế biến đổi môi trường và đề xuất các phương án ưu tiên nhằm bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách quản lý để giải quyết các vấn đề môi trường và xây dựng các chương trình bảo vệ môi trường.

Như vậy, sau hơn 10 năm triển khai quy hoạch từ các sở, ban, ngành từ tỉnh  đến các huyện, có rất nhiều công trình, dự án nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng như quản lý chất thải của tỉnh được chú trọng. Theo đó, hàng năm tỉnh đều bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi đối với ngân sách địa phương được điều tiết theo yêu cầu, nhiệm vụ góp phần hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường như thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, quan trắc môi trường, thanh tra, kiểm tra môi trường, xử lý chất thải và các dự án về bảo vệ môi trường... Đặc biệt, trong 4 năm trở lại đây, con số này đã tăng lên hàng chục tỷ đồng. Đơn cử năm 2015 tỉnh đã phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường gần 70 tỷ đồng, năm 2017 tăng lên trên 80 tỷ đồng, đặc biệt năm 2019 con số này đã tăng lên gần 100 tỷ đồng, đây là con số không hề nhỏ.

Tuy nhiên, nhìn lại kết quả đã qua mới thấy nhiều vấn đề bất cập. Từ dự án nhà máy rác đầu tiên của tỉnh với quy mô, công suất xử lý 200 tấn/ngày để xử lý rác tập trung của tỉnh những tưởng là công trình mang lại kết quả toàn diện, song, sau nhiều năm vận hành đã gây nhiều khó khăn cho địa phương. Khi nhà máy xử lý rác hình thành, dẫn đến quy hoạch bãi rác cấp huyện được thay thế bằng các trạm trung chuyển rác. Từ đó, không thể triển khai dự án quy hoạch cải tạo và xây dựng các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh trên địa bàn TP Cà Mau, các thị trấn và các bãi rác nhỏ tại các khu vực tập trung đông dân cư. Chính việc thay thế các bãi rác thành trạm trung chuyển rác mà không bố trí bãi rác dự phòng trong điều kiện nhà máy xử lý rác tạm ngưng hoạt động để bảo trì, sửa chữa vừa qua đã khiến các địa phương phải một phen điêu đứng.

Không những thế, với gần 100 tỷ đồng chi cho công tác bảo vệ môi trường năm 2019, hiện nay còn rất nhiều công trình, dự án lớn về môi trường vì nhiều lý do khác nhau, từ khách quan đến chủ quan vẫn còn... nằm trên giấy. Trong đó, các dự án về thu gom, xử lý chất thải tập trung chậm được triển khai như: Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thu gom, thoát nước và xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt nội ô TP Cà Mau công suất 30 ngàn mét khối/ngày. Đặc biệt, dự án đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường các khu công nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, do ngân sách tỉnh không thể đảm bảo và việc kêu gọi xã hội hoá các nhà đầu tư tham gia dự án chưa mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn tập trung tại xã Khánh An, huyện U Minh với ưu tiên lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện, thay thế dần các hình thức xử lý rác gây ô nhiễm môi trường thời gian qua vẫn chưa thể kêu gọi nhà đầu tư tham gia, do lượng rác thải của tỉnh chưa đảm bảo đủ công suất xử lý rác để nhà đầu tư áp dụng công nghệ đốt rác phát điện (hơn 500 tấn/ngày).

Theo Sở TNMT tỉnh Cà Mau, hiện nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã phát sinh thêm nhiều vấn đề môi trường mới như: Kiểm soát ô nhiễm không khí trong quá trình đô thị hoá, sản xuất công nghiệp; Ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản; Ô nhiễm môi trường biển và ven biển, bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất...; Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm do rác thải nhựa, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt thân thiện với môi trường... cần được cập nhật vào quy hoạch để có định hướng quản lý phù hợp trong tình hình mới

Ngoài ra, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, sẽ không còn thực hiện quy hoạch môi trường cấp tỉnh mà nội dung này sẽ được tích hợp vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, Sở TN&MT tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng các giải pháp quy hoạch nhưng cần có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực với lĩnh vực môi trường để tránh chồng chéo và có tính khả thi khi triển khai quy hoạch trong thực tế nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trước mắt sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường theo Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 10/8/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh và Kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau./.

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại Cà Mau. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.