Thứ năm, 28/03/2024 22:01 (GMT+7)

Thực trạng và công nghê xử lý chất thải rắn xây dựng

Nguyễn Đức -  Thứ năm, 23/07/2020 16:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vấn đề xử lý chất thải rắn trong xây dựng đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, mạnh như hiện nay, từ nông thôn đến thành thị, không khó khi bắt gặp những công trình xây dựng. Điều này là đáng mừng, nhưng bài toán xử lý chất thải rắn xây dựng CTXD) cũng đang khiến nhiều địa phương gặp khó.

Rác thải xây dựng tuy rằng chỉ chiếm một tỷ trọng nhất định trong chất thải nói chung và phần lớn là hợp chất vô cơ, không độc hại nhiều như rác thải y tế, rác thải công nghiệp nhưng cũng cần thiết phải quan tâm và xử lý thỏa đáng.

Vấn đề xử lý chất thải rắn trong xây dựng đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Hà Nội, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao để xử lý rác thải thành sản phẩm, tức trở thành nguyên liệu phục vụ cho lĩnh vực sản xuất hoặc lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, hiện đang rất cần một hành lang pháp lý đầy đủ để việc xử lý được thuận lợi.

Thực tế hiện nay, tại các công trường xây dựng, CTRXD  sau khi phá dỡ thu gom không được phân loại, đa số chưa qua xử lý đã được các đơn vị đem đi san lấp dẫn đến không đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Đã có một số DN nghiên cứu đầu tư các dây chuyền máy móc nhằm xử lý chất thải rắn xây dựng. Công nghệ xử lý CTRXD chủ yếu là phân loại, nghiền sàng, tái chế thành vật liệu mới hoặc sử dụng chế phẩm vào công việc khác đảm bảo yêu cầu cũng như vệ sinh môi trường. Nếu công nghệ xử lý thấp dẫn đến phát sinh ô nhiễm thứ cấp như: bụi, bụi mịn, tiếng ồn...

Ông Đỗ Văn Toan, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Toàn Cầu cho biết, DN đã và đang đầu tư rất nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ nghiền, tái chế CTRXD vào sử dụng trong các công trình xây dựng. Công ty Toàn Cầu đã nghiên cứu công nghệ này từ năm 2013 và đã đi nhiều nước để tìm hiểu. Đến khi TP. Hà Nội có chủ trương xã hội hóa huy động đầu tư tư nhân vào xử lý rác thải thì Toàn Cầu đã báo cáo thành phố về công nghệ này từ năm 2017. Thiết bị có công suất từ 120 - 250 tấn/giờ, có thể hoạt động được ở các khu vực đông dân và phù hợp với nhiều loại công trình cần phá dỡ. 

Ông Toan cho rằng, đây là công nghệ được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Thay vì vận chuyển những khối bê tông cũ ra các bãi tập kết phế liệu xây dựng, hệ thống này được lắp đặt ngay tại chân công trình. Công nghệ cho phép tận dụng 100% chất thải từ vật liệu xây dựng. Các hạt thành phẩm cho nhiều kích cỡ. Hạt to có thể dùng làm cấp phối san nền đường, cát mịn có thể dùng để sản xuất gạch lát vỉa hè, vườn hoa, công viên, đê chắn sóng... thậm chí có thể dùng để chế tạo bê tông tươi. Máy nghiền có thể đáp ứng tất cả nhu cầu xử lý các loại nguyên liệu khoáng sản như đá hộc, bê tông, nhựa đường, thủy tinh... Việc áp dụng công nghệ hiện đại vừa xử lý tốt chất thải rắn xây dựng, vừa tận dụng giảm giá thành và đảm bảo môi trường.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Hà Nộị chia sẻ ,các cấp, ngành chức năng chỉ quan tâm đến việc xử lý rác thải y tế, rác thải sinh hoạt, ít để tâm đến rác thải xây dựng. Điều này có nhiều nguyên do, nhưng cái chính là nhiều người lầm tưởng loại rác thải này chỉ gây bụi bặm, có thể không nguy hại tức thì. Bên cạnh đó, rác thải xây dựng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị lớn, nhất là đặc tính khó phân hủy, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Thực trạng quản lý và xử lý chất thải nói chung, CTRXD nói riêng đang là vấn đề nóng, nhức nhối của đời sống kinh tế xã hội Việt Nam. Chỉ riêng Hà Nội, theo thống kê sơ bộ mỗi ngày Thành phố phát sinh khoảng trên 2.000 tấn CTRXD. Lâu nay, không ít chủ đầu tư đã tìm mọi cách để giảm chi phí xử lý chất thải nên đã đổ trộm CTRXD ra đường, khu vực ít dân cư, khu vực có nhiều ao hồ… Điều này đã gây ra nhiều hệ luỵ đối với xã hội như mất vệ sinh, ô nhiễm, bụi bẩn, ảnh hưởng tới cảnh quan Thành phố, đến sự phát triển hạ tầng đô thị trong tương lai.

Hiện nay, CTRXD sau khi phá dỡ thu gom không được phân loại, đa số chưa qua xử lý đã được các đơn vị đem đi san lấp dẫn đến không bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Việc san lấp không phải lúc nào cũng tuân thủ đúng quy định của pháp luật như nơi san lấp, yêu cầu về môi trường trong quá trình san lấp…

Đống vật liệu dài hàng cây số. (Ảnh: Hà Ánh)


Theo các chuyên gia, các điểm trung chuyển CTRXD thông thường luôn trong tình trạng quá tải và không có các biện pháp xử lý cơ bản, dẫn đến tình trạng đổ trộm dường như là điều hiển nhiên. Mặt khác, cách thức xử lý CTRXD hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Điều này đòi hỏi có những bãi chôn lấp lớn, tốn diện tích, chưa kể, chất thải xây dựng rất khó phân hủy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.

Theo Luật sư Trương Xuân Hải, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, Thông tư của Bộ Xây dựng có nhiều điểm mới ưu tiên tập trung quản lý, xử lý CTRXD tốt ngay từ nguồn phát thải xây dựng. Tuy nhiên thực tế, CTRXD vẫn đang là vấn đề nhức nhối hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn.

Khi tìm kiếm cụm từ “điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý CTRXD của Hà Nội ở đâu” thì không có kết quả (!?). Đã có nhiều trường hợp đổ trộm phế thải bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý nhưng vẫn như “muối bỏ bể”, không kiểm soát được hết. Hệ lụy nhãn tiền là không ít tuyến đường đã trở thành “điểm đen” với hàng trăm khối phế thải chình ình.

Một vài  ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền về hậu quả của việc đổ bỏ CTRXD không đúng quy định đi liền với đó là tổ chức các đợt ra quân, xử lý nghiêm tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng xuống hành lang đường bộ, hệ thống đê điều, sông ngòi, đất nông nghiệp và ra môi trường nói chung.

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng và công nghê xử lý chất thải rắn xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.