Thứ sáu, 29/03/2024 19:30 (GMT+7)

Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải tại Nam Định

Nam Thành -  Thứ hai, 10/08/2020 15:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, hiện nay bình quân mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh 880 tấn rác thải sinh hoạt.

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, hiện nay bình quân mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh 880 tấn rác thải sinh hoạt; trong đó tại khu vực nông thôn phát sinh khoảng 660 tấn, tại thành phố Nam Định phát sinh khoảng 220 tấn. Nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị, thời gian qua công tác quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt đã được tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Đối với địa bàn nông thôn, đến nay 100% các xã, thị trấn đều thành lập tổ thu gom rác thải, đội vệ sinh môi trường hoặc hợp tác xã vệ sinh môi trường; tổng lượng rác thải vùng nông thôn thu gom ước tính khoảng 582 tấn/ngày, đạt 88%. Đã có 186 xã, thị trấn đầu tư xây dựng công trình xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, trong đó có 106 xã, thị trấn xử lý bằng lò đốt. Đối với rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Nam Định do Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định thu gom và xử lý tại Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa theo phương thức chôn lấp.

Tuy nhiên, đến nay công tác xử lý rác thải sinh hoạt vẫn còn nhiều bất cập. Cơ sở hạ tầng xử lý rác thải sinh hoạt đã thay đổi nhưng việc xử lý theo phương pháp chôn lấp hiện gặp nhiều khó khăn do lượng rác tăng nhanh trong khi diện tích các khu chôn lấp nhỏ hẹp nên sớm bị quá tải. Công tác vận hành các bãi chôn lấp rác thải chưa được kiểm soát triệt để, chưa áp dụng đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình xử lý rác, tạo nguồn gây ô nhiễm môi trường do mùi hôi, nước rác thấm chảy xuống kênh mương thủy lợi. Hầu hết các lò đốt rác thải sinh hoạt của các xã, thị trấn công suất nhỏ, khu vực đặt lò thiếu các điều kiện hỗ trợ kỹ thuật về điện, nước; công nhân vận hành hạn chế về trình độ nên không đạt yêu cầu xử lý, dẫn đến hiệu quả xử lý thấp, phát sinh nguồn gây ô nhiễm. Khoảng cách an toàn nhiều khu vực xử lý rác thải chưa thực sự phù hợp với điều kiện mật độ dân cư theo quy chuẩn quốc gia; cộng với việc xử lý kiến nghị của người dân liên quan chưa đạt yêu cầu gây bức xúc trong cộng đồng, có nơi dẫn tới mất an ninh trật tự tại địa phương. Công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại chưa được quan tâm, đặc biệt tại các làng nghề, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại nhiều nơi được thu gom, xử lý chung với rác thải sinh hoạt. Vấn đề thu gom, xử lý rác thải trôi nổi trên các khu vực công cộng, sông, kênh mương, khu vực giáp ranh giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Đề cập vấn đề này, UBND tỉnh Nam Định cho rằng, quỹ đất dành cho việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn tỉnh Nam Định đang rất hạn chế. Đối với khu vực thành phố Nam Định, Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa đến nay đã hết quỹ đất dành cho chôn lấp, hiện đang sử dụng 3 hố chôn lấp dự phòng và dự kiến không lâu nữa sẽ đầy. Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra cho khu vực thành phố Nam Định là mở rộng khu xử lý hoặc áp dụng xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến.

Còn tại khu vực nông thôn, việc đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung gặp khó khăn về tìm vị trí phù hợp theo QCVN 07-9:2016/BXD của Bộ Xây dựng quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình quản lý chất thải rắn và nhà vệ sinh công cộng. Bởi theo quy định này, khoảng cách an toàn về môi trường của cơ sở xử lý chất thải rắn đến chân các công trình xây dựng khác ≥ 500m.

Mặc dù đã xây dựng khu tập kết, xử lý nhưng rác thải tại xã Yên Trị , huyện Ý Yên vẫn bị đổ tràn lan ra nghĩa trang và đốt gây ô nhiễm môi trường. Ảnh TL

Trong khi đó, việc vận hành các bãi chôn lấp hợp vệ sinh không hiệu quả. Bãi chôn lấp nhanh đầy, rác thải không được xử lý triệt để, hệ thống xử lý nước rỉ rác bị hỏng, tắc nghẽn dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ và kiến nghị của nhân dân. Bên cạnh đó, chi phí xử lý rác thải sinh hoạt rất lớn, việc thu kinh phí từ các hộ dân, cơ quan, tổ chức chỉ đáp ứng được một phần cho phí thu gom rác thải.

Do tồn tại, bất cập của bãi chôn lấp rác thải nên dẫn đến xu hướng các địa phương chuyển sang đầu tư xây dựng, lắp đặt lò đốt chất thải rắn sinh hoạt để xử lý rác thải triệt để hơn. Tuy nhiên, giai đoạn trước năm 2016, các lò đốt lắp đặt chủ yếu vào thời điểm Bộ TN&MT chưa ban hành QCVN 61-MT:2015/BTNMT nên chưa được kiểm định kiểm duyệt, chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường. Mặt khác kinh phí sự nghiệp môi trường của các địa phương thấp, không đáp ứng cho việc cải tạo lò đốt theo quy định.
Đáng lưu ý, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chất thải rắn vùng, tỉnh Nam Định tại Quyết định số 3053/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được do không nhận được sự đồng thuận của nhân dân khi xây dựng khu xử lý rác thải tại địa phương mình.

Hơn 20 năm qua, kể từ khi bãi tập kết, chôn lấp rác thải được đặt tại làng Man, xã Lộc Hòa (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), người dân nơi đây phải “cam chịu” sống chung cùng ô nhiễm. Ảnh TL


Để giải quyết những bất cập kể trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, UBND các huyện đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường; giao các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát, tổ chức thu gom xử lý triệt để xóa các vị trí đổ rác thải tự phát, đưa về khu xử lý tập trung. Các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp khắc phục tồn tại của khu xử lý rác tập trung trên địa bàn, chỉ đạo tổ thu gom, xử lý rác thải thực hiện nghiêm túc việc thu gom, tập kết xử lý triệt để tại khu xử lý tập trung, san gạt, chôn lấp, đốt rác thải theo quy trình kỹ thuật quy định; không để rác ùn ứ, gây mùi hôi thối, mất cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục kiên cố hóa hệ thống kênh mương và tăng cường xử lý bèo rác ùn ứ, ngăn chặn vứt rác thải xuống sông, kênh. Các huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn rà soát, kiểm tra, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các lò đốt đã xuống cấp đảm bảo đáp ứng yêu cầu quy chuẩn quốc gia về môi trường; nghiêm cấm đốt rác thải công nghiệp tại lò đốt rác thải sinh hoạt. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng, hoàn chỉnh mạng lưới các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải rắn cho các đô thị, khu công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn theo hướng tăng cường tái chế, hạn chế chôn lấp, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường. Mới đây, thành phố Nam Định đã thu hút một doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác thải quy mô hiện đại, đồng bộ tại xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) liền kề với Khu Liên hợp xử lý rác thải hiện có của thành phố. Huyện Nam Trực đã thu hút được 2 doanh nghiệp gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Nam Định đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn thông thường, tái chế phế liệu Đồng Côi trên tổng diện tích 2.910m2, với công suất xử lý, tái chế khoảng 11 tấn phế thải/ngày, trong đó có rác thải nhựa; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường xanh Nam Trực thực hiện thủ tục đầu tư dự án xây dựng “Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang” với diện tích 3,2ha tại thị trấn Nam Giang (Nam Trực).

Trong thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật lành nghề bằng nhiều hình thức thích hợp. Xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo hướng phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp. Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống công trình xử lý chất thải rắn hiện đại theo quy hoạch đã phê duyệt gồm 1 khu xử lý vùng tại huyện Mỹ Lộc và 13 khu xử lý chất thải rắn vùng liên huyện. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo 100% tổng lượng chất thải sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 100% tổng khối lượng chất thải công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 99% tổng khối lượng chất thải xây dựng, bùn cặn phát sinh tại đô thị được thu gom xử lý, trong đó 60% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế; 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% lượng chất thải rắn phát sinh tại các làng nghề được thu gom và xử lý triệt để./.

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải tại Nam Định. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới