Thứ năm, 25/04/2024 01:56 (GMT+7)

Thủy điện nhỏ tiềm ẩn hiểm họa lớn

MTĐT -  Thứ năm, 12/11/2020 14:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thủy điện nhỏ hiện đang được xây dựng tràn lan, bất chấp những tác động được nhà khoa học cảnh báo, PV báo NTNN/Dân Việt đã có chuyến đi thực tế ở một số tỉnh miền núi phía Bắc về hiện trạng trên.

Từ đầu tháng 10/2020 đến nay tình trạng mưa lũ, sạt lở đất đã khiến hàng trăm người chết và tích. Điển hình như vụ việc sạt lở ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế).

Ngoài điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, việc xây dựng thủy điện nhỏ tràn lan cũng được đưa lên bàn nghị sự để xem xét ảnh hưởng đến việc xảy ra lũ lụt, sạt lở.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có hệ thống sông, suối chằng chịt, có độ dốc lớn, tiềm năng phát triển thủy điện đã mang lại nguồn thu lớn cho một số địa phương, đóng góp một phần sản lượng vào lưới điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng.

Những công trình thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Thác Bà, Tuyên Quang… đã làm tốt chức năng giảm lũ cho vùng hạ lưu trong mùa mưa, điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Trái ngược với những công trình thủy điện lớn, thủy điện nhỏ hiện đang được xây dựng tràn lan, thậm chí bỏ ngoài tai những tác động được nhà khoa học cảnh báo. 

PV Báo NTNN/Dân Việt đã đi thực tế ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhận thấy, ngoài hiệu quả đã nêu còn rất nhiều câu chuyện về hệ lụy liên quan đến thủy điện nhỏ mang lại.

Bài 1: Thủy điện nhỏ "mọc" trên núi, "ẩn" dưới hẻm sâu

Những thủy điện nhỏ hay còn gọi là "thủy điện cóc" có công suất vài MW xuất hiện khá nhiều ở các khu vực sông suối có độ dốc lớn ở miền núi phía Bắc.

Toàn cảnh thủy điện Móng Sến gồm đường ống dẫn nước từ trên sườn núi cao hàng trăm mét

"Bom đất" treo trên đầu dân

Thủy điện Móng Sến, công suất 6MW, do Công ty thủy điện Tây Bắc đầu tư, xây dựng tại thôn Móng Sến 2, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Đi trên quốc lộ 4D từ TP Lào Cai đến thị xã Sa Pa đến đập thủy điện Cốc San có thể nhìn thấy rõ một vệt đất đỏ kéo dài từ đỉnh núi xuống quốc lộ, cách khoảng 30m là địa điểm đặt nhà máy thủy điện Móng Sến.

Từ phía đường ống nhìn xuống Nhà máy thủy điện Móng Sến gần quốc lộ 4D thủy điện nằm phía trên quốc lộ 4D nối thành phố Lào Cai với Thị xã Sa Pa với lưu lượng xe qua lại rất đông.

Hiện tại, thủy điện Móng Sến có nguy cơ sạt lở đất cao do xây đường ống dẫn nước từ trên cao, nhiều điểm sạt lớn, nhỏ. Khu nhà điều hành đang được xây dựng tại khu vực này.

Địa hình nơi dự án xây dựng có độ dốc cao, bên dưới nhiều hộ dân người Mông và Dao đang sinh sống và đường quốc lộ 4D. Ven quốc lộ là lán trại của công nhân sinh hoạt để thi công cầu Móng Sến, thuộc tuyến cao tốc Lào Cai - Sa Pa.

Hàng chục hộ dân sinh sống, kinh doanh, buôn bán ở phía dưới đường ống dẫn nước của Dự án nhà máy thủy điện Móng Sến

Trao đổi với PV, ông Lò Dùn Sẻo người dân Bản Móng Sến 2, sinh sống cách nhà máy thủy điện Móng Sến vài chục mét - cho biết: "Dự án thủy điện này đã bắt đầu xây dựng cách đây khoảng hơn 2 năm, đến nay vẫn đang xây dựng, chúng tôi ở gần nơi xây dựng nhà máy thủy điện thấy nhiều điểm sạt lở quanh nhà máy và chỗ họ xây dựng đường ống dẫn nước".

"Ban đầu nghĩ mình ở cách xa mấy chục mét không ảnh hưởng. Nhưng mấy hôm nay nghe thông tin trên tivi thấy có vụ sạt lở thủy điện ở trong miền trung gây chết và mất tích nhiều người. Nên đang rất sợ, nhỡ đâu khi có mưa to, bão lớn thì quả đồi sau nhà chúng tôi nơi mà có đường ống dẫn nước thủy điện đi qua có thể sạt xuống nhà bất cứ lúc nào" - ông Sẻo lo lắng.

Cùng chung nỗi lo với ông Sẻo, bà Lò Mán Mẩy nói: "Đã vài lần chúng tôi có ý kiến lên xã để di dời các hộ dân ở đây đi nơi khác tránh bị ảnh hưởng của thủy điện nhưng đến nay vẫn chưa biết đi đâu. Sống cứ nơm nớp lo sợ bị sạt lở thế này chúng tôi không yên tâm sản xuất được".

Điểm sạt lở xuất hiện dưới nhà ở của công nhân và nhà điều hành

"Trước đây, khi thủy điện xây dựng đường ống dẫn nước cũng gây ảnh hưởng làm sạt lở mấy thửa ruộng của gia đình tôi nhưng bên thủy điện cũng chưa đền bù cho gia đình. Chúng tôi rất bức xúc nhưng cũng không có cách nào"- bà Mẩy chia sẻ thêm.

Trao đổi với PV, đại diện UBND xã Trung Chải cho biết: "Chúng tôi không nhận được phản ánh của bà con, việc đền bù thì xã không phải cơ quan giải phóng mặt bằng. Trước đây xây dựng thủy điện vướng gì chúng tôi cũng phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết".

Từ phía đướng ống nhìn xuống Nhà máy thủy điện Móng Sến gần quốc lộ 4D

Theo tìm hiểu của PV, năm 2018 khi Sở Công Thương tỉnh Lào Cai kiểm tra tại dự án thủy điện Móng Sến đã phát hiện hàng loạt thiếu sót, đặc biệt là khởi công xây dựng nhiều hạng mục nhưng không thông báo tới cơ quan chức năng, cũng như chưa có giấy phép xây dựng….

Sạt lở ngay phía trên nhà máy và thân đập

Cách thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai 13km là Công trình thủy điện Bắc Cuông, do Công ty CP thủy điện năng lượng Phúc Thái đầu tư, được xây dựng trên địa phận Bản Cuông 3, xã Xuân Hòa. 

Dự án thủy điện Bắc Cuông xây dựng trên suối Nậm Luông với tổng vốn đầu tư 197,7 tỷ đồng, công suất lắp máy 5,75MW, khi nước dâng đã ảnh hưởng đến đất lâm nghiệp của bà con dân tộc Dao nơi đây.

Cuối tháng 10/2020 khi PV có mặt tại khu vực xây dựng thủy điện Bắc Cuông. Đập và nhà máy được xây dựng gần quốc lộ 279 nối giữa huyện Bảo Yên (Lào Cai) và Quang Bình (Hà Giang) người dân đi đường rất dễ quan sát thấy công trình thủy điện nằm sâu hun hút dưới lòng sông sâu khoảng 40m so với mặt đường.

PV ghi nhận điểm sạt lở ngay sau nhà máy và thân đập, lượng đất đá vừa bị sụp xuống lên đến hàng chục m3, hiện đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở thêm nhưng không thấy có biến cảnh báo có nguy cơ sạt lở.

Thân đập nhà máy thủy điện Bắc Cuông nằm sâu dưới khe núi

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Lịch, đại diện Ban quản lý dự án thủy điện Bắc Cuông nói: "Chỗ sạt trên thân đập hôm kiểm tra không vấn đề gì cả, chưa ảnh hưởng gì cả".

Còn ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên khi tiếp nhận thông tin từ PV đã chỉ đạo Phòng Kinh tế Hạ tầng kiểm tra để có hướng khắc phục. 

"Ở trên này tôi quản rất chặt, thậm chí sạt 4h sáng tôi biết ngay vì xã báo lên mà, chỗ nào sạt tôi yêu cầu khắc phục ngay. Còn chỗ thủy điện Bắc Cuông thì Phòng Kinh tế hạ tầng vào kiểm tra luôn và sẽ có báo cáo" - ông Hà cho hay.

Cả thân đập và nhà máy thủy điện Bắc Cuông nằm sâu dưới hẻm núi, núi phía trên đang bị sạt lở và có nguy sạt lở thêm bất cứ lúc nào

Theo tìm hiểu của PV, khi xây dựng công trình thủy điện này từng xảy ra tai nạn chết người.

Cụ thể, khoảng 7h sáng ngày 2/10/2017 trong quá trình xây dựng thủy điện Bắc Cuông, anh Nguyễn Văn D. ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên là Công nhân của Công ty Cổ phần xây lắp thủy điện và khai thác khoáng sản Việt Trung đã bị lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong. 

Đến trưa ngày 3/10 gia đình và đội tìm kiếm mới tìm thấy xác anh D. cách nơi bị cuốn trôi hàng chục km. Ông Nguyễn Việt Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Yên xác nhận với PV NTNN/Dân Việt "có sự việc này xảy ra".

Theo Hoàng Chiên/Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết Thủy điện nhỏ tiềm ẩn hiểm họa lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành