Thứ bảy, 20/04/2024 00:09 (GMT+7)

Tiềm năng từ điện mặt trời

MTĐT -  Thứ hai, 16/10/2017 10:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về tài nguyên điện mặt trời. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, mới có khoảng 200 MW điện gió và 80 MW điện mặt trời được đấu nối vào lưới điện.

Liệu Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 850MW điện mặt trời vào năm 2020 và 12.000 MW vào năm 2030 như Quy hoạch điện VII đề ra?

Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu 850MW điện mặt trời vào năm 2020 và 12.000 MW vào năm 2030

Thế giới đang phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, mới có khoảng 200 MW điện gió và 80 MW điện mặt trời được đấu nối vào lưới điện. Liệu Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 850MW điện mặt trời vào năm 2020 và 12.000 MW vào năm 2030 như Quy hoạch điện VII đề ra? Ông Đỗ Đức Tưởng- cố vấn năng lượng sạch Chương trình Năng lượng của USAID Việt Nam đã trao đổi với Đại Đoàn Kết xung quanh nội dung này.

Ông Đỗ Đức Tưởng


PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là lĩnh vực điện mặt trời?

Ông ĐỖ ĐỨC TƯỞNG: Hiện nay  thế giới đã phát triển rất mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời nhưng tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ mặc dù Việt Nam có tiềm năng rất lớn về tài nguyên mặt trời. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về biểu giá điện ưu đãi cho điện gió hồi năm 2011, chúng ta đã thấy có sự tăng trưởng của điện gió vào thời điểm đó, tuy nhiên mức giá lúc đó chưa được như kỳ vọng của các nhà đầu tư thành ra đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có chưa đến 200 MW điện gió và chưa đến 80 MW điện mặt trời được nối lên lưới điện.

Để khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách, đơn cử tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, DN khi tham gia vào lĩnh vực này. Đơn cử, việc miễn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm, thiết bị mà Việt Nam chưa sản xuất được. Với Thuế thu nhập DN, trong 4 năm đầu tiên, DN kinh doanh về lĩnh vực điện mặt trời đều được miễn thuế hoàn toàn. Trong thời gian tiếp theo, theo từng lộ trình nhất định, sẽ giảm Thuế thu nhập DN ở mức lúc đầu là 50%, rồi 10%,  5%, chỉ đến giai đoạn cuối cùng, DN mới phải trả đến 20%. Tôi cho rằng, những chính sách ưu đãi này chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Và cho đến thời điểm này, tổng số các dự án đăng ký tại Việt Nam đã đạt được một con số khá ấn tượng, lên đến 12.000 MW. Đó là một tín hiệu đáng mừng.
Nhìn vào sơ đồ Quy hoạch điện VII thấy đưa ra quy hoạch khoảng 850MW điện mặt trời đến năm 2020. Theo ông, con số này liệu đã hợp lý?
-Theo tôi bản Quy hoạch điện VII còn rất thận trọng ở chỗ chúng ta hiện nay mới đưa ra quy hoạch là 850MW đến năm 2020 và đến năm 2030 mới là 12.000 MW trong khi đó tiềm năng điện mặt trời của chúng ta còn rất lớn có thể lên đến trên 20.000 MW. Vấn đề đặt ra là Chính phủ có coi con số 850MW là mức trần hay không, hay Chính phủ chỉ đưa ra mục tiêu đó để khuyến khích thôi. Theo như tôi được biết khi trao đổi, tiếp xúc với các nhà khoa học chuyên ngành, thì mức 850 MW không phải là mức trần mà Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ tất cả các dự án kể cả khi chúng ta đã đạt được mức theo kế hoạch đề ra.

Thiết bị điện quang tận dụng năng lượng mặt trời là hướng đi tích cực phát triển nguồn điện

Chúng ta đã có những chính sách ưu tiên cho năng lượng tái tạo từ lâu,  tuy nhiên con số các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời vẫn khá khiêm tốn. Đâu là nguyên nhân của thực tế này, thưa ông?
-Mặc dù chúng ta đã có cơ chế về giá nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khác liên quan như cơ sở hạ tầng để truyền tải lưới điện chẳng hạn. Tôi được biết, có những khu vực có rất nhiều dự án được đăng ký,  nhưng máy biến áp của khu vực đó lại không đủ công suất để hấp thụ tất cả các nguồn điện từ các dự án điện mặt trời. Thứ nữa là tại Việt Nam chính sách đưa ra nhưng quá trình  triển khai ra sao còn phụ thuộc khá nhiều vấn đề, nhiều thủ tục như việc xin bổ sung quy hoạch dự án vào hệ thống, kế hoạch phát triển điện lực của địa phương cũng như của quốc gia, hay vấn đề  xin cấp đất, xin giấy phép đấu nối, thỏa thuận mua bán điện với EVN... Tất cả những vấn đề đó đều tác động đến nhà đầu tư về mặt chi phí tài chính cũng như thời gian, không loại trừ cả những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu trong quá trình thực hiện.
Hiện EVN lo lắng nhất là nối lưới và đảm bảo an toàn hệ thống điện, theo ông, liệu có thể xảy ra những vấn đề gì khi việc nối lưới điện gặp phải các dự án điện mặt trời có công suất lớn từ 100 MW trở lên?
- Phải thừa nhận mối lo của EVN là một mối lo chung mà tất cả các nước khi phát triển năng lượng điện mặt trời đều phải đối mặt. Nghĩa là càng nhiều năng lượng tái tạo thì hệ thống điện hiện tại càng nhiều nguy cơ, bất ổn. Chúng ta cần phải có  những giải pháp kỹ thuật nhất định như tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường hệ thống đo đếm hay hệ thống điều khiển thông minh, hệ thống điện thông minh… khi đó sẽ góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của năng lượng tái tạo đến hệ thống điện. Đó là lý do tại sao chúng tôi thường khuyến cáo, các nhà quản lý ngoài việc ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư thì đi kèm với đó, ngành điện cần đầu tư thêm nhiều cơ sở hạ tầng hơn nữa để phục vụ cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, còn nếu vẫn như cơ sở hạ tầng hiện nay sẽ rất khó phát triển.
Có ý kiến cho rằng, muốn phát triển năng lượng tái tạo thì phải giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện mà chúng ta đang quy hoạch. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
-Trước đây trên thế giới, điện than và điện khí được ưu tiên hơn vì tính ổn định của chúng, điện gió, điện mặt trời chỉ phụ trợ thôi. Nhưng bây giờ thì ngược lại, thế giới tập trung ưu tiên  hoàn toàn cho phát triển năng lượng tái tạo, điện than, khí chỉ là để bù lại chỗ thiếu. Việt Nam có 20.000 MW điện từ các hồ thủy điện và đây là nguồn điện mà chúng ta có sẵn, có lợi thế nhờ giàu tiềm năng thủy điện. Đó là lý do vì sao chúng tôi hoàn toàn tự tin cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp nhận nhiều nguồn năng lượng tái tạo thay vì chỉ tập trung vào nhiệt điện.
Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết Tiềm năng từ điện mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Đại đoàn kết

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...