Thứ bảy, 20/04/2024 02:15 (GMT+7)

Uy tín và vị thế mới của Việt Nam

MTĐT -  Thứ hai, 03/05/2021 08:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những thành tựu ngoại giao của Việt Nam trong thời gian qua đã giúp hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đạt mức rất cao. Uy tín quốc tế Việt Nam ngày nay đang ở mức cao nhất.

Trong năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Với thế và lực đang ngày một cao, Việt Nam đã thể hiện đủ sức gánh vác trách nhiệm lớn hơn trên trường quốc tế. “Sức mạnh mềm” linh hoạt trong ngoại giao, văn hóa, kinh tế, chính trị... đã tạo nên uy tín, vị thế, tầm cao mới cho Việt Nam.[2]

Nhiều sáng kiến, sáng tạo

Là một đất nước đang hội nhập mạnh mẽ vào cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế theo phương châm: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. 2020 là một năm đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa khi Việt Nam vinh dự đảm nhiệm những trọng trách lớn ở cả tầm khu vực và quốc tế. Việt Nam vừa giữ ghế Chủ tịch không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), vừa giữ cương vị Chủ tịch ASEAN.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã đưa ra 2 sáng kiến đầy triển vọng. Đầu tiên là tổ chức một cuộc thảo luận về việc tuân thủ Hiến chương LHQ. Sáng kiến thứ hai là sắp xếp cuộc gặp đầu tiên chưa từng có giữa LHQ và ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực.

Với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã triệu tập Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế ASEAN vào ngày 7/4, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19 vào ngày 14/4. Việt Nam đã thành công trong việc đảm bảo sự đồng thuận của ASEAN trong ứng phó với Covid-19 và khởi xướng các cuộc thảo luận sơ bộ về sự phục hồi sau đại dịch.

Các sáng kiến đã góp phần tạo nên dấu ấn Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự ổn định chính trị và tăng trưởng của ASEAN.

Tự hào Việt Nam được số phiếu ủng hộ cao kỷ lục: 192/193 tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Internet

Phát triển thần tốc

Bên cạnh những sáng tạo trong ngoại giao, ổn định chính trị khu vực và tăng cường hợp tác quốc tế, bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của LHQ (GII) năm nay ghi nhận Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 - tăng từ vị trí 71 vào năm 2014.

Tổ chức Sở Hữu trí tuệ thế giới của LHQ (WIPO) đánh giá, Việt Nam thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian. So với năm 2019, Việt Nam có chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc; chỉ số hợp tác viện trường, doanh nghiệp tăng 10 bậc; chỉ số số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật tăng 13 bậc; năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc. Trong nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, Việt Nam tiếp tục tăng một bậc. Các thương hiệu “Made in Vietnam” hay “Made by Vietnam” ngày càng có vị trí trên trường quốc tế.

Năm 2020, mặc dù tác động lớn của đại dịch Covid-19 song GDP Việt Nam vẫn tăng 2,91% (theo Tổng Cục Thống kê). Tuy là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm và chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy.

Bất chấp những tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, hầu hết dự báo kinh tế của các tổ chức quốc tế đều cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi từ 6 - 7%. IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với GDP đạt 6,5% khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục bình thường hóa. Ngân hàng thế giới (World Bank) nhận định triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực, dự báo tăng trưởng ở mức 6,8%. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,3% trong năm 2021.

Từ vị thế bị động ban đầu, sau 25 năm, Việt Nam đã hình thành vị thế chủ động từng bước trong ASEAN nhờ tiềm lực kinh tế được cải thiện. Lòng tin vào cải thiện chính sách tăng lên. Nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam đã cạnh tranh hiệu quả thâm chí dẫn đầu ASEAN như điện thoại, dệt may, nông thủy sản, giầy dép...

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII của Ban chấp hành Trung ương Đảng được xây dựng trong bối cảnh cả tình hình thế giới và khu vực đều có diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Những mục tiêu kinh tế trong Dự thảo là cơ hội cũng là thách thức lớn trong hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng của Việt Nam.[1]

Khi cơ hội cũng là áp lực [3]

Giai đoạn tới, thế giới dưới tác động của Covid-19 vẫn phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng, ví dụ như khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 với sự bùng nổ của công nghệ số đã tạo ra nhiều sự đột phá trên nhiều lĩnh vực.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định hương mại tự do thế hệ mới. Một trong những thách thức đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn tới đó là nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra được 3 mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn. Cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường của thế giới cũng như khu vực Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, áp lực để hoàn thành mục tiêu.
Trước tiên, đại dịch Covid-19 dù đã được kiểm soát khá ổn tại Việt Nam, nhưng còn nhiều diễn biến phức tạp tại các quốc gia khác trên thế giới. Mặc dù nhiều nước đã thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng vacxin ngừa Covid-19, nhưng nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng bên cạnh việc khắc phục Covid-19, thế giới còn có thể sẽ phải đối mặt với virus mới. Ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm.
Hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng về kinh tế và tác động nặng nề nhất là tăng gánh nặng nợ công của Việt Nam. Việc chi tiêu nhiều cho quá trình phòng ngừa dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc giảm thiểu tác động của dịch bệnh có thể phải gánh chịu áp lực gia tăng nợ công. Khoản nợ này có thể kéo dài và trở thành thách thức đối với quốc gia khi làm chậm quá trình phát triển kinh tế.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu có thể là một cơ hội lớn với những doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu vốn đang khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhưng cũng sẽ là một thách thức lớn khi họ phải đảm bảo về số lượng và chất lượng tương ứng.
Trong khi đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam đến nay còn chưa hiệu quả. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã có những bước chuyển dịch khá nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều yếu tố cần thiết đảm bảo cho phát triển cơ cấu kinh tế hiện đại chưa được đảm bảo cụ thể như: chất lượng nguồn nhân lực nước ta còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, quy mô doanh nghiệp nhỏ, chuỗi cung ứng sản phẩm yếu… Cùng với đó, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn tương đối thấp, xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào nhóm hàng do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dẫn dắt làm cho kim ngạch xuất khẩu mặc dù tăng nhưng hàm lượng nội địa không tăng tương ứng. Để có có cấu kinh tế hiện đại, cần một khoảng thời gian khá dài để điều chỉnh.

Chiến lược là then chốt, nhưng thích ứng quan trọng không kém

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã hoàn tất nhiều hiệu định thương mại lớn với các nước trong khu vực và thế giới, từ đó mở ra những cơ hội trong phát triển kinh tế, sự tham gia thị trường lớn cua doanh nghiệp Việt. Song song đó là những thách thức doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt. Việt Nam sẽ phải hoàn chỉnh hệ thống pháp lý để phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới trong quá trình tham gia các hiệp định thương mại đó.
Đồng thời, việc đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia các hiệp định thương mại không phải là điều dễ dàng với đại đa số doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ những tập đoàn và doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới ngay trên thị trường Việt Nam. Sự thua kém trong cạnh tranh có thể khiến Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam chịu thua thiệt ngay trên sân nhà. Thực tế cho thấy độ mở nền kinh tế càng cao thì nguy cơ dễ tổn thương càng lớn trước sự tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, rào cản thương mại, cú sốc giá hay từ sự thay đổi chính sách của các quốc gia nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh những lợi ích, tác động tích cực tới kinh tế và xã hội của các quốc gia, CMCN 4.0 còn kéo theo những hệ quả nhất định. CMCN sẽ làm thay đổi cơ cấu lao động hoặc thậm chí phá vỡ thị trường lao động, dẫn tới sự bất bình đẳng lớn hơn trong xã hội khi tự động hóa dần thay thế cho con người. Cũng từ đây, tỉ lệ thất nghiệp có thể gia tăng khi người lao động dần bị thay thế bởi máy móc.
Một trong những thách thức Việt Nam phải đối mặt là về sự phát triển tương ứng của cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở hạ tầng cho công nghệ. Trong những năm vừa qua Việt Nam đã có sự phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng công nghệ nhưng so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn có khoảng cách rất lớn. Thêm vào đó, sự chuyển đổi quá nhanh sang nền kinh tế số trong khi đại đa số người dân của Việt Nam còn có trình độ công nghệ thấp đã dẫn tới sự khập khiễng và khó khăn. CMCN với sự phát triển của mạng internet, kinh tế số, AI,… đòi hỏi một sự bảo mật cao cho người sử dụng. Tuy nhiên, vấn đề an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay mới chỉ ở bước sơ khai, một số lĩnh vực then chốt của nhà nước mới ứng dụng, những ngành nghề khác chưa được quan tâm. Hoặc, tự bản thân doanh nghiệp lớn sẽ có ý thức trong an ninh mạng.
Việt Nam theo đuổi mục tiêu thu nhập từ trung bình thấp tới trung bình cao cho giai đoạn 2025-2045. Nếu không có một chiến lược phát triển phù hợp với tình hình chung của đất nước, khu vực và thế giới, Việt Nam dễ phải đối mặt với những bẫy thu nhập. Khoảng cách thu nhập giữa các cá nhân, giữa khu vực thành thị và nông thôn có thể bị giãn cách ngày một rộng
Kinh tế Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên theo chiều rộng, trong đó đất đai, tài nguyên rừng, thủy điện được sử dụng nhiều, không kiểm soát dẫn tới phá vỡ quy hoạch phát triển nhiều vùng kinh tế, gây mất cân bằng sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng lớn tới ổn định kinh tế - xã hội và môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam trong tiến trình đạt mục tiêu phát triển bền vững ở cả ba trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường. Đặc biệt, Việt Nam là nước nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng nước biển xâm nhập sâu và rộng, bão lũ, thiên tai diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Biến đổi khí hậu thực sự trở thành mối đe dọa đảm bảo bền vững an ninh lương thực và sinh kế cho người dân Việt Nam. Việc đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Vị thế ngày càng lớn mạnh [2]

Song song với phát triển kinh tế, Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế qua nhiều hiệp định thương mại tự do. Việt Nam giờ là đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương và 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Được tín nhiệm lựa chọn là nơi tổ chức nhiều hội nghị quan trọng có tầm cỡ khu vực và toàn cầu như Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN hay gần đây nhất là Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Cho tới nay, đã có trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Với thế và lực ngày càng nâng cao, Việt Nam đang thể hiện đủ sức gánh vác trách nhiệm lớn hơn trên trường quốc tế. Đó là những giá trị lớn, thể hiện "sức mạnh mềm" của dân tộc Việt Nam.
GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia nhận định, những thành tựu ngoại giao của Việt Nam trong thời gian qua đã giúp hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đạt mức rất cao. Uy tín quốc tế Việt Nam ngày nay đang ở mức cao nhất. Bằng chứng cho điều này là Việt Nam được bầu chọn làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu gần như tuyệt đối, 192/193 phiếu. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong quan hệ quốc tế ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu. Mỹ đã công nhận điều này bằng cách coi Việt Nam là đối tác chiến lược tiềm năng trong tất cả tài liệu chính sách an ninh và quốc phòng.
Ông Ahmad Ibrahim Almutaqqi, Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN thay cho lời kết: “Chúng ta đang chứng kiến một Việt Nam tự tin trên vũ đài thế giới, có những đóng góp quan trọng cho khu vực. Và Việt Nam chính là “tấm gương” phản chiếu những lý tưởng và giá trị mà ASEAN có thể mang lại cho nhân dân các nước trong khu vực”./.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo chính trị tại đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam.
2. Tuyết Vân, “Sức mạnh mềm”, tạo uy tín, vị thế mới của Việt Nam.
3. TS. Đặng Thái Bình, “Phát triển kinh tế đến năm 2045, thoát “bẫy” để hóa rồng”, Tạp chí Khoa học và Đời sống số Tết Tân Sửu, 2021.

PTS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Uy tín và vị thế mới của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...