Thứ sáu, 26/04/2024 00:30 (GMT+7)

Vì sao ô nhiễm không khí tại các đô thị ngày càng đáng báo động?

MTĐT -  Thứ ba, 24/09/2019 14:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, trong đó ô nhiễm do khói bụi là là vấn đề nổi cộm, đáng lo ngại nhất.

Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc PAMAir, vào buổi sáng và buổi tối mấy ngày nay, chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các huyện ngoại hành Hà Nội  và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam ô nhiễm rất nghiêm trọng. Nhiều nơi xấp xỉ ngưỡng xấu, tất cả mọi người nên hạn chế ra ngoài.

Ô nhiễm không khí thường lên cao vào buổi sáng, bắt đầu từ sáng sớm, kéo dài gần đến trưa. Sáng qua, ô nhiễm kéo dài từ sáng sớm, đến trưa chiều được cải thiện, vào buổi tối ô nhiễm không khí lại xuất hiện với chỉ số AQI các điểm đo khắp đồng bằng Bắc Bộ và huyện ngoại thành Hà Nội thường xuyên trên 150.

Tại TP. HCM và một số tỉnh vùng ven, chất lượng ô nhiễm không khí tuy đã giảm, nhưng vẫn hiếm thấy “màu xanh” - màu không khí trong lành trên trên ứng dụng online Pam Air - “bản đồ ô nhiễm không khí.”

Theo báo Tuổi trẻ, nói về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở TP. HCM, ông Hồ Quốc Bằng - giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM - lập luận bình thường vào các dịp cuối tuần trước đây, dù có xuất hiện sương mù thì chất lượng không khí cũng không ô nhiễm nặng đến vậy. Hơn nữa, vào dịp cuối tuần, việc phát thải là không cao vì giao thông và công nghiệp hoạt động thấp hơn ngày thường.

Ông Bằng cho biết đã mô phỏng, chạy mô hình truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Theo đó, ngày 18/9 có những đám cháy rừng lớn và trên diện rộng tại Indonesia, theo hướng gió và tốc độ gió sau 2-3 ngày thì các chất ô nhiễm này bay tới TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Vì vậy, ô nhiễm không khí ngày thứ sáu 20-9 tại TP.HCM tăng cao đột biến.

Đồng thời, ông Bằng cho biết đã làm mô hình chạy ngược lại cũng cho thấy ô nhiễm không khí tại TP.HCM ngày 22/9 xuất phát từ cháy rừng ở Indonesia.

Tuy nhiên, đại diện Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho rằng đơn vị này chưa có đủ dữ liệu chứng minh sương mù ở TP.HCM có liên quan đến tình trạng cháy rừng ở Indonesia. Bởi một số trạm quan trắc khu vực đảo Tây Nam không ghi nhận được hiện tượng mù khô.

Ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Ảnh: Internet.

Đáng nói là, hiện trạng các đô thị lớn thường xuyên chịu cảnh bầu không khí nhiễm bẩn bởi khí thải và bụi mịn đã xảy ra từ lâu. Nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Theo TTXVN, trong báo cáo nghiên cứu hiện trạng môi trường quốc gia chuyên đề môi trường đô thị do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cũng cho thấy, hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, trong đó ô nhiễm do khói bụi là là vấn đề nổi cộm, đáng lo ngại nhất.

Trong khi đó, lý giải về tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội, ông Lê Thanh Hải, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự báo khí tượng thủy văn, cho rằng những ngày qua, thời tiết miền Bắc ở giai đoạn chuyển giao giữa mùa nóng và lạnh nên các khối không khí ít biến động. Không khí không thể bốc lên cao theo hoạt động đối lưu, không có hiện tượng ngưng kết mây, gây mưa. Ở phương ngang thì không có gió thổi vào để di chuyển khối khí ô nhiễm đi nơi khác. Ngoài ra, hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí xấu.

Còn theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của thủ đô. TP xác định có 2 nguyên nhân chính gồm hoạt động giao thông và tình trạng phá dỡ các công trình xây dựng.

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tiếp những ngày qua nhưng chủ yếu là tình trạng xả thải (khói, bụi, hơi, hóa chất…) của các nhà máy trên địa bàn đang rất bừa bãi.

Theo ông Sơn, trong các nhà máy có các quạt hút bụi, mùi và đẩy ra môi trường bên ngoài. Vì vậy, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì môi trường bên trong các nhà máy luôn đạt tiêu chuẩn nhưng không khí xung quanh, bên ngoài nhà máy lại luôn ô nhiễm. Không chỉ ở Hà Nội, đây là tình trạng chung xảy ra trên nhiều địa phương của cả nước.

Ông Sơn cho rằng một bất cập lớn ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng là việc quy định tiêu chuẩn chất lượng không khí mà các nhà máy, các khu công nghiệp thải ra. "Người ta chỉ quan tâm đến việc mỗi nhà máy thải ra bao nhiêu m3 khí (nằm trong ngưỡng cho phép) và khi kiểm tra thì chỉ quan trắc cục bộ tại một số điểm, khu vực nhất định chứ không quan tâm đến việc tổng lượng khí mà tất cả nhà máy, các khu công nghiệp thải ra môi trường. Vì vậy, để bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng phải thay đổi các tiêu chí về việc xả thải ra môi trường một cách chặt chẽ hơn" - ông Sơn phân tích.

Còn ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, khẳng định ô nhiễm không khí ở Hà Nội không thể đổ cho thời tiết mà chính do con người. "Ở Hà Nội hiện nay, giao thông quá đông đúc, các công trình đang xây dựng quá nhiều nên lượng bụi rất lớn. Hà Nội phải kiểm soát việc xử lý khí thải ngay từ cơ sở, trong các nhà máy, các khu công nghiệp. Phải tìm cách để giảm mật độ lưu thông của các phương tiện cá nhân, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng, vấn đề này phải có biện pháp đồng bộ và phải làm ngay" - ông Tùng chỉ rõ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao ô nhiễm không khí tại các đô thị ngày càng đáng báo động?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.