Thứ sáu, 29/03/2024 18:36 (GMT+7)

Những tín hiệu khả quan thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg về môi trường

MTĐT -  Thứ tư, 22/03/2017 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg, Bộ TN&MT đã ký Công văn số 4734/BTNMT-TCMT ngày 21/10/2016 hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị.

Đến nay, sau gần 5 tháng thực hiện tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, hoạt động quản lý môi trường đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Trong thời gian qua, UBND Thành phố Hà Nội đã chủ động trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể thành phố đã lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường (ONMT) và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Theo Quyết định số 1788/QĐ -TTG của Thủ tướng chính phủ trên địa bàn có 3 cơ sở thuộc danh mục cơ sở gây ONMT nghiêm trọng, đến nay, cả 3 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Sở TN&MT đã hướng dẫn các đơn vị này hoàn thiện thủ tục đưa ra ngoài danh sách các sơ sở gây ONMT nghiêm trọng. Hà Nội đã hoàn thành dự án 'Cải thiện và phục hồi môi trường tại điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật khu Lò Gạch, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường.

Đối với khu vực làng nghề, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường cho 8 làng nghề ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng và chuẩn bị đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, công suất 1000m3/ngày/đêm.

Đồng thời, UBND thành phố tiến hành quan trắc, phân tích đánh giá ô nhiễm môi trường tại các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn 12 quận nội thành; thực hiện công tác rà soát, đối chiếu danh mục 12 quận báo cáo để xác định các cơ sở không phù hợp quy hoạch và dự kiến quy hoạch sử dụng đất sau khi di dời; nghiên cứu đề xuất cơ chế mang tính nguyên tắc chung áp dụng đối với từng loại đổi tượng để hỗ trợ, khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.

Còn tại TP. HCM, UBND thành phố đã có lộ trình xử lý đối với những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Cụ thể, thành phố đã ban hành Quyết định 2033/QĐ –UBND về “Kế hoạch thí điểm xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn khu phố 4 - 5 phường Đông Hưng, quận 12”. Đến nay, đã di dời 21 cơ sở hoạt động gây ô nhiễm trên địa bàn này vào KCN Lê Minh Xuân 3. Bên cạnh đó, TP. HCM cũng lập Danh mục 34 cơ sở gây ONMT  và 159 cơ sở gây ONMT nghiêm trọng trong năm 2015 - 2016, từ đó, đề xuất biện pháp xử lý.

Đối với các cơ sở sản xuất không phù hợp theo quy hoach xây dựng đô thị thành phố cũng ban hành danh mục cơ sở phải di dời 37 cơ sở. 3 cơ sở gây OMNT nghiêm trọng trên địa bàn quận 3, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND quận tiến hành giám sát định kỳ 6 tháng /lần  và yêu cầu các cơ sở này phải duy trì các biện pháp xử lý ô nhiễm theo đúng quy định.

Đầu tư các trạm quan trắc

Về lâu dài, để kiểm soát các nguồn phát thải phải có các trạm quan trắc không khí và nước tự động. Vì vậy cả 2 thành phố lớn đang quyết liệt triển khai nhiệm vụ này.

UBND TP. HCM đã yêu cầu tất cả các KCN, KCX, Khu CCC, CCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và lắp đặt ngay các thiết bị kiểm soát hoạt động xả thải. Đến nay, 16/16 KCX, KCN và khu công nghệ cao đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và có hệ thống quan trắc tự động truyền dữ liệu về Sở TN&MT. CCN Lê Minh Xuân và Nhị Xuân đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Hiện, UBND TP đang xây dựng dự thảo “Quy định hướng dẫn về công tác đầu tư, quản lý, vận hành và quy chế quản lý hoạt động hệ thống quan trắc tự động nước thải sau xử lý trên địa bàn TP. HCM

Tại HN, UBND thành phố đã tiến hành lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí tự động và 5 trạm quan trắc nước thải tự động nhằm tiến hành đánh giá hiện trạng và giám sát chất lượng môi trường không khí và môi trường nước cho thành phố Hà Nội.       

Bên cạnh đó, xây dựng và vận hành trung tâm điều hành và quản lý dữ liệu môi trường. Theo đó, số liệu từ các trạm quan trắc không khí và nước tự động truyền số liệu quan trắc trực tiếp về Sở TN&MT nhằm kiểm soát, giám sát các hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật.

Để đánh giá một cách toàn diện về tình hình xả thải công nghiệp, Hà Nội đang thực hiện Kế hoạch quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp. Khi hoàn thành, thành phố sẽ có số liệu điều tra về nguồn thải công nghiệp cho 300 cơ sở công nghiệp trong 8 Khu công nghiệp, 500 cơ sở tại các cụm công nghiệp, điều tra 700 cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp; kiểm kê chuyên sâu đối với 160 cơ sở.  Đồng thời tổ chức khóa tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, phổ biến kế hoạch điều tra các cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài Khu, Cụm công nghiệp.

Như vậy, sau gần 5 tháng thực hiện Chỉ thị 25/TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, hoạt động quản lý môi trường tại Hà Nội và TP. HCM được thúc đẩy, các cơ sở gây ONMT, ONMT nghiêm trọng đã được xử lý, giám sát gắt gao. Tuy vậy, phía trước vẫn còn gian nan bởi theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng: “Sự quan tâm, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan còn chưa đúng mức, chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ cấp Thành phố đến quận, huyện, phường, xã trong thực hiện một số nhiệm vụ về môi trường và bảo vệ tài nguyên”.

Việc xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động nhằm cụ thể hoá các nội dung của Chỉ thị số 25/CT-TTg chưa được triển khai đồng đều tại các địa phương. Tính đến ngày 25/12/2016, có 5 Bộ (Xây dựng, NN&PTNT, Công Thương, GTVT, TN&MT) đã xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg; ngoài ra, mặc dù, không được phân công nhiệm vụ cụ thể, một số Bộ, ngành không xây dựng Kế hoạch hành động nhưng đã tổ chức quán triệt và lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch có liên quan của đơn vị. Có 23/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện (bao gồm 11 tỉnh/thành phố: Quảng Ninh; Lai Châu; Lạng Sơn; Hà Nam; Hòa Bình; Nam Định; Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng, Phú Thọ, Gia Lai) hoặc đã tổ chức quán triệt, giao đơn vị chức năng xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện (bao gồm 12 tỉnh/thành phố: Hà Nội; Khánh Hòa; Phú Thọ; Quảng Ngãi; Bắc Giang; Đà Nẵng; Thành phố Hồ Chí Minh; Hải Phòng; Tây Ninh; An Giang; Thái Bình; Ninh Bình) - đạt tỷ lệ gần 37%.  

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Những tín hiệu khả quan thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới