Thứ bảy, 20/04/2024 18:06 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí ở Skopje: Khi tiếng nói người dân được tôn trọng

MTĐT -  Thứ hai, 02/03/2020 08:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vấn đề bụi trong thành phố cũng được giải quyết, đó là việc các xe cộ rời những công trình xây dựng đều được kiểm tra để chắc chắn là bánh xe được rửa sạch và phải che chắn hàng hóa.

Các giải pháp mà chính quyền Skopje, thủ đô Bắc Macedonia, đang thực thi dưới sự thúc đẩy của những người dân quan tâm đến môi trường sống đã hứa hẹn đạt được mục tiêu đưa thành phố này khỏi danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Hình ảnh các xe lưu thông và người đi bộ trong sương mù và ô nhiễm không khí bao trùm Skopje, Macedonia trước đây. Ảnh: Reuters/ Ognen Teofilovski


Việc có mặt trong danh sách “nổi tiếng” này là điều không cư dân nào của Skopje mong muốn bởi ai cũng nhận thấy rõ ràng một hậu quả là tỷ lệ tử vong sớm của người dân nơi này thuộc hàng cao bậc nhất châu Âu, hằng năm có 2.574 người chết sớm vì ô nhiễm không khí.

Một trong những vấn đề của chất lượng không khí ở Skopje là bụi PM2.5 khi nồng độ luôn ở mức gấp 4,5 lần so với khuyến cáo của WHO, thậm chí ở Tetovo – một thành phố khác của Bắc Macedonia còn cao gấp 8,1 lần so với ngưỡng nguy hại sức khỏe. Mức nhiệt độ thấp về mùa đông lại khiến cho tình trạng này thêm xấu hơn bởi vì các hộ dân cần được sưởi ấm, chủ yếu từ việc dùng nhiên liệu hóa thạch và gỗ, dẫn đến việc gia tăng phát thải chất gây ô nhiễm.

Một nguyên nhân khác nằm ở chính vị trí địa lý của nó: tọa lạc tại một thung lũng với các dãy núi bao quanh khiến thành phố trở thành một cái “bẫy” hút bụi và sương mù. Hợp tất cả các nguyên nhân lại, Skopje hứng chịu hậu quả của một hiện tượng phức hợp mà người ta vẫn gọi là nghịch nhiệt – một hiện tượng tự nhiên do không khí ấm được giữ lại ở trên lớp không khí lạnh và góp phần vào việc tạo ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính.

Những phản ứng của người dân

Vào năm 2015, khi ở tuổi 22, Gorjan Jovanovski, một sinh viên kỹ thuật nhận thức được vấn đề mà mình và người thân phải chịu đựng, đã cố gắng học hỏi cách tạo ra các ứng dụng cho hệ điều hành Android nhằm công khai dữ liệu về ô nhiễm không khí trên trang web riêng với tên gọi Moj Vozduh (quan tâm đến không khí). Anh đã bị sốc khi tải dữ liệu về và phân tích nó: “Ô nhiễm không khí ở đất nước mình cao tới hơn 20 lần so với giới hạn của EU và cao gấp 4 lần so với Bắc Kinh. Hóa ra chúng ta đang ngạt thở, dữ liệu đã được công khai nhưng không có ai nói về nó”, anh kể lại.

Gorjan sau đó đã quyết định cung cấp thông tin đó cho mọi người bằng việc sử dụng kỹ thuật đồ họa để giải thích ý nghĩa, và mọi người đã hiểu được tình thế mà họ đang phải chịu đựng một cách nhanh chóng.

Lúc đó nhiều công dân của thành phố bắt đầu kêu gọi mọi người lên tiếng để chính phủ cũng như chính quyền thành phố giải quyết tình trạng nguy ngập này. Một số cuộc tuần hành đã xảy ra để đòi hỏi chính quyền cần có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.

Không thể làm ngơ

Những phản đối của người dân đã nhận được phản hồi tích cực từ chính quyền. Báo chí quốc gia, trong đó có hãng thông tấn quốc gia MIA, đã thông báo việc thủ đô đã bãi bỏ việc xây dựng, tăng gấp đôi giá các vị trí đỗ xe ở khu vực công động và tạm thời miễn phí hệ thống giao thông công cộng. Để làm gương, thành phố đề nghị những người làm việc cho chính quyền được sử dụng xe buýt công cộng.

Skopje cũng lập tức tăng cường kiểm tra và đo đạc các chỉ số ô nhiễm không khí tại các khu vực khác nhau và kêu gọi các tổ chức quốc gia phải có trách nhiệm với khu vực họ được giao quản lý. Những doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm có thể bị giảm tới 50% năng suất, và có giải pháp mạnh tay nếu phát hiện công ty nào sử dụng dầu thải hoặc đổ rác bừa bãi; tuy nhiên vấn đề cung cấp nhiệt và điện vẫn chưa được giải quyết.

Vấn đề bụi trong thành phố cũng được giải quyết, đó là việc các xe cộ rời những công trình xây dựng đều được kiểm tra để chắc chắn là bánh xe được rửa sạch và phải che chắn hàng hóa, nếu không họ sẽ bị cảnh sát rút giấy phép ra vào thành phố.

Khi nồng độ bụi PM10 trên 175 microgram/m3 trong hai ngày liên tiếp, chính quyền cấm không được mở các sự kiện ở nơi công cộng. Chính phủ cũng quyết định tăng thêm các dịch vụ y tế và y tế tại nhà để hỗ trợ người dân, đồng thời các dịch vụ xã hội phải có trách nhiệm tìm nơi trú tạm cho người vô gia cư. Các cơ quan liên bang và địa phương cũng như các doanh nghiệp nhà nước cắt giảm việc sử dụng ô tô được cấp xuống còn một nửa.

Với giải pháp dài hạn, Thứ trưởng Bộ Môi trường Jani Makraduli đã chính thức tuyên bố, đến năm 2024, “không một tổ chức nhà nước nào” được phép làm ô nhiễm không khí đồng thời tất cả các khuyến nghị của các tổ chức môi trường cần được chấp thuận. Cộng đồng học thuật và cả những người đấu tranh vì môi trường đều được hoan nghênh tham gia các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ông nhấn mạnh điều này và lưu ý rằng, đây là ví dụ về gìn giữ môi trường của các quốc gia phát triển như Thụy Điển, Đan Mạch và Anh.

Ông Makraduli cũng loan báo một tin vui là bắt đầu một chương trình hỗ trợ 10.000 hộ gia đình ở Skopje, Tetovo, Bitola và Kichevo, mỗi hộ nhận được 1.000 euro để chuyển đổi từ việc đốt gỗ, đốt rác, nhựa để sưởi để chuyển sang dùng điện; những hộ thu thập thấp sẽ được ưu tiên.

Gia nhập dự án thành phố thông minh

Câu chuyện “đổi đời” của Skopje không chỉ dừng lại ở đây. Vào cuối năm 2018, Thị trưởng Petre Shilegov loan báo là thành phố đã chính thức bước vào cuộc cạnh tranh Thủ đô xanh châu Âu 2021, nhấn mạnh rằng EU đã ghi nhận kết quả và nỗ lực của Macedonia trong việc cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã thua Lahti của Phần Lan.

Skopje hiện giờ tham gia MatchUP, một dự án thành phố thông minh do EU tài trợ, dưới dạng “thành phố học hỏi” cùng Herzliya (Israel), Kerava (Phần Lan), Ostend (Bỉ) để đón lấy kinh nghiệm về các giải pháp thông minh trong sử dụng năng lượng, giao thông, công nghệ thông tin của ba “thành phố tiên phong” Dresden (Đức), Valencia (Tây Ban Nha) và Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ). Lovren Markic, người phụ trách Phòng hợp tác quốc tế của thành phố Skopje cho biết: “Với sự hỗ trợ của dự án này, trong hai năm tới chúng tôi sẽ có khả năng hình thành một Kế hoạch Năng lượng và khí hậu bền vững, trong đó có đánh giá nguy cơ rủi ro của những hậu quả từ biến đổi khí hậu và những hành động ứng phó chính. Chúng tôi đã tìm được cách thức kiểm tra theo luật định từ hộ gia đình đến doanh nghiệp sản xuất, điều trước đây không cho phép, để tìm hiểu về các hành vi gây ô nhiễm. Chúng tôi đang hình thành cả bộ phận thanh tra của thành phố để đảm bảo đạt mục tiêu này.”

Còn có nhiều giải pháp khác ở Skopje: một mạng lưới giao thông công cộng mới với khoản đầu tư khoảng 100 triệu euro với các đường dành cho xe điện, xe buýt nhanh BTR, xe buýt lai (chạy bằng cả xăng và điện), xe buýt điện…, dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2021; thành lập một doanh nghiệp nhà nước quản lý hệ thống năng lượng nội đô, kết nối ba mạng lưới giao thông hiện tại, và đầu tư vào việc cung cấp nhiệt cho các quận. “Chúng tôi sẽ cung cấp khí đốt cho cư dân, thay thế các lò sưởi kiểu cũ...”, Lovren Markic hứa hẹn.

Theo Thanh Nhàn/Khoa học phát triển

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí ở Skopje: Khi tiếng nói người dân được tôn trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất