Thứ ba, 23/04/2024 21:12 (GMT+7)

Phó Chủ tịch Đà Nẵng “thị sát” ô nhiễm ở cảng cá lớn nhất miền Trung

Tâm An -  Thứ tư, 25/12/2019 15:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng đã đi kiểm tra thực tế và đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang và KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

Ngày 24/12, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cùng đại diện các sở, ban ngành đã đi kiểm tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang và Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

Được biết, âu thuyền Thọ Quang là cảng cá lớn nhất miền Trung, nơi neo đậu tàu, thuyền trú, tránh bão với sức chứa gần 500 tàu, thuyền công suất lớn. Đây cũng là một trong những điểm nóng về môi trường ở TP. Đà Nẵng.

Theo thống kê, năm 2017, tổng lượng rác thải tại khu vực Âu thuyền, Cảng cá là 1.656 m3 rác thải, 8 tháng đầu năm 2018, là trên 1000 m3 rác thải… Với lượng rác thải khổng lồ như thế, nhưng Đội Môi trường của Ban Quản lý Âu thuyền, Cảng cá Thọ Quang chỉ có 14 cán bộ, nhân viên hàng ngày thực hiện nhiệm vụ dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải 8 giờ mỗi ngày, kể cả ngày lễ, tết, dội rửa, phun vi sinh khử mùi tại khu vực chợ, nhà chứa rác, cầu cảng…

Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cùng đại diện các sở, ban ngành đã đi kiểm tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang và KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

Ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, nhiều năm qua, các ngành chức năng TP Đà Nẵng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục điểm nóng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Tuy nhiên, thực tế hiện tại, tình hình ô nhiễm tại khu vực này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an thành phố, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường ở khu vực này là do có nhiều nước thải từ 8 cửa xả xung quanh âu thuyền và từ các tàu cá xả vào âu thuyền. Cạnh đó, nhiều rác thải từ 22 cơ sở dịch vụ đóng sửa tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá và trên các tàu cá vứt xuống âu thuyền.

Trước đó, năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện 2 cơ sở, doanh nghiệp xả nước thải ra ngoài có nồng độ vượt chuẩn cho phép vào hệ thống thu gom của Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

Âu thuyền Thọ Quang là một trong những điểm nóng về môi trường ở Đà Nẵng.

Ngoài ra, nước thải và mùi hôi từ các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản ở Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng cũng ảnh hưởng đến môi trường ở khu vực. Đặc biệt, việc chưa tiến hành nạo vét bùn đáy ở âu thuyền cũng là nguyên nhân gây mùi hôi ở khu vực này.

Hiện, Sở TN&MT Đà Nẵng đang tiếp tục thực hiện quan trắc chất lượng nước tại các cửa xả vào âu thuyền Thọ Quang và đang đánh giá hiện trạng bảo vệ môi trường ở âu thuyền cũng như ở các doanh nghiệp trong KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, để có cơ sở đề xuất giải pháp khắc phục các bất cập trong thời gian tới.

Sau khi khảo sát, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát nguồn nước thải, rác thải và đề xuất phương án quản lý phù hợp, bảo đảm thu gom rác, nước thải triệt để; phối hợp với Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng kiểm tra, kiểm soát các hoạt động xả thải của các doanh nghiệp chế biến thủy sản để khuyến cáo và buộc các doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ bảo đảm vệ sinh môi trường.

Đồng thời, giao Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, Ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng kiểm tra toàn bộ hệ thống cống, máy bơm, nước thải xung quanh khu vực để làm rõ mức độ quá tải cũng như mức độ đáp ứng của hệ thống.

Năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện 2 cơ sở, doanh nghiệp xả nước thải ra ngoài có nồng độ vượt chuẩn cho phép vào hệ thống thu gom của Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

Ngoài ra, ông Đặng Việt Dũng cũng đề nghị Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cần quản lí chặt chẽ và có biện pháp xử lý dứt khoát với các đội tàu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cần quản lý chặt tàu cá hoạt động, neo đậu trong âu thuyền, buộc các chủ tàu phải thực hiện nghiêm các quy định, trong đó, không xả rác, nước thải bừa bãi xuống âu thuyền.

“Mặc dù các tàu đến từ các địa phương khác nhau, nhưng chúng ta cần có sự quản lý, yêu cầu họ cam kết tuân theo quy trình nghiêm ngặt tại đây. Đối với những tàu cá vi phạm xả chất thải không đúng quy định, phải từ chối cho vào cảng và âu thuyền để các chủ tàu thực hiện nghiêm quy định. Bên cạnh đó, phải trang bị hệ thống thu gom chất thải và nhân lực bảo đảm vệ sinh môi trường ở khu vực cảng cá và âu thuyền Thọ Quang”, ông Đặng Việt Dũng, nói.

Bạn đang đọc bài viết Phó Chủ tịch Đà Nẵng “thị sát” ô nhiễm ở cảng cá lớn nhất miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới