Thứ sáu, 29/03/2024 18:57 (GMT+7)

Sống chung với rác

MTĐT -  Thứ tư, 28/10/2020 10:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mợ tôi ở quận 9 mới sang chơi. Vừa gặp, chẳng kịp chào, mợ đã thảng thốt: ‘Thối vậy mà con chịu được những năm năm?’.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tuần trước, tôi bị thức giấc nửa đêm bởi mùi khó chịu dù đã chung sống qua năm mùa mưa với ‘mùi đặc sản’ của Quận 7, TP HCM.

Câu chuyện của tôi, và có lẽ của nhiều công dân ở Quận 7, bắt đầu vào mùa mưa năm 2015. Mới đầu, tôi và chồng thắc mắc khi chung cư xuất hiện mùi lạ. Vì lớn lên dưới thời bao cấp ở miền Bắc, tôi đoán "có lẽ nhà nào đang lén nuôi heo hoặc nấu cám heo". Tôi báo cho ban quản lý. Rất nhiệt tình, chị trưởng ban đi từng ngóc ngách, lên từng tầng, mũi hoạt động hết công suất. Nhưng nguồn gốc mùi hôi vẫn là một ẩn số.

Rồi các cư dân khác bắt đầu kêu ca về mùi lạ này. Nó thường xuất hiện vào buổi chiều, đúng lúc các gia đình nấu cơm. Nhưng theo thời gian, mùi hôi không tuân theo một quy luật nào. Khi nó ghé thăm vào buổi tối, lúc đến vào sáng sớm, khi nó xộc đến trước cơn mưa, lúc ào tới khi mưa tạnh. Độ khó chịu của mùi ngày càng tăng. Ban quản trị liên hệ với các chung cư xung quanh. Tất cả đều xác nhận họ cũng bị mùi thối tấn công.

Cư dân bắt đầu bàn tán. Họ đồn đoán rằng bởi khu đô thị "sang chảnh" kế bên xử lý nước thải kém. Nhưng không lâu sau, chính cư dân của khu ấy cũng la làng. Nhiều người năng nổ đã tình nguyện đi xe máy, lần theo mùi hôi ra tới tận quốc lộ 50. Nghi ngờ hướng về một nhà máy xử lý rác ở huyện Bình Chánh, nơi đang xử lý rác của cả thành phố bằng công nghệ chôn lấp.

Ban quản trị chung cư quyết định làm đơn kêu cứu gửi thẳng tới UBND Thành phố. Vì "có nghề báo", tôi được mọi người tín nhiệm nhờ viết đơn. Thư gửi ngày 22/9, UBND phản hồi vào ngày 12/10. Chúng tôi vui mừng đón người của Sở Tài nguyên và Môi trường xuống làm việc. Nhưng khác với ô nhiễm không khí, mùi thối không có phương tiện nào đo lường và lưu lại số liệu. Vào ngày đoàn làm việc của Sở xuống, không khí trong lành đến lạ. "Ủa, chúng tôi có thấy gì đâu? Nhưng có việc gì bà con cứ gọi", anh trưởng đoàn tỏ vẻ nhiệt tình. Quả thực, lúc đó chúng tôi đã ước Thần đèn là có thật để có thể kêu mùi hôi ra trình diện.

Rồi mùa mưa hết. Mùi hôi cũng tự nhiên biến đi. Các ý kiến lắng dần. Chúng tôi sống bình yên qua Tết năm 2016. Nhưng tới mùa mưa cùng năm, mùi hôi trỗi dậy, lần này kinh khủng hơn. Cứ gió mùa Tây Nam tới là không khí đặc quánh mùi phân heo. Cư dân đứng ngồi không yên. Trên báo chí xuất hiện các bài phản ánh. Nhiều cuộc họp với chính quyền diễn ra. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng lập hẳn một đường dây nóng để bà con cấp báo nếu mùi hôi xuất hiện. Các diễn đàn của cư dân rôm rả trên mạng xã hội. Có ý kiến đòi khởi kiện. Có ý kiến yêu cầu đối thoại với chủ bãi rác và giám sát việc xử lý rác. Nhưng nhiều nhất là những lời kể khổ. Có người nói vừa bán nhà sang Quận 7, mong được hưởng cuộc sống văn minh, nhân văn như quảng cáo, nào ngờ gặp cảnh "người giàu cũng khóc". Có người kể cha mẹ già mắc bệnh khó thở, ngày nào mùi hôi xuất hiện là ngày đó hai ông bà bị tăng huyết áp. Còn tôi đã quá quen với những lời thắc mắc của họ hàng, bạn bè.

Năm năm là 1.825 ngày. Mùi hôi vẫn hoành hành. Tôi và gần 350 ngàn cư dân Quận 7 đã kiên nhẫn sống chung với nó. Tôi tự kiểm điểm bản thân. Chẳng phải mình đã cố gắng xông xáo sao. Lá thư kêu cứu đầu tiên do chính tôi soạn thảo. Tôi tham gia vào các diễn đàn trên mạng xã hội từ những ngày đầu. Tới tận tháng 10 năm ngoái, tôi còn viết email cho Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đăng ký tham gia tiếp xúc cử tri. Thư không được hồi âm. Có lẽ địa chỉ email đăng trên trang web của Đoàn đại biểu Quốc hội chỉ dựng lên cho có, không ai quản lý.

Hình như sự đấu tranh không mệt mỏi của một số công dân năng động cũng lay động được vài người có trách nhiệm. Tôi nghe nói - "nghe nói" thôi vì chưa có điều kiện tới tận nơi để kiểm chứng - rằng chủ bãi rác dùng quạt hơi nước để đẩy mùi và xử lý các ô chôn rác bằng nhà kính. Chính quyền cho biết bãi rác sẽ tự động đóng cửa khi hoạt động hết công suất vào năm 2024. Phương án trồng hàng cây bao quanh để ngăn mùi chưa thể triển khai vì vướng giải tỏa mặt bằng. Vào mùa mưa năm nay, cư dân lại tiếp tục cập nhật "nhật ký thối" vào các diễn đàn, bên cạnh việc bực dọc khi có quan chức phát biểu kiểu "huề vốn" rằng mùi thối là "do biến đổi khí hậu".

Thi thoảng, tôi lại thấy ghen tị với dân xã Hồng Kỳ, Nam Sơn ở Hà Nội. Ít ra vài năm qua, họ đã có hơn chục lần đứng lên công khai đòi quyền lợi. Còn ở Bình Chánh và Quận 7, chúng tôi đành chấp nhận "sống chung với thối".

Cũng có thể nhiều người suy nghĩ giống tôi, rằng nỗi khổ vì rác chưa thấm gì với nỗi khổ mất kế sinh nhai vì lũ lụt, hạn mặn. Hoặc cũng có thể nhiều người hiểu rằng pháp luật còn thiếu vắng quy định cho các hoạt động bày tỏ sự bất bình tập thể. Vậy nên, khi bị mùi rác tra tấn, đôi lúc sự bức xúc khiến tôi nghĩ mình phải mạnh mẽ hơn. Nhưng rốt cuộc, tôi thấy mình lao đi đóng các cửa trong nhà, bật máy lạnh và cố mong cho năm 2025 đến thật nhanh.

Hà Nội và TP HCM, hai đầu tàu kinh tế của cả nước đều đang đối mặt với vấn đề về xử lý rác. Hãy khoan mơ tưởng tới đô thị thông minh khi rác thải còn là vấn nạn lớn đối với cộng đồng. Quản lý đô thị cần những chiến lược, với tầm nhìn dài hơi hơn để rác không trở thành nguyên nhân của nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác.

Theo Cẩm Hà/VnExpress

Bạn đang đọc bài viết Sống chung với rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới