Thứ năm, 28/03/2024 18:56 (GMT+7)

Tăng thuế BVMT lên mức kịch khung: Liệu có bảo vệ được môi trường?

MTĐT -  Thứ năm, 17/05/2018 12:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường các mặt hàng xăng dầu lên mức kịch khung, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu như vậy, môi trường có bớt ô nhiễm?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, theo đó thuế xăng sẽ tăng kịch khung, tức 4.000 đồng/lít.

Trong tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính tính toán nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được tăng kịch khung từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít.

Ước tính số thu ngân sách mỗi năm từ thuế xăng dầu sẽ đạt khoảng trên 55.000 tỉ đồng, tăng khoảng 14.368 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được thực hiện từ năm 2012 đã phát huy được những hiệu quả đáng kể như: Nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển bên vững; đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.

Bộ Tài chính quyết định tăng thuế BVMT lên mức kịch khung. Ảnh minh họa.

“Dòng thuế này cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường vào khoảng trên 150.000 tỷ đồng, bình quân hơn 25.000 tỷ đồng mỗi năm”, Bộ Tài chính nêu.

Dù vậy, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm rằng, bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay của đất nước, nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức phù hợp. Bởi, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á. Hiện, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít.

Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm tăng thuế BVMT qua xăng, dầu để khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm hàng hóa gây tác hại đến môi trường; khuyến khích việc sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường.

Đồng thời việc tăng thuế còn phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Đặc biệt, Bộ Tài chính đưa ra mục đích tăng thuế là nhằm động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho BVMT.

Theo bộ này, chính vì các mục đích "tốt đẹp" như trên mà bộ còn đề xuất tăng thuế đối với các mặt hàng than đá, dung dịch HCFC, túi ni-lông..., chứ không riêng xăng, dầu.

Đây không phải là lần đầu tiên, Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng kịch trần khung thế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Và lần nào đưa ra, Bộ Tài chính cũng bị phản đối kịch liệt. Các ý kiến phản đối đều cho rằng mức thuế tăng rất vô lý.

Bên cạnh đó, các lý lẽ về phương án thuế của Bộ Tài chính là bảo vệ môi trường hầu như cũng không được chấp nhận. Bởi, mặt hàng này đã áp dụng mức thuế khá cao từ thời điểm năm 2012. Thế nhưng, cuối tháng 11/2017, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) vẫn xếp Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Còn, giữa tháng 2/2018, trang web Aqicn.org (Mỹ) – nơi cung cấp số liệu ô nhiễm không khí các thành phố trên thế giới theo từng giờ – cho biết chỉ số bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội lên tới 256 – tức có 256 hạt bụi PM2.5 trong 1m3 không khí. Đây là mức rất không tốt, cảnh báo tình trạng ô nhiễm khẩn cấp tới tất cả mọi nhóm người. Cùng thời điểm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Bangkok (Thái Lan) là 186, tại Jakarta (Indonesia) là 165. TP. HCM – thành phố lớn nhất Việt Nam có chỉ số AQI là 169. Cả ba thành phố đều nằm trong mức không tốt đối với tất cả mọi nhóm người.

Chỉ số AQI tại Hà Nội đo vào một năm trước (tháng 1/2017) là 156 – tức là có 156 hạt bụi PM2.5 trong 1m3 không khí, mức không tốt cho tất cả mọi người, bao gồm cả người khỏe mạnh và người có vấn đề về hô hấp.

Ngay sau khi Bộ Tài chính quyết định tăng thuế BVMT lên mức kịch khung như hiện nay cũng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ dư luận và giới chuyên gia.

Trước đó, ngay sau khi dự thảo được công bố, nhiều chuyên gia khuyến cáo, việc tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người tiêu dùng lãnh đủ. Không ít người dân bày tỏ lo lắng khi loại thuế này tăng lên, bày tỏ sự không đồng tình.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng thuế là lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, việc điều chỉnh thuế phải hết sức thận trọng. “Nếu chỉ xét ở góc độ thu ngân sách trong quá trình cơ cấu ngân sách thì dễ nhất là tăng thuế nhưng cần phải đưa ra các giải pháp kiểm soát chi, tiết kiệm chi, chống nợ đọng thuế, chống thất thu thuế” - ông Long lưu ý.

P.V (tổng hợp theo NLĐ, Dân trí)

Bạn đang đọc bài viết Tăng thuế BVMT lên mức kịch khung: Liệu có bảo vệ được môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.