Thứ bảy, 20/04/2024 12:01 (GMT+7)

Tạo đột phá trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường

MTĐT -  Chủ nhật, 11/02/2018 16:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để tiếp tục tăng cường kỷ cương hành chính, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo đột phá trong quản lý nhà nước, ngành tài nguyên và môi trường (TN và MT) sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp

Góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2018 và những năm tiếp theo.

Cán bộ thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình lấy mẫu kiểm nghiệm nước thải tại Công ty TNHH Thực phẩm Rich Beauty Việt Nam.

Bước vào năm 2017, với phương châm hành động là: “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”, Bộ TN và MT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường… Đồng thời tiếp tục đổi mới, hoàn thiện theo các nghị quyết của các hội nghị Trung ương đề ra. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đang được trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đáng chú ý, Bộ TN và MT đã trình Chính phủ cắt giảm từ khoảng 30% đến 50% thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) liên quan quyền của người sử dụng đất; rà soát, đề xuất cắt giảm 44,78% điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ; thực hiện liên thông TTHC đối với 11 thủ tục môi trường, biển và hải đảo, tài nguyên; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, giải quyết phản ánh của nhân dân liên quan tình trạng vi phạm pháp luật về TN và MT, đất đai, bảo vệ môi trường…

Nhờ hệ thống chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mà nhiều vấn đề bức xúc của người dân, doanh nghiệp được giải quyết kịp thời; tăng cường công khai, minh bạch, thiết lập sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn tài nguyên; bổ sung chế tài xử lý để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TN và MT.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, năm 2017, toàn ngành đã tiến hành 2.325 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 7.491 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 132 tỷ đồng; thu hồi 3.509 ha đất.

Những sai phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra chủ yếu là thủ tục đấu giá đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ khi thu hồi đất, không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; quản lý chất thải rắn không đúng quy định; khai thác khoáng sản không có giấy phép; không lắp đặt thiết bị quan trắc tự động…

Bộ TN và MT cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức, giám sát chặt chẽ việc khôi phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Giang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, bảo đảm đơn vị này đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi vận hành chính thức.

Đáng chú ý, tính đến nay cả nước đã có khoảng 110 dự án chiến lược, quy hoạch đã thực hiện đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC); gần 9.100 dự án đầu tư đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); 1.500 dự án được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và gần 58 nghìn dự án, hoạt động đầu tư đã được chính quyền địa phương xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay ngành TN và MT gặp không ít khó khăn, thách thức như: Hiệu quả sử dụng đất còn thấp so với các nước trong khu vực; quản lý đất công ích, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn hạn chế, và vấn đề lấn chiếm, tranh chấp đất đai còn khá phổ biến; tình trạng khai thác khoáng sản, cát, sỏi trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi, gây sạt lở bờ sông, bờ biển; tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài.

Trong khi đó, việc huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường chưa được triển khai thực hiện hiệu quả; rác thải chưa được thu gom và quản lý, đáp ứng quy chuẩn môi trường, nhất là công nghiệp xử lý rác thải chưa phát triển...

Theo Bộ trưởng TN và MT Trần Hồng Hà, năm 2018 được coi là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của đất nước. Vì thế, ngành TN và MT sẽ tiếp tục tăng cường kỷ cương hành chính; hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để tạo bước đột phá trong quản lý, sử dụng, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững.

Các giải pháp được triển khai là: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; Hoàn thiện công cụ quy hoạch để phân bổ hợp lý tài nguyên đất đai phù hợp tiềm năng thế mạnh, tạo không gian liên kết kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy phát triển giữa các địa phương, vùng lãnh thổ; giải quyết hài hòa lợi ích các bên Nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tính toán một cách căn cơ lợi ích của người dân…

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tạo bước đột phá về thể chế, như trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Đất đai, Bảo vệ môi trường, Khoáng sản, Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn…

Đồng thời xây dựng, hoàn thiện các văn bản dưới luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với cải cách TTHC; đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về TN và MT, trong đó tập trung vào các vấn đề bức xúc như: Quản lý, sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án BOT, BT, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Đi liền với đó, ngành tiếp tục xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường thu hút nguồn lực, nguồn tài chính để đầu tư, phát triển công nghiệp môi trường, biến chất thải thành tài nguyên được tái chế, tái sử dụng một cách hợp lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên quan trắc chất lượng môi trường ở các vùng, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn, khu vực nhạy cảm về môi trường, để phòng ngừa, giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm…

 Theo Báo nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Tạo đột phá trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ