Thứ tư, 17/04/2024 01:47 (GMT+7)

Thái Nguyên: Còn lại gì sau khi di dời 233 tấn chất thải nguy hại?

PHAN NGÂN -  Thứ ba, 21/08/2018 09:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng vì hành vi vận chuyển không giấy phép 233 tấn CTNH tại thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), Công ty XNK Dương Phạm đã di dời toàn bộ số CTNH.

Gần 8 tháng sau khi phát hiện, 233 tấn CTNH ra sao?

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty XNK Dương Phạm (gọi tắt là công ty) với tổng giá trị lên tới hơn 1 tỷ đồng vì hành vi vận chuyển hơn 233 tấn chất thải nguy hại mà không có giấy phép xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 9/1/2018, lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ 10 xe chở chất thải nghi độc hại tập kết tại thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Sau khi tiến hành kiểm định thì 8 trên tổng số 10 xe chở chất thải nói trên là chất thải nguy hại (CTNH) với khối lượng hơn 200 tấn.

Các phương tiện và chất thải được lực lượng chức năng tạm giữ. (Ảnh Phapluatplus)

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên bên trong mỗi chiếc xe nói trên đều chở nhiều bao tải màu trắng. Bên trong có chứa chất thải giống như bùn có màu vàng, màu đen, màu cát trắng có mùi đặc trưng hơi khét. 

Được biết, số CTNH trên của Công ty XNK Dương Phạm ở xóm 2, thị trấn Hùng Sơn, địa điểm tập kết thuộc diện tích đất ở của hộ gia đình Đoàn Doãn Thiết, tiểu khu Giang Tân, thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương.

Sau khi phát hiện sự việc, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xác định Công ty Dương Phạm đã vận chuyển hơn 233 tấn chất thải nguy hại mà không có giấy phép xử lý theo quy định, vi phạm Khoản 7, điều 22 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, không hiểu sao sau gần 8 tháng "án binh bất động", hơn 200 tấn CTNH vẫn nằm trên mảnh đất của hộ gia đình ông Đoàn Doãn Thiết mà không có đơn vị nào "ngó ngàng". Điều này làm dư luận vô cùng lo lắng vì số lượng CTNH khổng lồ không được bảo quản đúng cách sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Công ty chủ động di dời CTNH, còn lại gì sau đó?

Sau gần 8 tháng "trơ gan cùng tuế nguyệt", giữa tháng 8/2018, hơn 230 tấn CTNH của Công ty XNK Dương Phạm đã được công ty di dời toàn bộ.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Phạm Bình Công - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Về vấn đề này thì Hội đồng Nhân dân cũng vô cùng bức xúc. Huyện vừa cưỡng chế, di dời cách đây mấy hôm rồi. Số chất thải này chuyển đi Hải Phòng. Có một công ty ở Hải Phòngđủ chức năng họ trình nội dung liên quan lên UBND huyện, sau đó huyện đã xem xét và đã đồng ý cho di dời theo quy định".

Thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương - khu vực xảy ra sự việc. (Ảnh Google Map)

Ông Nguyễn Thế Giang - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên xác nhận: "Số chất thải đã được chính Công ty XNK Dương Phạm di dời. UBND tỉnh đã quyết định thu hồi nhưng chưa kịp tiến hành cưỡng chế thì công ty đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng và được đồng ý tự vận chuyển, xử lý theo quy định. Ngoài chỗ của công ty Dương Phạm thì những chỗ khác Cảnh sát Môi trường đang tiến hành điều tra".

"Hôm công ty tiến hành di dời, các lực lượng phải làm việc tới 21h mới xong. Trước đó tỉnh cũng đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng đối với công ty XNK Dương Phạm" - ông Nguyễn Thế Giang nói thêm.

Theo ý kiến từ cơ quan chức năng, rõ ràng công ty TNHH XNK Dương Phạm đã tự giác thực hiện di dời trước khi bị tiến hành cưỡng chế. Nhưng, vấn đề đặt ra có lẽ không phải là số chất thải đã di dời hay chưa mà là môi trường xung quanh bị ảnh hưởng thế nào sau 8 tháng "gồng gánh" cả trăm tấn chất thải?

Nhất là sau đợt mưa bão hồi tháng 7 vừa qua, chẳng ai có thể đảm bảo rằng nước rỉ từ chất thải không theo nước mưa thấm vào đất và nguồn nước ngầm hay chảy xuống kênh mương!

Nói về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: "Rõ ràng, với việc tập kết chất thải không che đậy kỹ thì không ai có thể đảm bảo được là sẽ không gây ô nhiễm môi trường. Còn về cách khắc phục thì dù đã dọn đi rồi nhưng những chất đó có thể ngấm vào nước rồi phân giải trong nước. Thú thực là giờ xảy ra như vậy rồi khó mà khắc phục được hoàn toàn, không lẽ đào đất đổ đi!?" 

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội.

"Với những trường hợp đổ trộm phải phạt thích đáng, số tiền phạt đó cơ quan chức năng phải sử dụng vào việc cải tạo lại khu vực ô nhiễm", PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nói thêm.

Vậy, quy trình khắc phục của Công ty XNK Dương Phạm trong việc này sẽ như thế nào, hay di dời là hết trách nhiệm? Cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên sẽ giải quyết ra sao? 

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ thông tin tới độc giả.

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Còn lại gì sau khi di dời 233 tấn chất thải nguy hại?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.