Thứ ba, 23/04/2024 19:35 (GMT+7)

Tin môi trường 3/5: Công ty xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường?

MTĐT -  Thứ năm, 03/05/2018 17:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công ty xử lý rác thải nhưng lại gây ô nhiễm môi trường?, trên 21.000 hộ dân thiếu nước ngọt trầm trọng ở Cà Mau là một số tin môi trường trong ngày.

Hải Phòng: Công ty xử lý rác thải nhưng lại gây ô nhiễm môi trường?

Theo Gia đình và Pháp luật đưa tin, người dân dân xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng liên tục phản ánh về tình trạng Công ty CP TM và DV kho vận Phú Hưng (Công ty Phú Hưng) trong quá trình xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

Được biết, nhà máy xử lý chất thải của Công ty Phú Hưng xây dựng trên diện tích 10,3ha. Trong đó có khoảng 1,8ha là bãi rác tạm của UBND huyện Thủy Nguyên đang sử dụng để chứa rác thải sinh hoạt.

Mục tiêu của nhà máy là xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ, dầu FO và lò đốt rác thải công nghệp… nhằm xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và thu gom vận chuyển, sản xuất và tài chế ra các sản phẩm từ nguồn phế liệu, phế thải trên địa bàn Hải Phòng và các tỉnh.

Thế nhưng, trong quá trình họat động Công ty Phú Hưng không xử lý triệt để, hết công suất mà chủ yếu ký các hợp đồng thu gom phế liệu từ các nhà máy tại các KCN, khu chế xuất rồi bán thẳng cho các nhà máy thép, không qua xử lý.

Người dân nơi đây cho biết, quá trình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ của Công ty Phú Hưng rất ô nhiễm, đứng cách xa nhà máy mấy trăm mét cũng có thể ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc.

Một người dân khác còn cho rằng, việc xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ của Công ty Phú Hưng thực chất chỉ là trộn đất với các loại phế thải hữu cơ tạo thành phân.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Trí Đức – Giám đốc chi nhánh Công ty Phú Hưng khẳng định, nhà máy đã đi vào hoạt động và không gây ảnh hưởng tới môi tường như người dân kiến nghị. Công ty có hoạt động mua bán phế liệu, thép phế cho thép Việt – Nhật, bởi công ty được phép mua bán phế liệu.

Cà Mau: Trên 21.000 hộ dân thiếu nước ngọt trầm trọng

Trao đổi với báo Lao động, ông Nguyễn Hạnh Phúc - GĐ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau - cho biết, hơn 21.000 hộ chưa chủ động nguồn nước sinh hoạt mùa khô. Dù trung tâm đã xây dựng một số công trình, đưa nước sạch đến khoảng 44% hộ dân nông thôn trên địa bàn, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu bà con. Hiện nhiều hộ dân ở các huyện Năm Căn, U Minh, Trần Văn Thời đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Đáng chú ý, chỉ riêng ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh, hàng ngàn hộ dân đang trong tình trạng không còn nước sinh hoạt. Hàng loạt những lu, khạp, dụng cụ trữ nước đã gần như hết nước. Tất cả trông chờ vào trời mưa. Nhiều người dân “đổi nước” với giá rất cao.

Ảnh: Báo Lao động.

Theo UBND xã Khánh Hoà, huyện U Minh, ngoài tuyến Lung Ngang ở ấp 2, trên địa bàn xã còn thêm 2 tuyến bà con cũng đang rơi vào tình cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất. Cụ thể tuyến Kinh 2 và tuyến Lung Vườn thuộc Ấp 5 với khoảng trên 70 hộ.

Myanmar: Hàng trăm người nhập viện do hít phải khói độc từ đốt rác

Hàng trăm người tại thành phố Yangon, Myanmar đã phải nhập viện do hít phải khói độc phát ra từ việc đốt rác tại bãi rác lớn nhất Myanmar ở vùng ngoại ô thành phố này.

Khói cháy đe doạ nghiêm trọng đến đường hô hấp của người dân đặc biệt những người bị bệnh tim. Hơn 700 nhân viên cứu hoả đã phải tham gia dập tắt đám cháy. Nhiệt độ thời tiết lên tới 40oC càng làm đám cháy dữ dội và công tác cứu hộ khó khăn hơn.

Bãi rác có diện tích 120ha, được đốt từ ngày 21/4. Cho tới nay, khoảng 1/3 diện tích bãi rác đã cháy đen.

Hơn 700 nhân viên cứu hoả đã phải tham gia dập tắt đám cháy. Ảnh: RTE.

Ngày Môi trường thế giới năm 2018 sẽ được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, Bộ sẽ tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 vào tối ngày 4/6 tại TP. Quy Nhơn, Bình Định.

Theo đó, Bộ TN&MT và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan Trung ương của các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các hoạt động thuộc “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới ngày 5/6.

Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chủ trương đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng; xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Bộ cũng đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề Ngày Môi trường thế giới 2018 “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” ở nơi công cộng, các đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ tham bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng…

Hà Nội: Sẽ chuyển từ chôn lấp rác sang đốt rác để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Sáng 3/5, tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Ba Vì, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, TP quyết định sẽ chuyển từ chôn lấp rác sang áp dụng đốt rác theo công nghệ mới và phát điện.

Cụ thể, tại buổi tiếp xúc, một số cử tri huyện Ba Vì đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, không khí và nước sạch quanh khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Giải đáp những thắc mắc, lo lắng của cử tri và người dân Ba Vì, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, đây là những vấn đề đặt ra từ lâu và còn nhiều bức xúc.

Do vậy, Thành phố đã quyết định sẽ chuyển từ chôn lấp rác sang đốt rác theo công nghệ mới và phát điện. Hiện nay, Thành phố đang lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng nhà máy xử lý rác theo hướng này và phấn đấu đến năm 2020 – 2021 sẽ có nhà máy xử lý rác hiện đại ở khu xử lý rác thải Xuân Sơn.

Về vấn đề nước sạch tại Ba Vì, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, Thành phố vừa đồng ý nâng công suất nhà máy nước sạch đầu tư xây dựng tại xã Thái Sơn lên 50.000m3/ngày đêm. Với công suất này, nhà máy sẽ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho toàn bộ dân cư huyện Ba Vì.

Bến Tre: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo báo TN&MT, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre Đoàn Văn Phúc cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải sinh hoạt. Việc phân loại chủ yếu được thực hiện dưới hình thức thu gom những vật liệu có thể bán được (bọc ni lông, nhôm, sắt, thép, đồ nhựa…) để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Công việc này được thực hiện qua 3 bậc: tại hộ gia đình, tại các điểm trung chuyển và tại bãi rác.

Theo ông Đoàn Văn Phúc, thời gian qua, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đô thị bình quân của tỉnh đạt 78%, riêng tại TP. Bến Tre có tỷ lệ thu gom cao nhất đạt 91%; còn lại tại các thị trấn, các khu dân cư của các huyện tỷ lệ thu gom từ 68-73%.

Đối với các khu vực tại TP. Bến Tre, thị trấn Châu Thành, khu dân cư khu công nghiệp Giao Long, An Hiệp và một số xã huyện Giồng Trôm, rác thải đô thị được Công ty cổ phần công trình đô thị Bến Tre thu gom chuyển về bãi rác Phú Hưng (thuộc TP. Bến Tre) xử lý với hình thức chôn lấp.

Hiện tại, toàn tỉnh Bến Tre có 10 bãi xử lý CTR đang hoạt động với tổng diện tích là 13,14 ha, chủ yếu phục vụ xử lý CTR cho các khu vực đô thị. Tuy nhiên, mới chỉ có 2 bãi rác được trang bị hệ thống thu gom nước rỉ rác, đó là khu xử lý CTR huyện Mỏ Cày Nam và khu xử lý CTR huyện Giồng Trôm.

Đối với CTR sinh hoạt tại các khu vực vùng ven hoặc vùng nông thôn không được thu gom thì người dân tự xử lý bằng hình thức chôn lấp hoặc đốt.

Theo dự kiến đến cuối năm 2018, tỉnh Bến Tre sẽ đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành.

Ông Phúc cũng cho biết, để góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm, tỉnh Bến Tre đã chủ động ban hành các văn thuộc thẩm quyền để quy định về quản lý CTR sinh hoạt, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chất thải rắn trên địa bàn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường 3/5: Công ty xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới