Thứ sáu, 29/03/2024 20:08 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 11/4: Nỗi lo môi trường từ các lò gạch thủ công

MTĐT -  Thứ tư, 11/04/2018 17:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Miền Bắc Trung Quốc ô nhiễm nghiêm trọng do cát bụi bao phủ, Nỗi lo môi trường từ các lò gạch thủ công ở Kon Tum… là một số tin môi trường trong ngày.

Quảng Bình: Xác định nguyên nhân xuất hiện vệt nước đỏ "lạ" dọc bờ biển

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện tượng vệt nước màu đỏ “bất thường” xuất hiện dọc bờ biển huyện Quảng Trạch có thể là trứng loài nhuyễn thể biển.

Trao đổi với Infonet, ông Phan Xuân Hào – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT) Quảng Bình cho biết “Khi nhận được phản ánh về hiện tượng nước màu đỏ, chúng tôi đã tiến hành thành lập đoàn lập tức đi kiểm tra.

Hiện trường chứng kiến một dải màu đỏ gạch, nó trải dài khoảng 500m, rộng khoảng 70m sát bờ biển. Xác định bằng cảm quan đây không phải dầu mỡ, có các hạt li ti màu trong, theo nhận ban đầu đây có thể là sinh vật nhuyễn thể (dân địa phương gọi là trứng khuyếc)”.

Vệt nước lạ xuất hiện trên bờ biển Quảng Bình.

Quảng Bình: Trấn an người dân vùng có nguồn nước ngầm tụt giảm và nhiễm phèn

Theo thông tin trên SGGP, ngày 11/4 Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa có công văn báo cáo UBND tỉnh về việc trấn an người dân vùng ven biển huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - nơi có nguồn nước ngầm bị tụt giảm và nhiễm phèn.

Theo đó, công văn số 1871 do ông Phạm Văn Lương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) ký nêu việc người dân địa bàn xã Ngư Thủy Nam phản ánh nguồn nước ngầm bị tụt giảm và bị nhiễm phèn và Sở TNMT đã tiến hành điều tra và kết quả cho thấy xã biển này hiện tập trung phát triển nuôi cá nước ngọt trên cát, với hơn 400 hộ đào hồ nuôi cá lóc, bình quân mỗi hộ 1 hồ với diện tích khoảng 125m²/hồ, chiều sâu mặt nước từ 0,8m-1m. Do đó việc khai thác sử dụng nước ngầm cùng một thời điểm là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm bị tụt.

Phó giám đốc Sở TN-MT Quảng Bình cho biết, trong những năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm gia tăng thời tiết cực đoan, nhất là vào mùa khô khiến nhiệt độ tăng cao kết hợp với gió Tây Nam khô nóng đã làm hạ thấp mực nước ngầm tầng nông dãi cát ven biển bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, trong đó tập trung từ tháng 4 đến tháng 7 gió nóng làm tăng lượng bốc hơi, giảm độ ẩm làm cạn nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.

Sở TNMT Quảng Bình kết luận: Căn cứ vào đặc điểm, cấu trúc địa chất thủy văn khu vực và kết quả tính toán, việc người dân xã Ngư Thủy Nam phản ánh nước bị nhiễm phèn về mùa khô là có cơ sở, do sự biến đổi theo mùa liên quan đến yếu tố địa chất khu vực và việc tụt mực nước ngầm mà nguyên nhân chính là do động thái biến thiên theo mùa của tầng chứa nước với mức độ giao động từ 1m-2m.

Ninh Thuận: Nỗ lực cứu đàn gia súc trong nắng hạn

Tại Ninh Thuận, đã xảy ra hiện tượng gia súc chết tại nhiều vùng chăn nuôi mặc dù lúc này chỉ mới là đầu mùa khô hạn.

Tâm điểm của đợt nắng hạn hiện nay tại Ninh Thuận chính là xã Phước Trung, huyện Bác Ái. Đây cũng là nơi suốt hai tháng qua người chăn nuôi ngày nào cũng như ngồi trên lửa bởi bao nhiêu tiền bạc đều dồn hết vào đàn cừu nhưng giờ họ đành xót xa nhìn cừu chết. Chỉ riêng địa phương này, ít nhất 700 con cừu đã chết, dù đây chỉ mới đầu mùa khô hạn.

Hồ chứa nước Phước Nhơn - nơi cuối cùng đàn cừu trong vùng tìm đến - hiện cũng đã cạn trơ cả đáy và những gì mà đàn cừu tìm được chỉ là ít cỏ khô sót lại giữa ngổn ngang đất đá dưới lòng hồ.

Hạn hán nghiêm trọng tại Ninh Thuận.

Hiện 21 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận lượng nước chỉ còn khoảng 127 triệu m3, chiếm 65% dung tích thiết kế và một số hồ đã xuống mực nước chết. Dự báo khô hạn sẽ trầm trọng hơn cũng đồng nghĩa đàn gia súc 300.000 con ở tỉnh Ninh Thuận rơi vào mối nguy suy kiệt.

Nhiều gia đình chăn nuôi dành số tiền cuối cùng để mua sữa cứu lấy số cừu con sau khi cừu mẹ đã chết do nắng hạn nhưng cố gắng mấy cũng khó giữ được những con cừu mất mẹ giữa nắng hạn hoành hành.

Miền Bắc Trung Quốc ô nhiễm nghiêm trọng do cát bụi bao phủ

Theo VOV thông tin, cơ quan khí tượng Trung Quốc cho biết, trong ngày 10/4, một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc nước này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do cát bụi bao phủ.

Trong số các tinh, thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng có thủ đô Bắc Kinh, Hà Bắc, Hà Nam, Cam Túc, Thiểm Tây ...

Chỉ số PM10 (chỉ số hạt bụi có trọng lượng nhỏ hơn 10 microgram (μg) đo được trong một mét khối không khí) bình quân là 500, cá biệt có những nơi như Dương Tuyền và Thạch Gia Trang, chỉ số PM10 đo được lên tới 1033 và 1374, đây là mức độ cực kỳ độc hại bởi theo khuyến cáo của cơ quan y tế Trung Quốc thì chỉ số PM10 dưới 50 mới là mức an toàn cho cơ thể.

Ô nhiễm cát bụi bao phủ miền Bắc Trung Quốc. Ảnh: VOV.

Điện Biên: Đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Để thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôm mới (NTM) thiết thực, bền vững, Điện Biên sẽ tập trung rà soát, đánh giá và thẩm định các nội dung của tiêu chí, từ đó đưa ra đề xuất, hướng dẫn phù hợp cho từng xã triển khai hiệu quả các nội dung trong tiêu chí.

Theo kế hoạch, hết năm 2018 - 2019, tỉnh Điện Biên dự kiến sẽ có 12 xã thuộc các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Nhé và Điện Biên Đông đạt chuẩn xây dựng NTM. Đến nay các xã đang đẩy mạnh việc ra soát, thực hiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM giai đọan 2016 - 2020 của tỉnh Điện Biên, trong đó có các nội dung của tiêu chí số 17 về môi trường.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhiều xã nhận định còn gặp nhiều khó khăn để hoàn thiện tiêu chí này. Theo bộ tiêu chí, để đạt được tiêu chí môi trường, các địa phương cần hoàn thành 5 chỉ tiêu: Có từ 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45% số hộ được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia; trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường; đường làng ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh - sạch - đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, có ít nhất một nghĩa trang tập trung; rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý, trong đó thôn (xóm), xã phải có tổ dịch vụ thu gom rác thải và xử lý tại bãi rác tập trung.

Đẩy mạnh thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường, thời gian tới tỉnh Điện Biên sẽ tập trung rà soát, kiểm tra đánh giá những thuận lợi khó khăn trong quá trình thực hiện của từng xã, từ đó đưa ra đề xuất, xác định lộ trình, hướng dẫn phù hợp giải pháp thực hiện để triển khai hiệu quả các nội dung trong tiêu chí số 17.

Theo đó, sẽ tập trung vào các nội dung bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề; cảnh quang, môi trường nông thôn; mai táng phù hợp; công tác thu gom xử láy chất thải rắn và nước thải khu dân cư, khu sản xuất – kinh doanh, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại.

Kon Tum: Nỗi lo môi trường từ hoạt động của các lò gạch thủ công

Hàng trăm lò gạch thủ công thuộc Cụm Công nghiệp xã Hòa Bình (Kon Tum) hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm và việc khai thác đất sét rầm rộ để phục vụ các lò gạch từ 10 năm nay khiến hiện trạng đất đai tại khu vực này hoàn toàn bị biến đổi. Nỗi lo môi trường do hoạt động của hàng trăm lò gạch này cần sự vào cuộc cấp bách của ngành chức năng tỉnh Kon Tum.

Theo báo TN&MT, cụm Công nghiệp thôn 3, xã Hòa Bình (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là khu vực hoạt động của 92 cơ sở với 130 lò sản xuất gạch thủ công, hoạt động từ năm 2007. Hoạt động khai thác đất sét để phục vụ cho các lò gạch đã khiến khu vực này xuất hiện nhiều hố sâu 5 – 6m, rộng hàng chục mét, hiện trạng đất đai bị biến đổi và có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến kênh tưới tiêu dài gần 7km của hồ Đăk Yên nằm dọc theo Cụm Công nghiệp này.

Mặc dù việc khai thác đất sét làm gạch nằm bên ngoài hành lang an toàn của tuyến kênh, tuy nhiên thời gian lâu ngày khiến các hố sâu bị sạt lở, lấn lại gần sát mép kênh.

Nỗi lo từ các lò gạch thủ công ở Kon Tum. 

Theo ông Phạm Phước – Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, tại hố sâu bị sạt lở sát mép kênh là do người dân tự ý sử dụng máy múc đào sâu xuống lòng đất, khai thác đất sét sử dụng vào mục đích sản xuất gạch. Việc đào sâu lâu ngày, cộng với trời mưa gây ra sạt lở.

Được biết, UBND TP Kon Tum đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình khai thác sét tại khu vực này. Đồng thời, tiến hành đổ đất, san lấp một phần hố sâu bị sạt lở sát vào tuyến kênh chính để đảm bảo an toàn tuyến kênh. Trước đó, tỉnh Kon Tum đã có kế hoạch xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn, thay thế bằng gạch không nung theo lộ trình đến năm 2020.

Tuy nhiên, việc sản xuất gạch thủ công không những gây ô nhiễm môi trường mà việc khai thác đất sét quá đà đã tác động lớn đến hiện trạng đất đai khu vực xung quanh.

Khu vực này là đất được UBND tỉnh Kon Tum cho thuê từ năm 2017, đến năm 2010 đã hết thời hạn cho thuê nhưng chưa được thu hồi để sử dụng vào mục đích khác.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 11/4: Nỗi lo môi trường từ các lò gạch thủ công. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới