Thứ ba, 23/04/2024 14:32 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 12/3: Nguy cơ mắc bệnh từ nguồn nước ô nhiễm

MTĐT -  Thứ hai, 12/03/2018 17:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một công ty ở Cần Thơ bị phạt gần 600 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường hay nguy cơ bùng phát bệnh từ nguồn nước ô nhiễm là một số tin môi trường chính trong ngày.

Cần Thơ: Một công ty bị phạt gần 600 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường

Theo báo TN&MT, mới đây UBND TP. Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Khánh Cường về hành vi gây ô nhiễm môi trường với tổng số tiền 598 triệu đồng.

Ngoài hình thức phạt tiền, cơ quan chức năng còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động Trạm trộn bê tông của Công ty TNHH Khánh Cường trong thời gian 6 tháng, đồng thời buộc Công ty TNHH Khánh Cường có biện pháp quản lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và báo cáo kết quả khắc phục cho cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát.

Trước đó, ngày 22/12/2017, qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với Trạm trộn bê tông nhựa nóng của Công ty TNHH Khánh Cường được đặt tại khu đất thuê của Công ty CP Cảng Cái Cui (tọa lạc tại khu vực Phú Thắng, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).

Trong quá trình hoạt động, Trạm trộn bê tông này đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường, cụ thể: không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5 đến dưới 10 lần; xả khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3 lần trở lên trong khoảng lưu lượng khí thải từ 500m3 đến 5.000m3/h…

Nghệ An: Trồng cây vì môi trường xanh trong Khu BTTN Pù Hoạt

Ngày 3/3 hơn 250 ĐVTN huyện Quế Phong đã ra quân trồng mới 1.200 cây dổi lấy hạt và 1.000 cây sa nhân tím trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Nằm trong chuỗi hoạt động của Tháng Thanh niên 2018, BTV Huyện đoàn Quế Phong đã triển khai công trình thanh niên tại khu vườn thực vật ngoại vi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Khu vực được trồng là vùng rừng tại khoảnh 2, tiểu khu 76, thuộc bản Na Chạng, xã Tiền Phong với diện tích là 2,4 ha. Trong 1 ngày, hơn 250 ĐVTN đã trồng được 2.200 cây dổi xanh và sa nhân tím.

Anh Moong Văn Tình - Huyện đoàn Quế Phong, cho biết: “Hàng năm, hoạt động trồng cây của đoàn viên thanh niên đã thành thông lệ. Việc trồng cây trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt không chỉ phủ xanh đất trống đồi trọc mà còn là hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về trồng, bảo vệ và phát triể rừng cho đồng bào các dân tộc nơi đây”.

87 thùng rác được lắp đặt trong “Ngày Chủ nhật xanh”

Sáng ngày 11/3, Tỉnh đoàn Yên Bái đã tổ chức Ngày Chủ nhật xanh – Hưởng ứng chương trình “Vì một Việt Nam xanh” tại Km5, thành phố Yên Bái, với sự tham gia của trên 2.000 đoàn viên thanh niên. Đây là hoạt động, hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh do Trung ương Đoàn phát động.

Trong buổi lễ ra quân, các đoàn viên thanh niên đã ra quân vệ sinh, thu gom rác trên các con suối trên địa bàn thành phố; bóc gỡ các biển quảng cáo trái quy định, vệ sinh hành lang, các khu vực công cộng trên địa bàn thành phố; gắn 87 thùng rác tại các địa điểm tập trung rác thải trên địa bàn thành phố…

Vũng Tàu: Học sinh tham gia bảo vệ môi trường

Theo báo Bà Rịa Vũng Tàu, sáng 11/3, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP.Vũng  Tàu) đã tổ chức chương trình ngoại khóa cho 150 HS khối 9. Tham gia chương trình, các em được tham quan Khu Di tích lịch sử Bạch Dinh, Đường sách Vũng Tàu để hiểu hơn về các danh lam, thắng cảnh, công trình văn hóa của địa phương. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức cho HS thu gom rác trong khuôn viên khu di tích lịch sử Bạch Dinh và tại khu vực Bãi Trước để bảo vệ môi trường.

Được biết, đây là hoạt động ngoại khóa thường xuyên của nhà trường nhằm giáo dục ý thức, lan tỏa những hành động tốt đẹp, giúp HS thêm yêu và gắn bó với mảnh đất quê hương và chung tay xây dựng TP.Vũng Tàu xanh, sạch, đẹp.

Thái Nguyên: Nguy cơ bùng phát bệnh từ nguồn nước ô nhiễm

Báo Thái Nguyên thông tin, thời gian qua, nhiều người dân sinh sống dọc sông Dong, đoạn chảy qua 3 xã Tràng Xá, Dân Tiến, Bình Long (Võ Nhai) thường xuyên vứt rác thải sinh hoạt, xác động vật xuống sông, gây ô nhiễm nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh…

Đi dọc sông Dong (đoạn từ xóm Làng Đèn, xã Tràng Xá đến xóm Đồng Chuối, xã Dân Tiến) rác thải trong các bao tải, túi nilon vứt ngổn ngang, trôi nổi khắp mặt sông.

Ông Triệu Thanh Nghiêm, ở xóm Làng Đèn (Tràng Xá) cho biết: Do mức độ tiêu dùng của người dân ngày càng cao nên lượng rác thải sinh hoạt cũng tăng lên đáng kể, trong khi đó, địa phương không có dịch vụ thu gom rác thải nên tình trạng người dân vứt rác xuống sông Dong diễn ra phổ biến. Hôm nào trời mưa, nước sông dâng cao thì rác trôi đi, còn mực nước thấp rác ứ đọng bốc mùi hôi thối. Trong xóm chỉ có vài gia đình xử lý rác bằng cách tự đốt tại vườn, còn lại các hộ sinh sống dọc tỉnh lộ 265 không có chỗ để đốt nên “xử lý” bằng cách vứt rác xuống sông Dong. Dù cán bộ xóm đã tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, nhưng tình trạng đó chưa được cải thiện...

Dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. - Ảnh: Báo Thái Nguyên.

Liên quan đến vấn đề này, ông Âu Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho biết: Đây là thực trạng phổ biến tại 3 xã phía Nam của huyện Võ Nhai, gồm: Tràng Xá, Dân Tiến và Bình Long. Ở Dân Tiến có hàng trăm hộ dân sinh sống gần sông Dong nên việc vứt rác xuống sông rất phổ biến. Mặc dù chính quyền địa phương đã cắm biển cấm đổ rác tại những khu vực đó và tích cực tuyên truyền, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.

Còn ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Tràng Xá cho biết: Hiện tại, huyện đang quy hoạch để xây dựng khu xử lý rác thải tại địa phương, với quy mô gần 2ha, tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng. Sau khi xây dựng xong, rác thải sinh hoạt của người dân ở 5 xã phía Nam sẽ được tập trung về đây để xử lý. Tuy nhiên, việc xây dựng khu xử lý rác thải đang chậm tiến độ do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, năm 2018, địa phương về đích nông thôn mới, tuy nhiên, chưa có khu xử lý rác thải và ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường chung vẫn còn nhiều hạn chế nên tiêu chí này khó thực hiện được...

Khánh Hòa đẩy mạnh quản lý thu thuế hoạt động khai thác khoáng sản

Thời gian qua, tình hình khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản cát, sỏi, đất, đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh  Khánh Hòa diễn biến phức tạp. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp còn hạn chế, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách.

Trong năm 2018, cơ quan chức năng tỉnh tạm ngưng cấp phép mới các hoạt động khoáng sản cát, sỏi và đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường tăng cường công tác hậu kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, kiên quyết kiến nghị thu hồi hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp đối với các trường hợp tái vi phạm theo thẩm quyền.

Ông Trần Đình Tú – Trưởng phòng Quản lý các khoản thu từ đất Cục Thuế tỉnh cho biết, thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, năm 2018, Cục Thuế tỉnh tăng cường quản lý các nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản được cấp phép, lưu ý đối với các dự án xây dựng, không để tình trạng sử dụng hóa đơn, chứng từ nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc khoáng sản khai thác trái phép. Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan tài nguyên và môi trường, UBND cấp huyện, xã kiểm tra việc các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản niêm yết công khai, đầy đủ thông tin trong hoạt động khai thác khoáng sản. Phòng Quản lý các khoản thu từ đất và các chi cục thuế cử công chức tham gia tổ liên ngành kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản khi có yêu cầu của UBND tỉnh và UBND cấp huyện.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 12/3: Nguy cơ mắc bệnh từ nguồn nước ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới