Thứ sáu, 19/04/2024 17:26 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 12/4: Kinh hoàng “núi” rác giữa lòng Phú Quốc

MTĐT -  Thứ năm, 12/04/2018 17:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kinh hoàng bãi rác như núi giữa lòng Phú Quốc, lò gạch không phép đua nhau xả khói bụi, gây ô nhiễm môi trường tại Ba Vì… là một số tin môi trường trong ngày.

Kinh hoàng bãi rác như núi giữa lòng Phú Quốc

Theo báo Lao động đưa tin, rác chất cao hơn ngọn cây lâu năm và kéo dài từ điểm quy hoạch ban đầu ra tận mép lộ với chiều dài lên đến hàng trăm mét. Vậy mà từ cuối năm 2017, bãi rác ở An Thới (khu phố 7, thị trấn An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang) còn phải gánh thêm rác từ toàn đảo Phú Quốc.

Được biết, ban đầu, bãi rác An Thới quy hoạch với quy mô 5ha nằm khuất sâu trong rừng, cách mặt lộ khu phố 7 hơn 100m. Nhưng sau hơn 20 năm tồn tại theo công nghệ chôn lấp hở, hầu hết đều mang tính chất tạm thời, không hợp vệ sinh, không kiểm soát mùi hôi và nước rỉ rác, không có chống thấm đáy, không có tường bao xung quanh bãi rác... nên xảy ra tình trạng quá tải đến mức Sở TNMT Kiên Giang đã đưa bãi rác này vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhiều năm trước.

Rác chất cao hơn ngọn cây lâu năm ở Phú Quốc. Ảnh: Báo Lao động

Nhưng do nhiều lý do, nơi đây vẫn phải nhận rác, thậm chí vào cuối năm 2017, nơi đây còn nhận thêm rác từ khu vực thị trấn Dương Đông đổ về, khiến cho quá tải thêm chất chồng quá tải. Và hệ lụy là rác không chỉ chồng cao ngọn cây lâu năm, tràn ra mặt đường, mà còn rò rỉ dòng nước đen ngòm túa đi khắp nơi. Đặc biệt là mùi hôi và ruồi của bãi rác còn phát tán, làm ảnh hưởng đến dân cư cách đó hàng trăm mét...

Các hộ gia đình có nhà đầu bãi rác, phải tự bỏ tiền ra thuê xe cuốc về đào hố, tự lấp rác khu vực gần nhà để giảm bớt mùi hôi. Thế vậy mà trước bữa cơm, gia đình phải phun thuốc diệt côn xung trùng quanh chỗ ngồi để hạn chế phần nào cảnh ruồi sẵn sàng có thể bu đen cả chén cơm.

Khó khăn trong xử lý rác thải ở Bắc Kạn

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn, khó khăn nhất vẫn là tiêu chí môi trường, trong đó có việc xử lý rác thải sinh hoạt.

Dòng suối chảy qua thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tràn ngập rác thải do nhiều người “tiện tay” đã vứt rác xuống suối, khi trời mưa rác theo dòng chảy trôi đi khắp nơi. Nguyên nhân một phần xuất phát từ ý thức của người dân, nhưng cũng do khách quan, thiếu chỗ tập kết rác nên người dân tiện đâu thì vứt đó. Việc thu gom rác thải của huyện Ngân Sơn do Hợp tác xã nước sạch và vệ sinh môi trường huyện thực hiện, nhưng khoảng 5 ngày công nhân mới đi thu gom rác 1 lần.

Dọc bờ sông suối trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn tràn ngập rác. 

Tại huyện Pác Nặm, lò đốt rác thải đã không hoạt động một thời gian, toàn bộ rác phải xử lý theo kiểu đốt ngay tại bãi chứa rác. Lò đốt rác này được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2017, nhà xưởng để chứa, phân loại rác đã được đầu tư hoàn chỉnh, tuy nhiên chỉ vận hành được một thời gian rồi không hoạt động. Nguyên nhân là do việc vận hành lò đốt rác phát sinh nhiều chi phí, trong đó chủ yếu là chi phí thuê nhân công phân loại, xử lý rác và vận hành lò đốt.

Còn tại huyện Chợ Đồn, do lượng rác lớn, lò đốt nhỏ nên bãi rác thải của huyện thường xuyên trong tình trạng quá tải. Theo công nhân làm việc ở đây, trước đây trời mưa nhiều nên rác đổ dồn về chưa thể đốt, rác chất đống, bốc mùi hôi thối.

Điện Biên: Tìm giải pháp khắc phục tình trạng hồ chứa nước sinh hoạt bị vẩn đục

Theo báo TN&MT, ngày 11/4, UBND huyện Điện Biên Đông phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Kinh tế - Hạ tầng cùng UBND Thị trấn Điện Biên Đông kiểm tra hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực trung tâm huyện. Qua kiểm tra, xác định tình trạng nước hồ cạn và nước bị vẩn đục, chứa các chất lơ lửng.

Nguyên nhân nước trong hồ đục được xác định là do đợt mưa lũ từ năm 2017 gây sạt lở đất ven đường giao thông và suối đầu nguồn hồ chứa nước, làm bồi lấp ruộng lúa, lòng suối, bào mòn bề mặt địa hình... đất, đá chảy xuống lòng hồ gây đục nước. Cùng với đó, do hồ chứa nước không được đầu tư xây dựng hệ thống thoát ngầm, xả cặn lòng hồ nên dẫn đến tình trạng nước hồ luôn vẩn đục.

Ông Nguyễn Văn Đạo, công nhân vận hành trạm sản xuất nước Điện Biên Đông, cho biết: Mặc dù nước hồ đục nhưng sau khi được xử lý, chất lượng nước khi đến người sử dụng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn.

Ba Vì (Hà Nội): Tràn lan lò gạch không phép đua nhau xả khói bụi, gây ô nhiễm môi trường

Theo MT&CS đưa tin, suốt 5 năm qua, 150 hộ dân thôn Vống Gốc Vải và 160 hộ dân thôn Mộc, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường từ khói, bụi phát thải từ các lò gạch không phép vẫn vô tư hoạt động gây ra.

Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo phản ánh của người dân thôn Vỗng Gốc Vải và thôn Mộc, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Tp. Hà Nội về tình trạng các lò gạch tại 2 thôn này dù đã bị đình chỉ, cấm hoạt động nhưng vẫn ngày đêm xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Lò gạch không phép hoạt đông tràn lan trên địa bàn huyện Ba Vì. Ảnh: MT&CS.

Theo ghi nhận thực tế, khoảng cách từ các lò gạch đến nhà người dân rất gần chỉ từ 100 – 150m, nền lò gạch không được đổ bê tông khiến mỗi lần xe vận chuyển đi lại kéo theo bụi phát tán ra khu dân cư, cây cối xung quanh phủ kín bởi lớp bụi đất vàng khè. Tiến sâu vào phía trong lò, tại đây các công nhân đang hối hả ra, vào gạch, những lớp đất phía trên được công nhân xúc đổ xuống lò gây bụi mù mịt, mà không có bất kì biện pháp giảm thiểu bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, cũng như người dân đang sinh sống quanh 3 lò gạch đang ngày đêm “ hủy hoại” môi trường.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang thừa nhận, xã có 3 lò gạch chưa được cấp bất kì thủ tục gì về môi trường. Hằng năm cũng có nhiều đoàn kiểm tra như Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng cảnh sát môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì, Sở Xây dựng về kiểm tra và đoàn cũng đã xử phạt và đình chỉ hoạt động 3 lò gạch nhưng không hiểu sao đến nay họ vẫn hoạt động?

Đáng nói, Phó chủ tịch xã Quang Minh còn cho biết, hằng năm xã có xây dựng kế hoạch kiểm tra 3 lò gạch này và phát hiện ra nhiều sai phạm, qua đó xã có quyết định xử phạt với hình thức cảnh cáo thôi!? vì các chủ lò gạch này toàn là người dân ở trong xã thường xuyên gặp nhau để tránh mất “tình làng, nghĩa xóm” UBND xã chỉ kiến nghị đề xuất lên huyện Ba Vì xử phạt?!

Bình Định hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018

Ngày 12/4, tại TP Quy Nhơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ TN&MT về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018.

Tham gia chương trình có hơn 1.000 đại biểu, trong đó nhiều lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, đại diện tổ chức môi trường Liên Hiệp quốc, các cơ quan truyền thông, báo chí và lãnh đạo một số tỉnh, thành khu vực Nam Trung bộ – Tây Nguyên.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ TN&MT) giới thiệu kế hoạch tổ chức các hoạt động cấp quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018.

Năm 2018, Bộ TN&MT quyết định chọn Bình Định để tổ chức các hoạt động cấp quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới. Theo đó, trong 2 ngày 4 và 5/6, tại Quy Nhơn sẽ diễn ra nhiều hoạt động, như: Diễn đàn “Báo chí với sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”; Lớp học môi trường cho học sinh THCS; Hội nghị triển khai Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2018 khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Bất cập trong thu gom rác thải nông thôn

Đổ rác không đúng giờ; để rác không đúng nơi quy định; quy hoạch, cải tạo nâng cấp, mở rộng khu tập kết rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập…, là những hạn chế cần sớm được khắc phục để môi trường nông thôn của Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp.     

Theo Hà Nội Mới, công tác thu gom rác thải nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều vùng quê đã sáng - xanh - sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn có không ít hạn chế trong công tác này cần sớm được khắc phục.

Đơn cử, trên địa bàn huyện Thanh Oai còn nhiều điểm tập kết rác tạm thời hoặc rác không được đưa vào đúng nơi quy định mà đổ tràn lan, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Theo Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai Nguyễn Tiến Hải, địa bàn huyện phát sinh khoảng 90 tấn chất thải sinh hoạt rắn/ngày. Đơn vị vệ sinh môi trường đã thu gom 3 lần/tuần, cơ bản hết lượng rác phát sinh. Tuy nhiên, rác thải sau khi thu gom được chuyển về hơn 50 điểm tập kết tạm thời, đủ số lượng mới đưa đến khu xử lý nên còn tình trạng rác bốc mùi hôi thối.

Thực trạng trên cũng đang diễn ra tại nhiều xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Phú Xuyên, Thường Tín… Phiên giải trình công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý chất thải rắn, do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức vào tháng 9-2017 cũng đã chỉ rõ: Một bộ phận nhân dân thiếu ý thức, xả rác thải không đúng quy định nhưng chưa được chính quyền quan tâm xử lý vi phạm; tình trạng thiếu trạm trung chuyển rác, rác thải thu gom chờ vận chuyển phải tập kết trên đường gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 12/4: Kinh hoàng “núi” rác giữa lòng Phú Quốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước