Thứ sáu, 29/03/2024 18:15 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 14/3: TP HCM “ngộp thở” vì khí thải độc hại

MTĐT -  Thứ tư, 14/03/2018 17:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dân kêu cứu vì ô nhiễm nặng bên bờ sông Nhuệ hay TP HCM “ngộp thở” vì khí thải độc hại là một số tin môi trường trong ngày.

Bà Rịa - Vũng Tàu chi hơn 8.200 tỉ đồng để xử lý ô nhiễm

Theo báo NLĐ, mới đây, từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định phê duyệt Đề án xử lý ô nhiễm môi trường tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 với mục tiêu trọng tâm là thực hiện, giải quyết 19 dự án với tổng kinh phí dự kiến 8.255 tỉ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách của tỉnh khoảng 3.397 tỉ đồng; vốn ngân sách TW hỗ trợ hơn 1.989 tỉ đồng và vốn ODA hơn 2.867 tỉ đồng.

Mục tiêu của Đề án là cải tạo và phục hồi cảnh quan môi trường các khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh cơ bản được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường trước khi thải.

Ảnh: NLĐ.

Đề án được xây dựng với nhiệm vụ ưu tiên tập trung triển khai 5 chương trình trọng tâm với 19 dự án ưu tiên được đề ra để thực hiện.

Chương trình thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt có 2 dự án gồm: Dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo với công suất xử lý 20 tấn/ngày và Dự án thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Quảng Ngãi: 9 tỷ đồng đầu tư xây kè chống sạt lở bờ sông Phủ

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi trao đổi với báo TN&MT cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng vừa có Quyết định cho phép Văn phòng thực hiện dự án Khắc phục, chống sạt lở bờ sông.

Theo lệnh khẩn cấp của Chủ tịch UBND tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp nhận và triển khai thực hiện dự án Khắc phục, chống sạt lở bờ sông Phủ đoạn từ cầu Phủ đến đập Bến Nén, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án thực hiện đầu tư xây dựng 02 đoạn Kè chống sạt lở bờ sông Phủ có tổng chiều dài đỉnh kè 522m và tuyến đường quản lý kè kết hợp giao thông nội vùng dài 821m.

Dự án nhằm để bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất đai, nhà cửa và tài sản của nhân dân dọc theo sông Phủ đoạn từ Cầu Phủ đến đập Bến Nén, với tổng mức đầu tư trên 9 tỷ đồng và thời gian hoàn thành dự kiến trước ngày 30/6/2018.

Thường Tín - Hà Nội: Dân kêu cứu vì ô nhiễm nặng bên bờ sông Nhuệ

Thường Tín vốn nổi tiếng với các làng nghề như thêu tranh Quất Động, điêu khắc gỗ ở Nhân Hiền, Hiền Giang,... Không thể phủ nhận việc phát triển làng nghề những năm gần đây đã mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân huyện Thường Tín. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển đó là những hệ lụy về ô nhiễm môi trường một cách nặng nề.

Theo thông tin trên Khỏe 365 nhiều năm nay, người dân ở xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội, hàng ngày đã và đang phải sống chung với cảnh khói đen ngút trời, mùi hôi thối, khét lẹt của việc đốt trộm rác thải. Không những thế, tình trạng vứt rác ngay hai bên bờ sông đang làm xấu đi mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng.

Đốt rác thải trộm dọc hai bên bờ sông Nhuệ. Ảnh: Khỏe 365.

Điều đáng nói là tình trạng bãi rác tự phát này diễn ra đã lâu nhưng chưa thấy các cơ quan chức năng có dấu hiệu xử lý.

Theo nhiều người dân ở đây cho biết thêm, bãi rác thải này là của người dân làng Nhuệ Giang. Họ thu mua vải vụn ở các công ty may khắp nơi về rồi phân loại ra, bán cho làng Trát Cầu ở xã Tiền Phong là làng nghề may chăn ga gối đệm, còn loại nào không bán được thì họ đem ra bờ sông để đốt một cách ngang nhiên.

TP HCM “ngộp thở” vì khí thải độc hại

Tình trạng các công ty xả thải “đầu độc” không khí đã diễn ra tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP. HCM) nhiều tháng nay, khiến hàng chục hộ dân nơi đây đang sống trong cảnh khốn cùng vì môi trường không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều tháng nay, người dân tại ấp 1B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) phải chịu cảnh sống khốn khổ khi môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, khí độc bủa vây. Tận mắt chứng kiến những cột khói “hiên ngang” xả thải từ nhiều nhà xưởng, công ty đang hoạt động tại đây mới thấu hiểu được cảnh khốn khổ của người dân khu vực này.

Theo ghi nhận thực tế, những cột khói đen kịt, trắng đục đang bốc lên cuồn cuộn “hiên ngang” xả thẳng vào môi trường, bao phủ cả khu dân cư, cây cối xung quanh chết khô. Người dân nơi đây cho biết, việc xả thải thường diễn ra vào buổi trưa và ban đêm, khi trời tối thì việc xả thải còn kinh khủng hơn ban ngày.

Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng xả thải này diễn ra nhiều tháng nay, mọi người đã gửi đơn cầu cứu đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhưng “bặt vô âm tín”.

130 hệ thống kênh và sông nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước

UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hanh lang bảo vệ. Theo quyết định này, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có tổng số 130 hệ thống kênh và sông nằm trong hành lang bảo vệ nguồn ước.

Cụ thể, có 04 hệ thống sông thuộc trung ương quản lý bao gồm: sông Hậu, sông Cổ Chiên, kênh Trà Vinh và kênh Đào Trà Vinh; 41 hệ thống sông và kênh thuộc cấp tỉnh quản lý và 85 kênh và sông thuộc cấp huyện, thị xã, thành phố quản lý.

Tổng chiều dài cắm mốc phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh là hơn 1600 km.

UBND tỉnh Trà Vinh giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ tỉnh Trà Vinh; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng kế hoạch, phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định.

Hà Nội: Gấp rút khắc phục sự cố đê điều

Hệ thống đê điều xuống cấp, cộng với tác động của biến đổi khí hậu khiến nhiều công trình phòng, chống thiên tai của thành phố thời gian gần đây đã xảy ra nhiều sự cố, hư hỏng. Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, công tác đầu tư, xây dựng khắc phục sự cố đang được các cấp, các ngành của Hà Nội gấp rút triển khai thực hiện.

Từ trung tuần tháng 2 đến nay, trên một số tuyến đê của TP Hà Nội tiếp tục xảy ra sự cố hư hỏng. Đơn cử, trên tuyến đê hữu Hồng thuộc xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ) xảy ra sự cố sạt mái kè với chiều dài 50m, rộng từ 3 đến 5m, sâu từ 0,5 đến 2m. Tương tự, trên đê Vân Cốc thuộc xã Xuân Phú (huyện Phúc Thọ) xảy ra sự cố sạt cơ kè, với chiều dài 40m, rộng từ 3 đến 4m, tạo vách đứng cao trung bình 4m, cung sạt cách chân đê 140m. Gần vị trí cung sạt xuất hiện nhiều vết nứt cơ kè rộng khoảng 20cm, tổng chiều dài khoảng 190m...

Trước đó, trong mùa mưa bão năm 2017, trên địa bàn thành phố xảy ra 37 sự cố đê điều, thủy lợi. Nghiêm trọng nhất là 3 sự cố về kè thuộc địa bàn các huyện: Đan Phượng, Ba Vì; 2 sự cố sạt lở bờ sông thuộc huyện Đan Phượng, Gia Lâm; 8 sự cố về đê trên địa bàn huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Ba Vì, Hoài Đức, Quốc Oai và quận Hà Đông; 1 sự cố sạt lở và tràn đê bối Bùi 2 tại huyện Chương Mỹ...

Ông Phạm Quang Đông, Trưởng phòng Quản lý đê (Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội) nhận định, nguyên nhân xảy ra sự cố đê điều gần đây chủ yếu do hồ chứa thủy điện xả nước phục vụ công tác lấy nước sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân. Dòng chủ lưu sông Hồng lên xuống bất thường và áp sát chân kè. Hơn nữa, những công trình này đều được xây dựng từ lâu, trước đó đã xảy ra các vết nứt nhỏ, chưa kịp đầu tư sửa chữa.

Trước tình hình trên, hiện các quận, huyện, thị xã có đê đã rà soát hiện trạng, đề xuất thành phố khắc phục sự cố hư hỏng hồ chứa, đê điều xung yếu trước mùa mưa bão. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng, UBND thành phố đã chấp thuận đề xuất đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đê hồ Quan Sơn; xử lý hệ thống kè chống sạt lở bờ hữu sông Đáy, đoạn xã Phùng Xá, Vạn Kim, Đại Hưng, Lê Thanh; gia cố một số đoạn đê sông Mỹ Hà, chống sạt lở đê sông Bùi…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 14/3: TP HCM “ngộp thở” vì khí thải độc hại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới