Thứ tư, 24/04/2024 15:48 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 19/4: Nhà máy đường gây ô nhiễm môi trường

MTĐT -  Thứ năm, 19/04/2018 17:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà máy đường Kon Tum đe dọa môi trường, hạn hán biến hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc thành đồng cỏ… là một số tin môi trường trong ngày.

Quảng Ngãi: Xây dựng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường

Để nâng cao nhận thưc của người dân trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai kế hoạch xây dựng mô hình điểm trên địa bàn.

Theo kế hoạch, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn lựa chọn địa bàn để xây dựng mô hình.

Xây dựng, bổ sung nội dung bảo vệ môi trường, các giải pháp giúp nhau ứng phó với rủi ro, thiên tai bất thường vào hương ước, quy ước hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tổ chức cuộc sống của mỗi gia đình và của khu dân cư.

Trong năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lựa chọn mỗi xã, thị trấn xây dựng ít nhất 1 khu dân cư điểm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng thành phong trào trong toàn huyện trong những năm tiếp theo.

Núi lửa phun trào ở Tây Nam Nhật Bản

Theo TTXVN, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) thông báo hiện tượng phun trào tại cụm núi lửa Kirishima trên đảo Kyushu, miền Tây Nam nước này chiều 19/4.

Hãng thông tấn Kyodo dẫn thông báo của JMA cho biết núi lửa Io phun trào vào lúc 15h43' giờ địa phương (khoảng 13h43 theo giờ Việt Nam). JMA đã ban bố cảnh báo cấp độ 3, khuyến cáo người dân không đến gần khu vực núi lửa và cảnh báo khả năng trào nham thạch.

Hạn hán biến hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc thành đồng cỏ

Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc đang bị khô hạn nhanh chóng và có thể sớm trở thành một đồng cỏ hoặc sa mạc nếu hạn hán tiếp tục kéo dài.

Các nhà khoa học Trung Quốc báo động nước trong lòng hồ Poyang ở tỉnh Giang Tây đang cạn kiệt dần, để lại những vùng đồng cỏ khổng lồ tại những nơi mà trước đây từng bị ngập sâu tới 25m.

Poyang là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, chứa nước đổ vào từ năm con sông thuộc tỉnh Giang Tây và sau đó chảy ra sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc. Vào mùa mưa, diện tích mặt hồ Poyang có thể lên đến 4,500km2, lớn gấp đôi thành phố Hồ Chí Minh và gấp ba Los Angeles.

Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài, lòng hồ đã cạn trơ đáy đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nước sinh hoạt cho người dân quanh khu vực.

Kiểm ra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy đường Kon Tum

Theo báo TN&MT đưa tin, ngày 19/4, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra thực tế tại khu vực sản xuất của nhà máy đường Kon Tum (Công ty Cổ phần đường Kon Tum) theo phản ánh của người dân về việc hoạt động của nhà máy phát tán mùi hôi, tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của dân cư xung quanh.

Báo cáo của chính quyền địa phương (xã Vinh Quang, phường Quang Trung, TP Kon Tum, Kon Tum) cho thấy hoạt động sản xuất của nhà máy đường có phát sinh mùi hôi phát ra từ bãi chứa bùn của nhà máy và quá trình bốc bùn lên xe; có phát sinh tiếng ồn từ quá trình sản xuất, đặc biệt một số thời điểm phát sinh tiếng ồn rất lớn.

Thực tế tại thời điểm kiểm tra, nhà máy đang ngừng hoạt động sản xuất để bảo trì máy móc, thiết bị. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra nhận thấy tại khu vực chứa bã bùn của nhà máy hiện có khối lượng bã bùn khoảng 500 tấn. Như vậy, phản ánh của người dân về mùi hôi và tiếng ồn của nhà máy là có cơ sở.

Đại diện nhà máy đường Kon Tum giải thích, mùi hôi phát sinh từ bãi chứa bùn do chưa kịp thời vận chuyển dẫn đến ứ đọng. Mặc dù nhà máy đã thực hiện biện pháp giảm thiểu mùi như phun chế phẩm sinh học nhưng vẫn còn mùi phát sinh.

Về tiếng ồn là do nhà máy đang nâng cấp hệ thống từ 1800 tấn/ngày lên 2500 tấn/ngày. Trong quá trình lắp ráp, có 01 tua bin bị hỏng nên phải thay mới. Để thực hiện điều này, nhà máy phải tiến hành thổi ống (trong vòng 17 ngày) nên có phát sinh tiếng ồn lớn.

Sau khi kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty Cổ phần đường Kon Tum khẩn trương đưa toàn bộ khối lượng bã bùn hiện có ra khỏi khu vực nhà máy trước ngày 28/4/2018. Trong quá trình lưu giữ, yêu cầu công ty tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học phun để giảm mùi hôi. Quá trình bốc, xúc bùn, vận chuyển bùn phải che chắn kỹ, không để bùn rơi vãi, phát tán mùi hôi trong quá trình vận chuyển.

Yêu cầu công ty xây dựng phương án xử lý bã bùn, không lưu giữ bùn quá 02 ngày, thực hiện các biện pháp xử lý triệt để mùi hôi từ bã bùn, tránh phát sinh mùi hôi trong các mùa vụ sản xuất.

Vĩnh Long: Người dân khổ sở sống chung với ô nhiễm rạch nước trước nhà

Theo báo Vĩnh Long đưa tin, nhiều năm qua, các hộ dân ngụ Khóm 4- Phường 2 và Khóm 1- Phường 8 (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) khổ sở vì phải sống chung với  rạch nước ô nhiễm trước nhà, hàng ngày chịu đựng mùi hôi thối từ đây, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt.

Rạch nước này dài hơn 1km, tiếp giáp đường Nguyễn Văn Lâu (Phường 8) và đường Võ Văn Kiệt (Phường 2). Theo người dân địa phương, nước trong con rạch luôn đen ngòm, nhiều rác thải và đã diễn ra một thời gian dài, nhưng gần đây mức độ ô nhiễm ngày một nghiêm trọng hơn.

Theo các hộ dân, trước đây con rạch này thông thoáng nhưng do không được nạo vét, nhiều đoạn bị bồi lấp, lấn chiếm, cơi nới khiến cho con rạch bị thu hẹp, nước không ra vào cộng với nước thải sinh hoạt dẫn đến tình trạng ô nhiễm như hiện nay.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp khắc phục, nhằm trả lại môi trường trong lành cho người dân địa phương.

Bên cạnh đó, rất cần ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi xuống rạch, hạn chế tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng hơn.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 19/4: Nhà máy đường gây ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.