Thứ năm, 18/04/2024 15:40 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 2/11: Nhếch nhác đường gom Đại lộ Thăng Long

MTĐT -  Thứ năm, 02/11/2017 16:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin môi trường ngày 2/11: Nhếch nhác đường gom Đại lộ Thăng Long; Bà Rịa– Vũng Tàu: 1.113 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường;...

Bà Rịa– Vũng Tàu: 1.113 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường

Tin tức trên báo Tài nguyên Môi trường, Thường trực UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa  tổ chức cuộc họp bàn về dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025.

Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay địa phương này có 1.113 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu dân cư cần di dời vào các khu, cụm công nghiệp và khu tập trung trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục, cải thiện và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu vực dân cư, khu đô thị gắn với việc chỉnh trang và phát triển đô thị thì việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư để tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, khu tập trung là rất cần thiết. Việc di dời này sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, qua đó sẽ giúp cho hoạt động sản xuất của cơ sở sản xuất ổn định và phát triển bền vững.

Nhếch nhác đường gom Đại lộ Thăng Long

Báo Kinh tế Đô thị đưa tin, hiện tượng đổ trộm rác, đất thải, phế liệu xây dựng trên 2 nhánh đường gom của Đại lộ Thăng Long đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông, vệ sinh môi trường (VSMT) và mỹ quan đô thị.

Đại lộ Thăng Long, khởi đầu từ nút giao với đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm), là một trong những tuyến đường hiện đại và đẹp nhất của Hà Nội. Đường gồm 2 dải cao tốc với 6 làn xe và 2 nhánh đường gom, tổng chiều dài khoảng 30km, đi qua địa phận các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất… Trái ngược với cảnh phong quang, thoáng đãng của 2 dải đường cao tốc, 2 nhánh đường gom của Đại lộ Thăng Long từ lâu đã chìm trong bụi bặm, rác và đất thải, phế liệu bị đổ trộm nhan nhản khắp nơi.

Dọc theo cả 2 nhánh đường gom Đại lộ Thăng Long, đặc biệt là các đoạn giáp ranh giữa quận Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức, nhiều vị trí đất thải, phế liệu đổ tràn từ ruộng hoang lên vỉa hè. Thậm chí, một số nhánh đường vào khu dân cư ven đường gom Đại lộ còn bị bịt kín bằng đất thải. Một số đoạn hướng đi Hòa Lạc còn có tình trạng bê tông rơi vãi, khô kết thành từng vệt dài mấp mô, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Hàng ngàn hộ dân chịu cảnh ô nhiễm: Chỉ vì rác thải ùn ứ

Tin tức trên Báo Lao động Thủ đô, gần 4 tháng nay, khu vực gần quần thể di tích chùa Trầm, điểm giáp danh danh giữa hai xã Phụng Châu và Tiên Dương (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) bỗng nổi lên “con đường rác” bốc mùi hôi thối. Bãi rác này không những gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân vùng lân cận.

--Rác thải ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường ở gần quần thể di tích chùa Trầm.

“Con đường rác” này dài tới 500-600m, nằm ngay gần khu dân cư Đê Mới. Rác thải chất đống, cao từ 1-2 mét, tràn ra chiếm 1/2 lòng đường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Rác thì đủ mọi loại, từ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng cho đến xác chết động vật…lâu ngày thối rữa, nước bẩn chảy lênh láng ra đường khiến người dân mỗi lần đi qua đây đều không khỏi rùng mình, nín thở và phóng xe qua thật nhanh.

TP.HCM phát thải khí nhà kính bằng cả New Zealand

Tin tức trên Báo Tuổi trẻ, theo báo cáo mới đây của  Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về giám sát phát thải khí nhà kính, lượng khí phát thải của TP.HCM đo được trong năm 2013 tương đương với lượng tổng phát thải của toàn nước New Zealand, gần bằng một nửa lượng phát thái của thành phố Tokyo (Nhật Bản).

Đây là lần đầu tiên việc kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính được thực hiện tại TP.HCM. Theo chuyên gia Nhật Bản, việc kiểm kê này giúp chúng ta định lượng được cụ thể các nguồn gây phát thải khí nhà kính và dự báo được lượng phát thải trong tương lai.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường, TP.HCM là một trong những thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu.

Không thể nạo vét 439.000 m3 bùn thải rồi lại đổ xuống biển

Báo Người lao động đưa tin, Ông Hoàng Đình Yên, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng không nên nạo vét bùn thải rồi lại đổ xuống biển theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam trong việc nhận chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét duy tu luồng hàng hải xuống biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tương tự, nhiều người dân TP Quy Nhơn cho rằng địa điểm đổ bùn thải ngoài phao số 0 (cách cửa biển Quy Nhơn 2,5 km) theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam là quá gần, dễ ảnh hưởng đến môi trường biển và du lịch biển. "Tỉnh Bình Định nói chung và TP Quy Nhơn nói riêng đang trên đà phát triển du lịch biển đảo. Khoảng 3 năm gần đây, nhiều vùng biển ở Bình Định đã thu hút rất nhiều khách du lịch bởi những bãi cát vàng còn hoang sơ, nước biển trong xanh. Bởi vậy, nếu nhận chìm bùn thải ở khu vực gần bờ sẽ làm cho nước ở vùng biển Quy Nhơn đục, ảnh hưởng đến môi trường và ngành nghề du lịch địa phương" – ông Nguyễn Văn Thọ (ngụ phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) chia sẻ

Quảng Ngãi: Nhà máy bột giấy VNT 19: Sẽ đóng cửa nhà máy nếu gây ô nhiễm

Tin tức báo Dân Trí, sáng 1/11, Công ty cổ phần bột giấy VNT19 phối hợp với các đơn vị chức năng UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo để làm rõ những lo ngại về vấn đề môi trường như báo chí đã phản ánh.

Chủ đầu tư nhà máy bột giấy VNT 19 cam kết sẽ làm hồ chỉ thị sinh học để kiểm tra chất lượng nước thải theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời sẽ đóng cửa nhà máy ngay lập tức nếu để xảy ra sự cố môi trường.

Theo đại diện Công ty cổ phần bột giấy VNT19, dự án xây dựng nhà máy bột giấy VNT19 được triển khai trên diện tích 117 ha tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với quy mô công suất 350.000 tấn/năm

Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đóng góp thuế cho ngân sách địa phương, góp phần hiện đại hóa, nâng sức cạnh tranh trong ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy... Thời gian hoàn thành đi vào hoạt động dự kiến quý 4/2019. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 10.000 tỉ đồng.

TRANG TRIỆU (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 2/11: Nhếch nhác đường gom Đại lộ Thăng Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.