Thứ sáu, 19/04/2024 21:29 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 21/3: DN chế biến thanh long “bức tử” suối Thị

MTĐT -  Thứ tư, 21/03/2018 17:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

2 doanh nghiệp chế biến thanh long ở Bình Thuận xả thải gây ô nhiễm suối Thị, cơ sở thu mua phế liệu gây ô nhiễm môi trường ở Hải Dương là một số tin môi trường trong ngày.

Hơn 21.000 hộ dân ở Cà Mau chưa chủ động được nước sinh hoạt

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau trao đổi với Người đưa tin cho biết, toàn tỉnh Cà Mau có tổng số dân sống ở vùng nông thôn là gần 226.000 hộ. Trong đó, hơn 204.000 hộ (91,56%) sử dụng nước hợp vệ sinh; còn lại hơn 21.000 hộ chưa chủ động nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô.

Theo ông Phúc, thời gian qua, trung tâm đã xây dựng một số trạm bơm và đã đưa nước sạch đến khoảng 44% hộ dân nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của bà con. Hiện, nhiều hộ dân ở một số xã thuộc huyện Năm Căn, huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời vẫn còn gặp khó khăn trong khoan nguồn nước ngầm sử dụng, nên nhiều hộ chưa chủ động được nước trong cao điểm mùa khô.

Ông Phúc khuyến cáo người dân cần có biện pháp tích trữ nước trong các dụng cụ có sẵn để đối phó với tình trạng thiếu nước ăn uống và sinh hoạt những tháng khô hạn như: Lu chứa nước, bể chứa nước; các loại xô, thùng, can nhựa... Đặc biệt, phải hết sức tiết kiệm khi sử dụng nguồn nước.

Hơn 21.000 hộ dân ở Cà Mau không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: Người đưa tin.

Quảng Ngãi: Xây dựng hệ thống đê bao ứng phó BĐKH còn nhiều tồn tại

Theo báo TN&MT thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng vừa chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi phối hợp chặt chẽ với Giám đốc Sở TN&MT tập trung tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại để Dự án Xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ và phía Đông huyện Sơn Tịnh được thực hiện đúng tiến độ.

Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi phối hợp chặt chẽ với Giám đốc Sở TN&MT rà soát các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc để tập trung giải quyết theo quy định, đảm bảo hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công Dự án Xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với BĐKH, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ và phía Đông huyện Sơn Tịnh (nay là phía Đông Bắc TP. Quảng Ngãi), để hoàn thành dự án theo kế hoạch.

Hệ thống đê bao Tịnh Kỳ có chiều dài trên 3,6 km, đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ cho khoảng 3.000 hộ dân và 64 ha đất sản xuất trong vùng, được kết nối với công trình kè Tịnh Khê tạo thành tuyến đê dọc sông Kinh, ra cửa biển Sa Kỳ, góp phần quan trọng để ổn định cuộc sống của nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Dự án xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ nằm trong danh mục 61 dự án ưu tiên của Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (Chương trình SP-RCC). Được UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng vốn đầu tư 184,9 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương từ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH 130 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 54,9 tỷ đồng.

Thảm họa... lục bình ở ĐBSCL

Theo báo Nông nghiệp, hiện nhiều tuyến sông, kênh, rạch thuộc địa bàn các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai (Bạc Liêu), lục bình xuất hiện dày đặc, gây ảnh hưởng đến các phương tiện đường thủy lưu thông; nhất là thời điểm hiện nay người dân đang bước vào thu hoạch lúa ĐX, thương lái đến thu mua lúa, vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian.

Theo thương lái mua lúa, khi ghe chở lúa khẳm đầy, lại gặp lục bình day đặc thì chạy ghe rất tốn xăng dầu. Thêm vào đó, nhiều hộ dân sống hai bên kênh rạch xây cầu, cắm trụ cản trở sự di chuyển của lục bình. Cá biệt, có nhiều hộ dân tự khoanh vùng rồi cắm nhánh cây làm bẫy để đánh cá, vô tình những cái bẫy đã tạo điều kiện thuận lợi cho lục bình phát triển xanh tốt, ngày càng dày đặc.

Lục bình ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Ảnh: Báo Nông nghiệp.

Theo người dân, lục bình bắt đầu xuất hiện nhiều trên các tuyến sông, kênh, rạch từ trước Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chính khiến lục bình sinh sôi nảy nở nhanh, mạnh như hiện nay là do lục bình từ các con sông lớn trôi vào, dòng sông quá cạn, dòng chảy yếu nên lục bình chỉ vào đây nhưng không trôi ra theo dòng nước được. Cuối cùng, lục bình tụ lại càng dày.

Bình Thuận: Xả thải gây ô nhiễm suối Thị

Theo báo Bình Thuận đưa tin, nhiều ngày qua, gần 20 hộ dân với trên 60 nhân khẩu, sống dọc suối Thị (thuộc xã Mương Mán, Hàm Thuận Nam) dường như không thể thở nổi với mùi hôi bốc lên từ con suối này. Nguyên nhân được xác định do 2 doanh nghiệp chế biến thanh long và chợ Mương Mán xả thải, gây ô nhiễm.

Suối Thị được ví như “mạch sống” với người dân tại thôn Đại Thành, nơi đây từng là nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho người dân. Nhưng giờ đây dòng suối như sắp biến thành con suối "chết".

Suối Thị đang bị đầu độc vì doanh nghiệp xả thải vô tội vạ. Ảnh: Báo Bình Thuận.

Theo phản ánh của bà con, chỉ chưa đầy một tuần qua, nước từ màu xanh rêu chuyển thành màu đen kịt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước là những váng trắng, bốc mùi hôi nồng nặc khó chịu. Cá tự nhiên tại con suối khá nhiều cũng chết, nổi trắng xóa. Hai bên bờ là nơi người dân địa phương sản xuất thanh long dày đặc.

Theo lịch, khoảng gần 1 tháng, nước thủy lợi sẽ “đổ” về một lần. Tuy nhiên, hiện dòng suối bị che lấp bởi rất nhiều cây cối, bụi rậm khiến dòng chảy ảnh hưởng. Đáng nói, chỉ trong khoảng 500m, đã có 3 ống xả thải của 2 doanh nghiệp thu mua chế biến thanh long và chợ Mương Mán (đóng chân mặt trước, sát con suối) đều đổ nước thải trực tiếp ra môi trường. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân sống dọc suối.

Lãnh đạo xã Mương Mán cho biết: “Xã cũng vừa nhận được kiến nghị của người dân khu vực suối Thị về tình hình ô nhiễm nguồn nước tại đây. Theo đó, UBND xã đã cử đoàn xuống 2 doanh nghiệp và khu chợ để kiểm tra".

Hải Dương: Cơ sở thu mua phế liệu gây ô nhiễm môi trường

Theo báo Hải Dương, thời gian gần đây, cơ sở thu gom vải vụn ở cụm công nghiệp An Đồng (thuộc khu La Xuyên, thị trấn Nam Sách) thường xuyên đốt rác.

Rác đốt tạo khói đen, mùi khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe của nhân dân khu La Xuyên và Đồng Khê. Ngoài ra còn có 2 hộ ở các khu La Xuyên, La Văn Cầu (thị trấn Nam Sách) thu mua phế liệu để tái chế cũng làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị của thị trấn.

Đề nghị UBND huyện và các ngành chức năng của huyện Nam Sách có biện pháp kiên quyết xử lý các hộ trên để không ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân.

Bình Định: Nghiêm cấm khai thác khoáng sản trên địa bàn xã An Hòa

Ông Văn Phụng Anh, Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện An Lão về việc chấn chỉnh tình hình khai thác đất, cát, sỏi, sạn để thi công các công trình trên địa bàn huyện, UBND xã An Hòa đã có thông báo, kể từ ngày 14/3/2018 nghiêm cấm tất cả các tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản (bao gồm đất san lấp, cát, sỏi, sạn làm vật liệu xây dựng) trên địa bàn xã An Hòa dùng để xây dựng các công trình công cộng hoặc xây dựng nhà ở trong nhân dân, tạm dừng hoạt động khai thác.

Hiện nay trên địa bàn xã An Hòa chưa có mỏ khoáng sản nào được UBND tỉnh cấp phép cho Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng cho biết, tổ chức, cá nhân sử dụng khai thác để phục vụ thi công các công trình xây dựng công cộng và nhà ở. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân lén lút khai thác khoáng sản để xây dựng công trình.

Tây Ninh: Triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất

Hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2018, vào tối 24/3 tới đây, nhiều hoạt động thiết thực sẽ được Tỉnh đoàn Tây Ninh và Công ty Điện lực Tây Ninh phối hợp tổ chức.

Theo đó, bên cạnh các hoạt động kêu gọi cơ quan, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, khu vực công cộng, hộ dân tự nguyện tắt bớt đèn chiếu sáng và các thiết bị điện không thật sự cần thiết, Giờ Trái đất 2018 tại Tây Ninh sẽ có thêm nhiều hoạt động mới, như: vận động đoàn viên thanh niên đồng loạt thay ảnh đại diện facebook thành ảnh logo và các thông điệp của Giờ Trái đất 2018; tham gia diễu hành bằng xe gắn máy trên các trục đường chính, truyền thông điệp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng an toàn, tiết kiệm các nguồn năng lượng…

Đúng 19h ngày 24/3, lễ phát động hưởng ứng Giờ Trái đất 2018 của tỉnh Tây Ninh sẽ được tổ chức tại Trung tâm Thi đấu Thể thao tỉnh… Đến 20h20 cùng ngày, nghi thức tắt đèn và các thiết bị điện không thật sự cần thiết sẽ được tiến hành đồng loạt tại một số nơi trong tỉnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 21/3: DN chế biến thanh long “bức tử” suối Thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...