Thứ năm, 28/03/2024 15:58 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 23/3: Thách thức ô nhiễm từ chăn nuôi

MTĐT -  Thứ sáu, 23/03/2018 19:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin môi trường ngày 23/3: Thách thức ô nhiễm từ chăn nuôi; Sự cố chảy chất thải quặng ra sông Bồng Miêu: Tiên Phước lo lắng về nguồn nước...

Sẵn sàng ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu

Báo Nghệ An đưa tin, đây là thông điệp được đưa ra tại cuộc Tọa đàm hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2018 do Sở Tài nguyên – Môi trường tổ chức sáng 23/3.

Theo đó, để ứng phó thông minh với khí hậu mà theo dự báo sẽ có những biến đổi cực đoan thì trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, cảnh báo thiên tai, từ đó các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ động tham gia vào các hoạt động giảm nhẹ và thích nghi.

Cụ thể, tích cực trồng cây phân tán ở những khu vực đất trống ở từng địa phương, trong từng cơ quan, gia đình; triển khai các biện pháp tái sử dụng, tái chế rác thải, nước thải; điều chỉnh thời vụ, chọn những giống cây, con hoặc chuyển đổi nghề mới cho nông dân.

Về biện pháp công trình, điều cần tâp trung là gia cố, thay đổi kiến trúc nhà cửa; công trình thủy lợi; đê biển, đê sông…

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Võ Văn Ngọc, nhấn mạnh: Việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sẵn sàng với thay đổi của thời tiết, ứng phó thông minh với khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng, giúp người dân chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin về thay đổi thời tiết và có các giải pháp cụ thể trong phòng chống, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản, nâng cao hiệu quả trong sản xuất…

75,55% hộ sử dụng nước máy

Báo Vĩnh Long thông tin, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, kế hoạch UBND huyện năm 2017 ngành nông nghiệp kết hợp UBND các xã, thị trấn vận động các hộ dân tham gia hệ thống cấp nước tập trung.

Theo báo cáo ngành chuyên môn năm 2017, toàn huyện phát triển mới 2.209 hộ sử dụng nước máy, nâng tổng số đến nay trên địa bàn huyện có 30.721/40.662 hộ sử dụng nước máy đạt 75,55% tổng số hộ (nghị quyết nêu 72% tổng số hộ).

Được biết, năm 2017 huyện được ngành tỉnh đầu tư mở rộng đường ống nước Trạm cấp nước ấp An Thạnh B (xã Bình Ninh), trạm cấp nước Ấp 5 (xã Hậu Lộc), trạm cấp nước ấp Mỹ Hòa (xã Hòa Lộc) với chiều dài đường ống 50.397m.

Việc nâng cấp, mở rộng đường ống nước tạo điều kiện các hộ dân tham gia hệ thống cấp nước, phát triển tỷ lệ hộ sử dụng nước góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ: Bắt đầu tiếp nhận rác thải

Theo báo Quảng Ngãi, sau nhiều lần trì hoãn việc tiếp nhận rác thải (vì chậm tiến độ xây dựng), từ ngày 15.3.2018, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ đã hoàn thành việc xây dựng các hố chứa rác, hố chứa nước rỉ và đã tiếp nhận rác thải sinh hoạt.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trước ngày 25/3/2018, Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc phải tiếp nhận 100% khối lượng rác trên các địa bàn phụ trách gồm: TP.Quảng Ngãi, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Sơn Tịnh về xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi Trương Minh Khương, cho biết: Sau khi Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc hoàn thành việc xây dựng các hố lưu trữ rác, công ty sẽ bàn giao, đóng cửa bãi rác Nghĩa Kỳ (trước ngày 25/3). Số công nhân của công ty sẽ chuyển đi thu gom rác ở địa bàn khác, do công ty phụ trách.

Đến thời điểm hiện tại, mặt bằng ở Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Nghĩa Kỳ đã hoàn thành 95%. Công ty đã hoàn thành 100% đường giao thông nội bộ, cổng, trạm cân... để thuận tiện cho xe vận chuyển rác vào hố lưu giữ rác tạm thời.

Bên cạnh việc tiếp nhận, xử lý rác,  Công văn số 241/UBND-NNTN của UBND tỉnh còn đề cập đến việc tiếp nhận người lao động đang nhặt rác ở bãi rác Nghĩa Kỳ. Hiện nay, tại bãi rác Nghĩa Kỳ có gần 60 người đang mưu sinh bằng nghề nhặt rác.

Hải Phòng: Quy hoạch thoát nước mặt đến năm 2025

Báo tài nguyên & môi trường dẫn tin, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng vừa phê duyệt Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng cao độ nền và thoát nước mặt trên địa bàn thành phố. Đây là cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống cao độ nền và thoát nước mặt. Đồng thời, cụ thể hóa định hướng quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt thành phố trong Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009.

Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) là một trong số ít trang trại đầu tư khu xử lý chất thải. Ảnh: Thái Hiền

Việc tiêu thoát lũ và đê điều Hải Phòng tuân thủ quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với quy hoạch thủy lợi Hải Phòng đảm bảo tiêu thoát nước ra các sông: Đá Bạc, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Hóa.

Quy hoạch phân kỳ đầu tư, giai đoạn 2018 - 2025 tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước khu vực đô thị bảo tồn; hoàn chỉnh khu vực Bắc Sông Cấm, Vsip; xây dựng khu vực Nam Cầu Kiền, Bến Rừng, Núi Đèo và vùng phụ cận; hoàn thiện khu vực đảo Cát Hải; hoàn thiện hệ thống thoát nước các quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An.

Thách thức ô nhiễm từ chăn nuôi

Thông tin HaNoimoi, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ chăn nuôi gần 400 triệu con gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, có tới khoảng 40% chất thải chăn nuôi được xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý. Khoảng 60% còn lại dù đã được xử lý nhưng phần lớn chưa đạt quy chuẩn cho phép. Đây là những thách thức không nhỏ, gây ô nhiễm môi trường...

Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lâu nay vẫn luôn là vấn đề nóng ở khu vực có tổng đàn vật nuôi lớn như: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Sóc Sơn… Thôn Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, từ lâu nổi tiếng với nghề làm đậu phụ và nấu rượu. Tại đây, đa số các hộ gia đình đều tận dụng nguyên liệu dư thừa trong sản xuất để chăn nuôi lợn.

Tại Hội thảo “Quản lý bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi - thực trạng và giải pháp” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, sự bùng nổ về số lượng trang trại chăn nuôi với quy mô đàn lớn, trong khi công tác kiểm soát ô nhiễm chưa đồng bộ đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi có nguyên nhân do phát triển chăn nuôi chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường; các công trình xử lý chất thải ở trang trại không được đầu tư xây dựng đạt chuẩn trước khi đưa vào hoạt động... Đối với các hộ gia đình, hầu hết diện tích chật chội nên khó xây dựng được hệ thống xử lý chất thải.

Siết chặt quản lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Kinh tế & đô thị đưa tin, những năm qua, công tác thu gom, xử lý bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y được TP Hà Nội rất quan tâm. Đây được xem là giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, đất đai cho mục tiêu sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 3 xưởng sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV, 76 công ty - chi nhánh công ty và 1.256 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Kết quả điều tra tình hình buôn bán vật tư nông nghiệp trong 5 năm gần đây cho thấy, trung bình mỗi năm, Hà Nội sử dụng khoảng 400 tấn thuốc BVTV vào mục đích phòng, trừ sâu bệnh hại trong nông nghiệp.

Khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng vỏ bao bì, gói thuốc BVTV bị vứt, bỏ bừa bãi trên cánh đồng sau khi sử dụng vẫn còn khá phổ biến. Điển hình là tại các vùng sản xuất chuyên canh rau màu, hoa cây cảnh như Đông Anh, Mê Linh, Bắc Từ Liêm…

Nhằm quản lý chặt chẽ bao gói thuốc BVTV, thuốc thú y, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp, trong giai đoạn 2012 - 2015, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, các địa phương tiến hành điều tra khảo sát sơ bộ và lập danh sách 25 điểm ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu.

Năm 2016, dự án đã hoàn thành và bàn giao lại cho địa phương. Tiếp nối hiệu quả của việc thực thi chính sách nêu trên, trong giai đoạn 2017 - 2020, TP tiếp tục triển khai Dự án “Cải thiện và phục hồi môi trường tại các điểm tồn lưu hóa chất BVTV”.

Sự cố chảy chất thải quặng ra sông Bồng Miêu: Tiên Phước lo lắng về nguồn nước

Báo Quảng Nam dẫn tin, nhà máy nước Tiên Phước đóng tại thôn 7B (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) lấy nguồn nước chính từ sông Tiên. Sự cố chảy chất thải quặng ra sông Bồng Miêu đã khiến hàng trăm hộ dân sử dụng nước từ nhà máy rất lo lắng, do sông Bồng Miêu chính là đầu nguồn dẫn nước ra sông Quế Phương (xã Tiên Lập) đổ về sông Tiên.

Hơn 80% người dân ở khu vực trung tâm thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước) sử dụng nguồn nước sạch được cung cấp bởi Nhà máy nước Tiên Phước, do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam quản lý, vận hành. Từ ngày 25.2 đến nay, nguồn nước sông Tiên đột nhiên đổi màu, dòng sông trở nên đục ngầu. Cho đến khi xảy ra sự cố chảy chất thải quặng ra sông Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh), người dân Tiên Kỳ càng lo lắng hơn.

Ông Nguyễn Tuệ - Đội trưởng Đội môi trường đô thị Tiên Phước (thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam) cho rằng, đơn vị đang quản lý, vận hành Nhà máy nước Tiên Phước bình thường. Hiện nay, có 380 hộ dân và 22 cơ quan, trường học đang sử dụng nước của nhà máy cung cấp.

Khi xảy ra sự cố từ dòng sông đầu nguồn của sông Tiên, UBND huyện Tiên Phước đã có báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên & Môi trường về tình hình ô nhiễm trên sông Tiên. UBND huyện Tiên Phước đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc & phân tích môi trường (Sở Tài nguyên & môi trường) lấy mẫu nước để kiểm định.

T/H

An Nhiên

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 23/3: Thách thức ô nhiễm từ chăn nuôi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.