Thứ năm, 25/04/2024 08:59 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 26/2: Rác thải đe dọa dòng sông Lam

MTĐT -  Thứ hai, 26/02/2018 16:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù có biển cấm đổ rác nhưng rác vẫn nằm la liệt trên đường ven sông Lam đoạn qua Hưng Long - Hưng Nguyên đe dọa môi trường khu vực này.

Mương thoát nước quá bẩn

Theo báo CADN đưa tin, hàng chục hộ gia đình có nhà nằm dọc đường Nguyễn Đình Hoàng, thuộc khu vực 1, P. Nhơn Bình, TP Quy Nhơn (Bình Định) liên tục “kêu trời” vì mương thoát nước tại khu vực này quá bẩn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo phản ảnh của các hộ dân đang sinh sống ở đường Nguyễn Đình Hoàng, tuyến mương thủy lợi nằm giữa đường Nguyễn Đình Hoàng và đường số 4 rộng hơn 10m, tiêu thoát nước cho các khu dân cư nằm xung quanh Cụm công nghiệp (CCN) Nhơn Bình. Ngoài ra, không ít lượng nước trên bề mặt ở nhà kho, xưởng sản xuất của các công ty, doanh nghiệp tại CCN Nhơn Bình cũng chảy xuống tuyến mương mỗi khi trời mưa.

Nhiều năm nay, nước trong mương thường xuyên có màu đen ngòm và bốc mùi khăm khẳm, hôi tanh rất khó chịu, nhất là vào thời điểm trời nắng nóng. Bên cạnh đó, một số hộ dân thiếu ý thức, lén lút vứt rác thải, bao bì ni-lông, bàn ghế hư hỏng… xuống mương, khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước càng nghiêm trọng.

Mặt khác, thời gian gần đây, bèo lục bình phát triển khá nhiều tại tuyến mương; bèo kết hợp với các loại rác thải, bao bì ni-lông làm tắc nghẽn dòng chảy, khiến nước tù đọng nên mùi hôi thối càng nặng hơn.

Bà Trần Thị Diệp, người dân ở gần tuyến mương, than thở: “Nước trong mương luôn có màu đen; còn mùi hôi thối bốc lên từ đây theo không khí bay thẳng vào nhà, khiến ai cũng thấy khó thở, nhất là trẻ con và người già. Những lúc ăn cơm trưa, nhiều gia đình phải đóng kín cửa, nhưng mùi hôi thối vẫn “ám” vào bữa ăn”.

Cán bộ địa chính phường thì cho biết, tuyến mương chạy dọc theo đường Nguyễn Đình Hoàng là mương hở, có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khu dân cư thuộc khu vực 1 và một số khu dân cư lân cận. Mương thoát nước nằm trong CCN Nhơn Bình; ngầm bên dưới có hệ thống ống dẫn nước thải và đường ống xăng dầu nên việc nạo vét gặp không ít khó khăn.

Tuyến mương không được nạo vét thường xuyên, một số người dân thiếu ý thức vứt rác thải bừa bãi xuống mương. Các loại rác thải kết hợp với bèo lục bình phát triển dày đặc đã làm cản trở dòng chảy, khiến nước tù đọng nên tình trạng bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến người dân sinh sống xung quanh là không thể tránh khỏi.

Sương mù dày đặc gây cản trở giao thông tại Trung Quốc

Những ngày gần đây, tại nhiều địa phương của Trung Quốc xuất hiện sương mù dày đặc đã ảnh hưởng hưởng nghiêm trọng tới giao thông ở nước này.

Trong ngày 25/2, hơn 7.000 hành khách tại sân bay quốc tế ở khu tự trị Tân Cương, miền Tây Bắc Trung Quốc, đã bị nhỡ chuyến bay do sương mù dày đặc. Hơn 80 chuyến bay đã bị hoãn hoặc hủy do tầm nhìn trên đường băng chỉ ở mức dưới 200m.

Sương mù tại Trung Quốc - Ảnh: CN.

Cơ quan khí tượng nước này cho biết, tình trạng sương mù tại Tân Cương sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới. Sương mù dày đặc cũng buộc nhà chức trách phải tạm ngừng dịch vụ vận chuyển bằng phà tại eo biển Quỳnh Châu ở miền Nam Trung Quốc khiến gần 8.000 ô tô chở hàng chục nghìn hành khách bị mắc kẹt trên đảo Hải Nam.

Rác thải ngập tràn đường ven bờ sông Lam

Báo Nghệ An thông tin, đường ven sông Lam nối từ Cửa Hội lên Nam Đàn vừa là đường giao thông vừa là đường du lịch sinh thái, hộ đê. Đường đi qua các địa phương Cửa Lò, Nghi Lộc, thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn.

Nhưng từ sau Tết Nguyên đán, đoạn đường từ Nam Đàn đến Hưng Nguyên rác thải chất ngổn ngang vừa ảnh hưởng đến giao thông, vừa ảnh hưởng đến môi trường.

Được biết, mặc dù có biển cấm đổ rác nhưng rác vẫn nằm la liệt trên đường ven sông Lam đoạn qua Hưng Long - Hưng Nguyên. Ông Lê Phạm Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: Các xã của huyện Hưng Nguyên hiện hợp đồng với Công ty môi trường Hưng Nguyên một tuần thu gom rác một lần.

Có biển cấm đổ rác nhưng nơi đây lại biến thành bãi rác - Ảnh: Báo Nghệ An.

Khánh Hòa phê duyệt dự án đập ngăn mặn trên sông Cái

Theo báo Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang. Theo đó, dự án sẽ được xây dựng cách cầu đường sắt 75m về phía hạ lưu với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng.

Hàng chục năm nay, việc ngăn mặn trên sông Cái phụ thuộc vào đập ngăn mặn tạm ở xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang). Tuy nhiên, những năm gần đây, khi nắng hạn kéo dài, khi phía dưới đập xảy ra tình trạng triều cường thì nước trên đập bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho toàn TP. Nha Trang và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, vấn đề giao thông phục vụ người dân hai bên bờ sông xã Vĩnh Ngọc phụ thuộc vào cây cầu gỗ Phú Kiểng nên mỗi mùa mưa, cầu bị trôi hoặc phải tháo dỡ cầu cất đi thì người dân gặp khó khăn trong đi lại. Chính vì vậy, việc xây dựng một đập ngăn mặn kết hợp cầu phục vụ giao thông là hết sức cần thiết.

Theo Ban quản lý Dự án phát triển tỉnh, dự án đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang là công trình cấp 3, có diện tích sử dụng đất hơn 3ha. Công trình này trùng với tuyến đường vành đai 2 đã được quy hoạch, nằm cách cầu đường sắt 75m về phía hạ lưu. Phương án đã được UBND tỉnh chọn là xây dựng đập ngăn mặn dạng đập trụ đỡ, đóng mở bằng cửa van trục dưới, có âu thuyền, phía trên bố trí cầu giao thông.

Cụ thể, đập gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 30m, kết cấu bằng thép không gỉ, đóng mở bằng xilanh thủy lực. Âu thuyền được bố trí phía bờ hữu, hình chữ nhật, có chiều dài 67m. Cầu giao thông trên đập gồm 10 nhịp, mỗi nhịp dài 33m, bề rộng 26m, tổng chiều dài của cầu là 400m, bao gồm phần đường dẫn hai đầu cầu. Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng kè gia cố hai bên phía thượng lưu và hạ lưu theo dạng kè đứng; đồng thời xây nhà quản lý với diện tích 150,2m2 để phục vụ công tác quản lý điều hành.

Mô hình dự án đập ngăn mặn trên sông Cái - Ảnh: Báo Khánh Hòa.

Thanh Hóa nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường

Xác định bảo vệ môi trường (BVMT) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì vậy, nhiều năm qua, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2017 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 178 hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, phương án cải tạo, phục hồi môi trường; kiểm tra, xác nhận đăng ký 69 kế hoạch BVMT, 4 đề án BVMT đơn giản. Đôn đốc 201 đơn vị khai thác khoáng sản ký 6,58 tỷ đồng quỹ cải tạo phục hồi môi trường, thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp 207 đơn vị với số tiền 602 triệu đồng. Tổ chức giám sát môi trường tại 90/90 cơ sở sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM và đề án BVMT, qua đó, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 15 đơn vị với số tiền phạt trên 666 triệu đồng.

Đặc biệt, Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND cấp huyện, xã có liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu, hành vi vi phạm. Qua kiểm tra đã xử lý và đề nghị UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính đối 10 đơn vị, với số tiền phạt hơn 1,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được công tác BVMT vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 26/2: Rác thải đe dọa dòng sông Lam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành