Thứ tư, 24/04/2024 01:14 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 26/3: Nguồn nước sinh hoạt bị đe dọa vì khai thác titan

MTĐT -  Thứ hai, 26/03/2018 17:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ninh Thuận tiếp tục xảy ra hạn hán, nguồn nước sinh hoạt bị đe dọa vì khai thác titan ồ ạt ở Bình Thuận là một số tin môi trường trong ngày.

Ninh Thuận: Tiếp tục xảy ra hạn hán khốc liệt

Theo báo Nhân dân, đã nhiều tháng nay, hồ Ông Kinh ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải không còn nước, nhiều hồ tích nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng cạn kiệt. Nhiều gia đình phải tự bỏ tiền đào giếng để lấy nước sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và khó tránh khỏi thiệt hại khi mùa hạn đang đến gần.

Hồ Ông Kinh ở xã Nhơn Hải đã cạn khô, đất ở đáy hồ nứt nẻ nhiều nơi, hàng trăm héc-ta cây trồng “ăn” nước tưới từ hồ này đang đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng nề vì nguồn nước ngầm ngày càng khô cạn. Nhiều nông dân rủ nhau đào hố ngay lòng hồ để tìm nước cứu cánh cho mùa vụ.

Hạn hán khốc liệt tại Ninh Thuận. Ảnh minh họa: Internet.

Không chỉ tại hồ Ông Kinh, tính đến ngày 25/3, tổng dung tích nước chứa tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 193 triệu m3/194 triệu m3, đạt 71,7 % dung tích so với thiết kế. Trong khi đó, diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2017-2018 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là hơn 27,347 ha, nên việc điều chỉnh nước tưới sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Quảng Ngãi: Sạt lở núi ngày càng lan rộng

Cơn lũ hồi tháng 11/2017 gây ra sạt lở tại nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi), sự việc qua đi cũng đã được gần 5 tháng, nhưng người dân nơi đây vẫn luôn trong trạng thái lo sợ rằng hàng nghìn khối đá trên núi cao có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Hàng trăm nghìn khối đất đá đã vùi lấp đoạn đường dài gần 200m suốt 1 tháng, khiến 500 hộ dân xã Trà Xinh (huyện Tây Trà) bị cô lập hoàn toàn.

Trên ngọn núi cao, những tảng đá lớn trên vách núi cao có thể đổ xuống bất kỳ lúc nào, đe dọa tính mạng người đi đường và người dân trồng rừng ở khu vực này. Người dân khi đi qua đoạn đường này luôn trong tình trạng lo lắng, bất an.

Một số người dân bày tỏ, có việc thật sự quan trọng thì họ mới đi qua đây, mỗi khi đi qua đều phải đi rất nhanh, bởi nhìn những tảng đá treo lơ lửng trên vách núi rất đáng sợ.

Tình trạng sạt lở núi trên địa bàn huyện Tây Trà ngày càng nhiều và lan rộng. Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực khắc phục sạt lở, tuy nhiên mới chỉ chỉ xử lý được “phần ngọn”, còn khối lượng đất đá bị sạt lở rất lớn nhưng chưa đổ xuống đường, còn treo lơ lửng trên vách núi, nguy cơ đổ ụp xuống bất cứ lúc nào thì chưa xử lý được.

Bình Thuận: Khai thác titan ồ ạt gây ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của người dân

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều mỏ quặng titan đang được khai thác, phần lớn các dự án này nằm gần nguồn nước nên ít nhiều gây ảnh hưởng đến chất lượng nước canh tác và sinh hoạt của người dân nơi đây.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang có 57 dự án đăng ký đầu tư, khảo sát với diện tích trên 15.000ha nằm trong vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan.

Khai thác titan ồ ạt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước của người dân. Ảnh minh họa: Internet.

Phần lớn các khu vực quy hoạch, dự án khai thác titan đều nằm ven biển, nơi có nhiều diện tích phân bố cát rộng lớn và hạn chế nguồn nước ngọt. Tại đây chỉ có các ao, hồ có nước vào mùa mưa nhưng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, không đủ nguồn nước để phục vụ khai thác titan. Vì vậy, nếu càng nhiều khu vực được quy hoạch thì nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và canh tác của người dân càng ít và chất lượng càng bị ảnh hưởng.

Thực tế trong những năm qua đã từng xảy ra nhiều sự cố về môi trường khi khai thác. Nguồn nước ngầm chỉ đủ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, không đủ cho hoạt động khai thác titan.

Thời gian qua người dân một số nơi có mỏ titan không đồng tình với việc khai thác. Hiện nay, Bình Thuận được xác định là trung tâm khoáng sản titan với trữ lượng gần 600 triệu tấn, chiếm tới 92% tổng trữ lượng của cả nước. Tuy nhiên, hiện cả tỉnh chỉ có 3 dự án chế biến sâu các sản phẩm từ quặng titan với quy mô nhỏ (15.000 tấn/năm).

Đắk Nông: Hàng trăm hộ dân đôi bờ sông Krông Nô kêu cứu vì sạt lở

Theo CAND, từ giữa năm 2017 đến nay, hàng trăm hộ dân có nhà và đất canh tác nằm dọc bờ sông Krông Nô, huyện Krông Nô (Đắk Nông) phải luôn sống trong nỗi thấp thỏm vì bờ sông bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng mà nguyên nhân do thủy điện xả nước và nạn khai thác cát bừa bãi trên sông...

Bà Nguyễn Thị Lý (53 tuổi, trú tại thôn Quảng Hòa, xã Nâm Nđir, huyện Krông Nô) cho biết, “Nhà tôi mua mảnh đất này canh tác từ những năm 2000. Nhà có 4 miệng ăn, tất cả phụ thuộc vào đây để sinh sống. Giờ đất bị sạt lở gần hết, kêu lên chính quyền xã nhiều lần nhưng không thấy hồi âm gì. Các anh thấy đó, tàu hút cát ầm ầm như thế kia, cộng thêm mỗi khi nhà máy thủy điện xả nước về thì sao không sạt lở cho được”, bà Lý bức xúc nói.

Một đoạn bờ sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: CAND.

Lãnh đạo huyện Krông Nô cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô diễn ra từ giữa năm 2017 và ngày càng trầm trọng.

Đồng thời cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông là do tình trạng khai thác cát quá mức tập trung tại một điểm trong thời gian dài, dẫn đến lòng sông bị khoét sâu, gây sạt lở.

Chung tay bảo vệ môi trường: Phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển”

Phát huy tinh thần xung kích của thanh niên chung tay bảo vệ môi trường, 600 đoàn viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh Quảng Trị đã tham gia chương trình “Hãy làm sạch biển” năm 2018.

Theo đó, 600 đoàn viên thanh niên trong và ngoài tỉnh Quảng Trị đã tham gia dọn vệ sinh môi trường tại bãi biển Cửa Việt (Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Kết thúc chương trình, đoàn viên thanh niên đã thu dọn được hơn 5 tấn rác dọc bờ biển Cửa Việt, xóa bỏ nhiều điểm đen rác thải.

Chương trình “Hãy làm sạch biển” năm 2018 do Tỉnh đoàn Quảng Trị phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức. Thông qua chương trình, ban tổ chức mong muốn sẽ nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, chung tay thích ứng với biến đổi khí hậu cho các đoàn viên thanh niên nói riêng và cộng đồng nói chung.

Bên cạnh đó, chương trình là hoạt động ý nghĩa nhằm kỷ niệm 87 năm ngày Thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Phú Thọ: Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ở Tân Sơn

Theo báo Phú Thọ thông tin, hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Sơn đã xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch bãi chứa, xử lý rác thải tại xã Thạch Kiệt và 2 điểm xây dựng lò đốt rác xã Minh Đài, Xuân Đài.

Trước đây, do chưa có bãi chứa và xử lý rác thải nên  việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, người dân chủ yếu xử lý rác thải bằng cách tự phát, chỉ có  các xã: Thu Cúc, Lai Đồng, Minh Đài, Xuân Đài các hộ dân tự thuê phương tiện vận chuyển và đốt rác tại các điểm xa khu dân cư hoặc tự xử lý tại các lò đốt rác mi ni quy mô hộ gia đình.

Khắc phục tình trạng xử lý rác thải, huyện Tân Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân trong việc quản lý rác thải, tạo thói quen tiết kiệm, tận dụng và tái sinh chất thải để hạn chế  lượng rác thải ảnh hưởng tới môi trường.

Đồng chí Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho biết: Theo Đề án thu gom, xử lý rác thải, UBND huyện đã bố trí các xã có điểm tập kết, vận chuyển đến điểm tập trung, sau đó chuyển về khu xử lý, chế biến chất thải Trạm Thản. Hiện tại, các hộ dân tự xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp, đốt và sử dụng tối đa lò rác mi ni hộ gia đình. Toàn huyện hiện có gần 200 lò đốt rác mi ni được xây dựng bằng các nguồn xã hội hóa, người dân đối ứng đóng góp xây dựng, doanh nghiệp hỗ trợ vật liệu xi măng; gần 100 bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, trong năm 2017 đã thu gom được trên 800kg vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.

Điển hình xã Thu Ngạc là địa phương có nhiều nhất lò đốt rác mi ni, 60/gần 200 lò toàn huyện. Người dân trong xã luôn chấp hành tốt việc xử lý rác thải sinh hoạt, không gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 26/3: Nguồn nước sinh hoạt bị đe dọa vì khai thác titan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới