Thứ tư, 24/04/2024 17:13 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 3/3: Dự án bôxít Tây Nguyên nguy cơ gây ô nhiễm

MTĐT -  Thứ bảy, 03/03/2018 17:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng dự án bô xít ở Tây Nguyên đang xuống cấp và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo Vnexpress thông tin, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương đánh giá về hiệu quả đầu tư thí điểm 2 dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Than, khoáng sản (TKV) làm chủ đầu tư.

Đánh giá chủ đầu tư TKV, các nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện gói thầu dự án nhưng Bộ TN&MT lại lo ngại về chất lượng thiết bị nhà thầu, thiết bị xử lý môi trường.

"Thực tế kiểm tra sau 9 năm, các thiết bị tại Nhà máy alumin Tân Rai và tại một số hệ thống xử lý môi trường đã xuống cấp, khả năng tuổi thọ không được như mong muốn", Bộ Tài nguyên đánh giá.

Ngoài ra, các dự án bô xít này được giám sát, kiểm tra thường xuyên nhưng cơ quan quản lý môi trường vẫn cảnh báo về nguy cơ gây ô nhiễm phức tạp. Trong quá trình sản xuất alumin, dự án Tân Rai để xảy ra ba lần sự cố kỹ thuật liên quan tới chất lượng công trình, công nghệ và Nhân Cơ là 4 lần.

Dự án bô xít Tây Nguyên được đầu tư hàng chục tỷ đồng vẫn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường - Ảnh: Internet.

Tại dự án Nhân Cơ, Bộ này yêu cầu cần cập nhật các văn bản pháp lý liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, duy trì khai thác theo đúng thiết kế và tuân thủ nghiêm các yêu cầu vận hành với xưởng tuyển và hồ thải, hồ bùn đỏ...

Trước nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại dự án bô xít Tây Nguyên, Bộ T&MT đề nghị Bộ Công Thương xem xét, hướng dẫn chủ đầu tư nhanh chóng thẩm định, thiết kế các khoang hồ bùn đỏ tiếp theo ở 2 dự án này. Đồng thời chỉ đạo chủ dự án ở Nhân Cơ nhanh chóng khắc phục sự cố lún, sạt trượt phần diện tích đất gần khoang hồ bùn đỏ số 1 và 2.

Hai dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng, có công suất mỗi nhà máy 650.000 tấn alumin một năm (sau điều chỉnh).

ĐBSCL: Khô hạn và xâm nhập mặn diễn biến nhanh

Mặc dù mùa khô năm 2018 ở ĐBSCL mới bắt đầu nhưng nhiều nơi khô hạn và xâm nhập mặn đã có diễn biến nhanh.

Tại các huyện như Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành của tỉnh Kiên Giang, trong mấy ngày qua, mặn theo kênh Rạch Giá - Hà Tiên với nồng độ từ 6 - 8 phần nghìn đã xâm nhập vào hệ thống kênh nội đồng hàng chục km.

Trên 100.000ha lúa ở khu vực này đang trong thời kỳ ôm đòng, trổ, chín khiến bà con hết sức lo lắng. Vì đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm, chỉ cần vô tình bơm nước mặn từ 4 - 5 phần nghìn sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Hiện ngành nông nghiệp các tỉnh cách xa biển như An Giang, Cần Thơ cũng đang tích cực triển khai các biện pháp, đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống thủy lợi nhằm ngăn mặn, tích nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh.

Khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra nhanh ở ĐBSCL - Ảnh minh họa.

Bảo vệ "lá phổi xanh" của Thủ đô

Ý thức được tầm quan trọng của rừng đối với môi trường sống, các cấp, các ngành, chủ rừng trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ "lá phổi xanh" của Thủ đô...

Theo Hà Nội mới, thời tiết đang có nhiều diễn biến phức tạp và là thời kỳ cao điểm phát nương làm rẫy, mùa lễ hội... Nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ dễ xảy ra cháy rừng. Để chủ động trong công tác này, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phòng, chống cháy rừng mùa khô, nhất là trong thời gian diễn ra lễ hội, tập trung ở các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Mỹ Đức...

Xã Minh Quang (huyện Ba Vì) có hơn 700ha đất rừng, chủ yếu là rừng trồng, mỏng, dễ cháy. Với phương châm "bốn tại chỗ", Hạt Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương xác định phòng, chống cháy rừng luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Tại huyện Thạch Thất, các hoạt động đốt dọn thực bì trồng rừng, phát nương làm rẫy và sử dụng lửa gần các khu vực có rừng được các địa phương quản lý, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ.

Tuy vậy, công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn thành phố vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Trần Quang Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Ba Vì cho biết: "Phương tiện chữa cháy rừng trên địa bàn xã vẫn còn hết sức thô sơ, như dùng cành cây, xô chậu múc nước... dập lửa. Nếu cháy nhỏ, phát hiện kịp thời thì có thể xử lý được, nhưng nếu cháy lớn, gặp thời tiết bất lợi thì việc chữa cháy gặp nguy hiểm, khó khăn và kém hiệu quả"…

Đặc biệt, ở một số địa phương của huyện Sóc Sơn, vẫn còn có hộ dân sống trong khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng, thường xuyên bất cẩn trong việc sử dụng lửa nên nguy cơ xảy ra cháy rừng khá cao.

Tiền Giang chủ động chống xâm nhập mặn

Tỉnh Tiền Giang đã chủ động các phương án tích nước, trữ ngọt cho vùng dự án Gò Công. Đây là khu vực thường bị nước mặn uy hiếp vào mỗi mùa khô.

Do ảnh hưởng bởi triều cường Rằm tháng Giêng và gió chướng, những ngày đầu tháng 3 này, mặn đã xâm nhập vào các con sông ở Tiền Giang khoảng 20km.

Dù tình trạng xâm nhập mặn không gay gắt như năm 2016 nhưng tỉnh Tiền Giang cũng đã chủ động các phương án tích nước, trữ ngọt cho vùng dự án Gò Công. Đây là khu vực thường bị nước mặn uy hiếp vào mỗi mùa khô.

Kinh Môn (Hải Dương) có 21 cơ sở sản xuất công nghiệp có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường

Báo Hải Dương đưa tin, theo UBND huyện Kinh Môn (Hải Dương), toàn huyện hiện có 21 cơ sở sản xuất công nghiệp có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường trong xả thải làm người dân bức xúc.

21 cơ sở này sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh, chế biến than; khai thác đá vôi; sản xuất bột giấy… Các cơ sở thường xuyên bị các tổ chức, cá nhân phản ánh, gửi đơn thư kiến nghị về vấn đề môi trường.

UBND huyện Kinh Môn đã giao cơ quan chuyên môn làm việc trực tiếp, yêu cầu các cơ sở trên chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Mặc dù các cơ sở đã có biện pháp khắc phục nhưng chưa triệt để nên người dân vẫn bức xúc.

Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: Báo Hải Dương.

TP Buôn Ma Thuột nước sinh hoạt mùa khô: Đến hẹn lại… lo!

Hiện đang vào thời điểm mùa khô, người dân ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lại phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước, cúp nước sinh hoạt.

Nguồn nước Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk đang quản lý, cung cấp cho người dân TP. Buôn Ma Thuột có tổng công suất thiết kế 57.000 m3/ngày đêm, trong đó khai thác nước ngầm 50.000 m3/ngày đêm, nước mặt hồ Ea Chu Cáp 7.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, mực nước ngầm tại thời điểm này đã sụt giảm 20% so với thiết kế, nên công suất khai thác toàn hệ thống chỉ đạt 47.000 – 50.000 m3/ngày đêm, cung cấp cho 63 nghìn khách hàng trên địa bàn toàn thành phố với nhu cầu 50.000 m3/ngày đêm.

Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, công ty đã triển khai các giải pháp để hoạt động cấp nước diễn ra thường xuyên, liên tục, đồng thời thành lập Ban điều hành sản xuất, điều phối nước sạch và xử lý sự cố. Tuy nhiên, nguồn nước cung cấp cho người dân vẫn thiếu khoảng 5.000 m3/ngày đêm, do đó đã xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số địa bàn trong hai ngày 29 và 30 Tết.

Hưng Yên: Xử lý 17 trường hợp vi phạm hành chính về tài nguyên và môi trường

Trong tháng 2 vừa qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên và môi trường đối với 15 tổ chức và 2 cá nhân, như vậy từ đầu năm đến nay có 28 trường hợp xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên và môi trường, báo Hưng Yên thông tin.

Các vi phạm chủ yếu gồm: Quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định; xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường; khai thác tài nguyên trái phép, trái quy định… Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính thu nộp ngân sách nhà nước trên 1 tỷ đồng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 3/3: Dự án bôxít Tây Nguyên nguy cơ gây ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.