Thứ ba, 23/04/2024 16:58 (GMT+7)

Tin MT ngày 21/5: TPHCM xử lý 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày

MTĐT -  Thứ hai, 21/05/2018 16:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sơn La quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, Hoài Ân (Bình Định), triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường… là một số tin môi trường trong ngày.

TP HCM: Thu gom và xử lý 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày

Mỗi ngày, TP.HCM thu gom và xử lý 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt, gần 70% trong đó phải chôn lấp, còn lại áp dụng các công nghệ tái chế, làm compost và đốt.

Thông tin trên được Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. HCM đưa ra tại cuộc họp sơ kết nửa chặng đường thực hiện chương trình Hành động giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2020. Tại buổi họp, nhiều quận, huyện đã nêu những khó khăn trong việc xử lý mùi hôi phát sinh từ các trạm trung chuyển, chất lượng thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị, cần có cuộc họp chuyên đề do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố chủ trì bàn về hình thức, chất lượng thu gom và phân loại rác tại nguồn. TP. HCM hiện đang hoạt động song song thu gom công lập và dân lập, còn thiếu sự phối hợp, gây ảnh hưởng đến công tác thu gom rác.

Hoài Ân (Bình Định): Triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Theo báo TN&MT đưa tin, hai năm về trước, huyện Hoài Ân (Bình Định) là một trong các địa phương trong tỉnh xảy ra hiện tượng vứt xả rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng, với sự nỗ lực của chính quyền các địa phường, ngành chức năng và sự đồng lòng của người dân trong việc bảo vệ môi trường, nạn xả rác thải tại địa phương này đã “hạ nhiệt”.

Hiện nay, dọc các tuyến đường giao thông qua địa bàn huyện Hoài Ân, như: tỉnh lộ 629, 630; dọc các tuyến giao thông bê tông liên xã, liên thôn, xóm được “thay áo mới”, trở nên sạch sẽ, tươm tất hơn. Các bãi rác tự phát ven đường bốc mùi xú uế đã biến mất; thay vào đó là những luống cỏ xanh mướt, tạo không khí mát mẻ, trong lành.

Đặc biệt, những “điểm nóng” về nạn xả rác thải trước đây đã được “hạ nhiệt”; cảnh quan môi trường đã sạch sẽ, thoáng đãng, đảm bảo vệ sinh.

Ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Hoài Ân, cho biết: Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, các địa phương và ngành chức năng của huyện Hoài Ân tăng cường tuyên tuyên, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; không vứt rác xuống sông, suối, các khu vực công cộng. Đồng thời, thường xuyên, liên tục ra quân thu gom, dọn dẹp rác thải; tiêu độc, khử trùng, xử lý mùi hôi tại các nơi có rác thải, xác súc vật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác thải không đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, tại những “điểm nóng” về ô nhiễm rác thải trước đây, Phòng TN-MT huyện và UBND các xã, thị trấn dựng nhiều pa-nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền chủ trương, chính sách bảo vệ môi trường, như: Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Từ đó, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của đa số người dân được nâng cao.

Sơn La: Quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt

UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định 11/2018/QĐ-UBND quy định giá tối đa với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Theo đó, tại thành phố Sơn La, với cá nhân, hộ gia đình không kinh doanh, mức giá thu tối đa 4.000 đồng/nhân khẩu/tháng; hộ sản xuất kinh doanh tại các chợ thu tối đa từ 4.000-10.000 đồng/m2/tháng tùy loại chợ; với cơ quan hành chính-sự nghiệp, trường học, tổ chức chính trị xã hội, trụ sở các công ty, doanh nghiệp, mức thu tùy thuộc số lao động, biên chế quỹ lương. Bệnh viện đa khoa 2.000 đồng/giường/tháng; cơ sở khám chữa bệnh tư nhân 120.000 đồng/cơ sở/tháng. Hộ kinh doanh ăn uống từ 80.000-100.000 đồng/tháng… Nhà hàng 200.000 đồng/tháng. Hộ giết mổ đại gia súc (trâu bò) tối đa 150.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh giết mổ lợn, dê…tối đa 120.000 đồng/tháng…

Tại các huyện khác trên địa bàn tỉnh, với cá nhân, hộ gia đình không kinh doanh, mức giá tối đa 4.000 đồng/nhân khẩu/tháng; hộ sản xuất kinh doanh tại các chợ tối đa từ 3.000-8.000 đồng/m2/tháng tùy loại chợ. Nhà hàng tối đa 170.000 đồng/tháng; các bệnh viện đa khoa tối đa 2.000 đồng/giường. Hộ kinh doanh ăn uống tối đa từ 50.000-70.000 đồng/tháng… Hộ giết mổ đại gia súc (trâu bò) tối đa 120.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh giết mổ lợn, dê tối đa 80.000 đồng/tháng…

Đối tượng áp dụng của mức giá trên là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cá nhân, hộ gia đình được cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Riêng đối với cá nhân, hộ gia đình không kinh doanh thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật, mức thu được tính bằng 50% mức giá quy định.

Yên Bái: Cần sớm di chuyển điểm tập kết xe gom rác thải nằm sát trường học

Nhiều năm qua, khu vực sát trường Mầm non Bông Sen ở tổ 17, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái (Yên Bái) đã trở thành điểm tập kết rác thải, tiềm ẩn nguy cơ bị ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi của hàng trăm em học sinh.

Điểm tập kết rác thải nằm trên vỉa hè đường Yên Ninh, ngay sát trường Mầm non Bông Sen đã tồn tại được khoảng hơn 10 năm nay. Hàng ngày, cứ đến chiều tối điểm tập kết rác thải này thường xuyên có hơn 10 xe rác thu gom từ các tổ dân phố trên địa bàn phường Minh Tân tập kết về đây, với số lượng lớn sau đó mới được đưa đến nơi xử lý tập trung, khiến gia đình và nhà trường vô cùng lo lắng khi các em vui chơi ngay cạnh nơi để rác.

Anh Nguyễn Trung Hùng, phụ huynh cháu Nguyễn Trung Dũng, lớp 5A trường Mầm non Bông Sen chia sẻ: Mỗi khi đến đón con, nhìn thấy hàng loạt các xe rác mới thu gom về để ngay cạnh sân chơi của trẻ,tôi thấy lo lắng tới sức khỏe của con mình cũng như các cháu khác. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm di chuyển điểm tập kết rác ra xa trường học để giữ môi trường sạch sẽ cho các cháu, giúp các bậc cha mẹ yên tâm hơn khi gửi con tại trường.

Ngoài trường Mầm non Bông Sen, một số cơ quan, đơn vị và các hộ dân chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ khu vực này đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng của thành phố Yên Bái cần di dời bãi tập kết xe rác đến nơi khác nhưng chưa được xử lý. Với thời tiết hiện nay, nắng nóng và mưa nhiều thì mùi hôi thối từ các xe gom rác bốc lên rất nồng nặc, nước bẩn từ các xe rác rỉ xuống đường làm mất vệ sinh, rác thải phân hủy nhanh, xuất hiện các loại ruồi bọ, côn trùng gây hại tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Đồng Nai: Triển khai xây dựng mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”

Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai cho biết, tới đây mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ lựa chọn một khu dân cư bảo đảm các điều kiện để xây dựng mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Theo đó, các khu dân cư được lựa chọn xây dựng mô hình phải đảm bảo các yếu tố: có từ 200 hộ trở lên đối với vùng thành thị, từ 150 hộ trở lên đối với vùng nông thôn đồng bằng, dưới 150 hộ đối với vùng núi; có ban công tác mặt trận; một số địa phương đặc thù có thể chọn khu dân cư có đông đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số để triển khai mô hình. Các địa phương sẽ ra mắt mô hình vào ngày Môi trường thế giới 05/6/2018; cuối năm 2019 sẽ tổng kết mô hình.

Để được công nhận đạt “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, phải có trên 95% hộ gia đình đăng ký và thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất kinh doanh và cuộc sống hàng ngày; trên 90% gia đình tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường của tổ dân phố, ấp và nộp đủ các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định.

Bên cạnh đó, các khu dân cư này cần bảo đảm vệ sinh môi trường ở tất cả các tụ điểm công cộng và khu vực sinh hoạt chung; có các hình thức thu gom, phân loại rác thải do cộng đồng dân cư tự tổ chức thực hiện, đường làng ngõ xóm, phố phường sạch, đẹp, trồng cây xanh ở nơi công cộng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin MT ngày 21/5: TPHCM xử lý 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới