Thứ ba, 23/04/2024 14:40 (GMT+7)

10 sự kiện nổi bật về môi trường năm 2017

MTĐT -  Thứ năm, 21/12/2017 10:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

10 sự kiện nổi bật về môi trường năm 2017 do Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tổng hợp.

1. Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. 

Thủ tướng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (26 và 27/9) tại Cần Thơ với sự tham gia của hơn 500 đại biểu là các chuyên gia trong và ngoài nước, Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) với quy mô lớn nhất từ trước đến nay được ví như “Hội nghị Diên Hồng” bàn về quyết sách phát triển bền vững thịnh vượng cho vùng đất này với tầm nhìn đến năm 2100 với quyết tâm biến thách thức thành thời cơ. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà nói: để chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, cần giải quyết ba thách thức lớn. Thứ nhất, đó là thách thức từ quá trình phát triển, mô hình phát triển hiện tại và quá trình phát triển nội tại. Thứ hai, thách thức từ tác động phát sinh biến đổi của tự nhiên đang diễn ra. Thứ ba, thách thức, tác động từ khai thác nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn. Đó là những thách thức to lớn, mang tính sống còn. 

Điều đó cũng đặt ra với Chính phủ về việc cần có mô hình mới để ĐBSCL chủ động thích nghi. Với ĐBSCL, thời gian qua đã có rất nhiều nghiên cứu. Nhưng từ trước đến nay chưa có hội nghị nào bàn một cách toàn diện và tổng thể tất cả vấn đề của ĐBSCL. 

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thủ tướng đã đặt vấn đề ĐBSCL đang đối mặt với thách thức lớn, cần xem xét toàn diện để đưa ra được những quyết sách làm cơ sở tiền đề, làm mẫu hình lựa chọn chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL

2. Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai

Trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017, sáng 21/9, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) đã khai mạc Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11.

Hội nghị APEC về quản lý thiên tai khai mạc tại Nghệ An.

Việc tổ chức Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11 tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), nơi vừa hứng chịu cơn bão số 10 là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai, đồng thời học hỏi kinh nghiệm quý từ các nền kinh tế, làm cho năng lực quản lý rủi ro thiên tai không chỉ của Việt Nam mà các nước APEC và trên thế giới ngày càng tốt hơn.

Trong hai ngày 21-22/9, chương trình Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11 sẽ tập trung vào các vấn đề tăng cường hợp tác và đổi mới công nghệ tiên tiến hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Cụ thể, các đại biểu chia sẻ, trao đổi về công tác ứng dụng công nghệ, tăng cường thông tin truyền thông và hợp tác liên vùng đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ để tăng cường hiểu biết chung về thiên tai “bình thường mới” (khái niệm "bình thường mới” hay "new normal" được sử dụng để phản ánh việc tình hình thiên tai hiện nay ngày càng phức tạp và không thể dự đoán trước cả về tần xuất, cường độ và mức độ tàn phá) và những rủi ro thiên tai đang diễn ra xung quanh.

3. Năm 2017: Những con số kinh hoàng của một năm nhiều siêu bão

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhận định năm 2017, thiên tai liên tục xảy ra và gây thiệt hại khắp cả nước. Trong đó, bão số 12 là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm đã đổ bộ vào nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người, cơ sở hạ tầng và sản xuất kinh doanh.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi 14 cơn bão, nhiều đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất làm 386 người chết và mất tích, tổng thiệt hại lên đến 60.000 tỷ đồng, trong đó cơn bão số 12 và mưa lũ sau bão đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Nam Trung Bộ, làm 123 người chết và mất tích, 342 người bị thương, 3.550 nhà bị sập, Hơn 165.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó hơn 3.500 nhà bị thiệt hại hoàn toàn. Bão gây ngập lụt nhà cửa, lúa, hoa màu và cây ăn quả, hư hại nhiều công trình đê điều, giao thông… với thiệt hại ước tính trên 22.600 tỷ đồng.

Sau bão lũ, công tác khắc phục, tái thiết cuộc sống đã được thực hiện cấp bách. Chính phủ và nhân dân đã nỗ lực khắc phục hậu quả, đã cấp hơn 4.400 tấn gạo, 700 tấn lúa giống, 200 tấn ngô giống.

Hơn 4,2 triệu người ở miền Trung bị ảnh hưởng do tác động của cơn bão số 12, mưa lũ sau bão ảnh hưởng nặng nề cho nhóm người dễ bị tổn thương. Kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp 7,3 triệu đôla Mỹ từ Chính phủ Hàn Quốc, Liên bang Nga, New Zealand, Mỹ… đảm bảo cho an ninh lương thực, nguồn nước, vệ sinh môi trường.

4. Lũ quét, lũ ống, sạt lở và trận mưa lũ lịch sử ở miền núi Phía Bắc

Năm 2017, tiếp tục là một năm thiên tai vô cùng khốc liệt, diễn ra ở hầu khắp các vùng miền trên cả nước. Tổn thất về thiên tai vẫn còn rất lớn với 386 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng, làm đình trệ sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta.

Đợt mưa lũ lịch sử tại miền Bắc và Bắc miền Trung hồi tháng 10 gây thiệt hại thảm khốc. Con số thiệt hại mỗi ngày “dâng lên” theo nước lũ. Tính đến ngày 26/11/2017, đã có 17/19 tỉnh đã tổ chức triển khai; 1.274.673 hộ gia đình được khảo sát ở khu vực thường chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở đất, trong đó có 83.868 chỗ ở kém an toàn, 5.176 chỗ ở cần di dời khẩn cấp.

Đánh giá tình hình thiên tai năm 2017, đại điện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, năm nay xu thế thiên tai ngày càng thể hiện tính dị thường và trái quy luật khi có 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây đổ bộ vào các tỉnh Trung Bộ; mưa lớn trái mùa tại miền Bắc làm Hồ Hòa Bình lần đầu tiên phải xả cấp tập 8 cửa xả đáy trong thời gian chưa đầy 1 ngày; 

Lũ đặc biệt lớn tại các tỉnh Trung Bộ làm mực nước các sông lên cao xấp xỉ mức lịch sử; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Đặc biệt 2 trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc để lại những hậu quả rất nặng nề và mất mát vô cùng to lớn về người và tài sản của nhân dân, nhất là ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Yên Bái. 

Trận mưa lũ lịch sử ở các tỉnh miền núi Phía Bắc đã khiến 68 người chết (tăng 8 người so với báo cáo ngày 13/10), 34 người mất tích và 32 người bị thương. Những hình ảnh 4 ngôi nhà của xóm Khanh, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình bị vùi lấp hoàn toàn sau trận sạt lở kinh hoàng, đã cho thấy phần nào sự thảm khốc do trận mưa lũ lịch sử này gây ra.

Mưa lũ còn làm 221 nhà bị sập đổ hư hỏng; 46.177 nhà bị ngập; 2.298 nhà phải di dời khẩn cấp.

5.28 doanh nghiệp bị đưa vào diện kiểm soát môi trường đặc biệt

“Bộ Tài nguyên và Môi trường khi thực hiện Đề án kiểm soát đặc biệt về môi trường đã rà soát, đưa 28 doanh nghiệp vào diện kiểm soát đặc biệt, trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Formosa, Núi Pháo, Bauxit Tây Nguyên…” Thông tin trên vừa được ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, diễn ra trong ngày 27/11, tại Hà Nội. 

Đề án nêu rõ 6 loại hình doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao, như doanh nghiệp trong lĩnh vực xi măng, nhiệt điện, khai thác khoáng sản… Ngoài ra, đề án cũng xác định bộ tiêu chí để từ đó xác định những loại hình có phát sinh chất thải gây ô nhiễm bởi các tiêu chí: quy mô, công suất có tầm ảnh hưởng rộng; vị trí đặt dự án; công nghệ sản xuất; công tác kiểm soát của dự án. Bên cạnh đó, đề án cũng đề cập đến tiêu chí rà soát dự án ngay từ khâu cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường…để có giải pháp phòng ngừa. 

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, có đến 80% các khu công nghiệp vi phạm các quy định về môi trường. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội Quốc gia nói những vụ ô nhiễm môi trường trong những năm gần đây đã gây cản trở tăng trưởng kinh tế, khiến Việt Nam mất khoảng 0,6% GDP hàng năm từ nay cho đến năm 2020.

6. Lễ Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2017 tại Việt Nam

Tối 25/3/2017, đồng loạt 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất bằng hành động biểu trưng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện trong 1 giờ từ 20h30 đến 21h30. Đây là sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Đến nay, có 172 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố đã tham gia hưởng ứng Chiến dịch.

Tại Hà Nội, Lễ Tắt đèn hưởng ứng Giờ trái đất 2017 diễn ra tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám (quận Hoàn Kiếm). Chiến dịch Giờ trái đất 2017 đã được các tỉnh, thành phố trên cả nước hưởng ứng rất mạnh mẽ với nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng và giàu ý nghĩa. “Hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2017, Việt Nam đã khẳng định nỗ lực của người dân trong các cam kết bảo vệ môi trường, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng hiện tại và tương lai; khẳng định Việt Nam mong muốn xây dựng một nền kinh tế theo hướng xanh và phát triển bền vững.

Chiến dịch Giờ Trái đất 2017 tại Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương chỉ đạo, dưới sự tổ chức của Tổng cục Năng lượng cùng sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Daikin Việt Nam, Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn. Trong đó EVN là nhà tài trợ đồng hành của Chiến dịch trong 9 năm liên tiếp.    

7. Ô nhiễm không khí - vấn đề đáng báo động hiện nay

Theo xếp hạng trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, cả hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM đã và đang nằm trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí của khu vực châu Á và thế giới.

Tình trạng bụi bẩn và ô nhiễm không khí trên diện rộng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhưng mức độ quan tâm của công chúng và dư luận về vấn đề này, theo nhiều chuyên gia về môi trường thì vẫn còn chưa đạt được sự quan tâm đúng tiêu chuẩn.

Hồi giữa tháng 7/2017, Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố hiện trạng môi trường quốc gia 2016 với chuyên đề “Môi trường đô thị”. Thông tin cho thấy, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nổi cộm và trở thành sức ép đối với sự phát triển. Bụi vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Nhiều loại khí độc như: NO2, O3, CO có dấu hiệu vượt quy chuẩn. Nồng độ NO2 có xu hướng tăng trong các năm gần đây đặc biệt vào giờ cao điểm tại các nút giao thông tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn tại Hà Nội, TP.HCM...

Chỉ tiêu kiểm tra tình trạng không khí không đạt tiêu chuẩn cho phép, thậm chí đạt tới mức nguy hại cao cho sức khỏe, trong đó lượng bụi lơ lửng đang là nhân tố gây ô nhiễm nghiêm trọng hàng đầu trên địa bàn.

Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, những đánh giá về mức độ ô nhiễm không khí do Phó GS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên – Môi trường, người đã nghiên cứu chất lượng không khí trong suốt gần 10 năm qua báo động: TP.HCM đang là một Bangkok (Thái Lan) của 20 năm trước.

Từ năm 2030-2050 biến đổi khí hậu sẽ gây thêm 250.000 ca tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và sốc nhiệt. Đây là cảnh báo của phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Y tế tại cuộc họp nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh với chủ đề Tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe tại Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/10. 

8. Hà Nội chi 30 tỷ đồng làm sạch Hồ Gươm

Đảng ủy Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương về nạo vét Hồ Gươm (Hoàn Kiếm) theo đề xuất của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, khi hồ này bị cạn nước và ô nhiễm môi trường. 

Thời gian nạo vét dự kiến cuối năm 2017. Nguồn kinh phí cho việc nạo vét dự kiến khoảng 30 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. 

Để thực hiện nạo vét bùn với khối lượng dự kiến khoảng 57.400m3, phương án thi công được đưa ra là giữ nguyên mực nước không bơm cạn hồ, nạo vét toàn bộ lòng hồ đến cao độ +5.60m để đảm bảo không bị sạt lở kè xung quanh hồ, kè Tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn. Phạm vi nạo vét đảm bảo cách mép chân kè các công trình trên là 7,0m.

Cùng với đó, thanh thải phế thải trong phạm vi từ mép chân kè ra ngoài 7,0m, thanh thải toàn bộ rác, các loại phế thải. 

Về biện pháp thi công nạo vét, sử dụng dây chuyền C2 cải tiến gồm máy xúc đặt trên ponton xúc bùn lên phễu chứa máy bơm bùn công suất 40-60m3/h để bơm bùn lên các xe téc bùn qua hệ thống ống dẫn bùn nằm trên hệ phao nổi; bố trí 2 mũi thi công, mỗi mũi sử dụng 1 dây chuyền C2 cải tiến, thi công song song từ hướng nam lên hướng bắc. 

Ngoài ra, trong quá trình thi công sẽ thu gom rác, phế thải quanh bờ bằng thủ công cho lên thuyền, xúc lên phương tiện trung chuyển (xe bùn cống ngang), trung chuyển về điểm tập kết; dùng xe thùng kín (xe cẩu bùn cống ngang) vận chuyển về bãi đổ quy định.

9. Ứng dụng công nghệ trong thoát nước, chống ngập, quản lý chất thải nguy hại và ngành năng lượng

Công ty Thoát nước Hà Nội đã đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước tự động trong công tác tiêu thoát nước và chống ngập trên địa bàn. Tình trạng úng ngập của Hà Nội đã cải thiện đáng kể. Với những thiết bị giám sát thoát nước hiện đại nhất, các thông số về lượng mưa, mức độ ngập, lưu lượng nước... đều được cập nhật tự động liên tục 24/24 giờ. Đặc biệt, từ tháng 1/2017, các thông số từ Trung tâm đã được liên kết với cổng thông tin điện tử của TP để người dân có thể truy cập, biết các điểm úng ngập để phòng tránh khi tham gia giao thông. 

Ngoài ra, theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, hệ thống thoát nước của 12 quận đã được số hóa và cập nhật lên bản đồ hệ thống thoát nước trên nền tảng GIS. Các thông số cơ bản của hệ thống thoát nước được cập nhật đầy đủ và là cơ sở để kiểm soát, đánh giá khả năng úng ngập cũng như lên kế hoạch duy tu, quản lý và lập dự án cải tạo các công trình chống úng ngập cục bộ. Với việc số hóa bản đồ hệ thống thoát nước, giờ đây chỉ cần "nhấp chuột", người dùng có thể biết chính xác trên từng tuyến phố cụ thể có bao nhiêu mét cống, đường kính cống to hay nhỏ, hướng chảy về đâu, có bao nhiêu ga thoát nước... 

Đan Mạch đã ký một tuyên bố chung với chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh.

Chương trình Hợp tác Năng lượng mới giai đoạn 2017-2020, với tổng số vốn hỗ trợ kỹ thuật trị giá 21,6 triệu cua-ron Đan Mạch (khoảng 3,5 triệu USD). Kể từ năm 1994 Đan Mạch dành hơn 1,3 tỉ USD (không hoàn lại) nhằm hỗ trợ phát triển cho Việt Nam. Thông qua sự hỗ trợ này, Đan Mạch đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam. 

Việc này đòi hỏi phải tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển và thực hiện các chiến lược, chương trình và kế hoạch hành động của Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh. Đan Mạch và Việt Nam đồng ý khuyến khích việc sử dụng chuyên môn và công nghệ của Đan Mạch đối với các lĩnh vực năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, nước, và xử lý rác thải. 

Tiếp theo đó, Đan Mạch đã hỗ trợ Việt Nam trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với mục tiêu giảm khoảng 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng.

Trong việc quản lý chất thải, Sở TN&MT thành phố Hải Phòng đưa vào ứng dụng phần mềm tin học để quản lý chất thải nguy hại (CTNH). Phần mềm này giống như một ngân hàng dữ liệu lưu trữ các sổ đăng ký chủ nguồn thải, giấy phép chủ vận chuyển, chủ xử lý và thông tin liên quan vào hệ thống văn bản, chứng từ. Dữ liệu được liên thông, liên kết với nhau qua mạng internet phục vụ việc trao đổi thông tin giữa chủ nguồn thải, đơn vị vận chuyển, xử lý CTNH với cơ quan quản lý. 

Trên cơ sở đó, Sở TN&MT thành phố sẽ thông báo yêu cầu các chủ nguồn CTNH phối hợp với các chủ xử lý, chủ hành nghề quản lý CTNH trên địa bàn thành phố thực hiện kê khai chứng từ điện tử trực tuyến khi chuyển giao CTNH.

10. Lần đầu tiên có giải thưởng vinh danh người làm nghề vệ sinh môi trường

Giải thưởng Cây chổi vàng ra đời với mục đích tôn vinh nhưng người làm nghề vệ sinh môi trường. Tiêu chí giới thiệu và xét chọn giải thưởng bao gồm những công nhân vệ sinh môi trường có hoàn cảnh khó khăn nhưng có thành tích lao động xuất sắc; những gia đình công nhân mà nhiều thế hệ, hoặc cả 2 vợ chồng đều làm công việc thu gom, vận chuyển rác, với những thân phận đặc biệt; những công nhân có con cái vượt khó, học giỏi, hoặc bản thân là lao động giỏi, trở thành nhân tố mới, có tác dụng cổ vũ, động viên mọi người; những công nhân vệ sinh môi trường là nhân vật được báo chí phát hiện, có số phận mang tính điển hình, tích cực và sự đồng cảm của cả cộng đồng xã hội ... 

Cơ cấu giải thưởng: Gồm 63 giải thưởng có giá trị cho 63 gương mặt tiêu biểu: - 32  “Chổi Đồng ” trị giá mỗi giải 1 triệu đồng + Túi quà Tết; - 20 “Chổi Bạc” trị giá mỗi giải 01đồng bạc trắng + 2 triệu đồng+ túi quà tết; - 10 “Chổi Vàng” trị giá mỗi giải 01 chỉ vàng 9999 + Túi quà Tết; - 01 “Chổi Kim Cương” trị giá 01 cây vàng (lượng vàng) 9999 + Túi quà Tết. Mỗi giải thưởng đều có Bằng chứng nhận của Ban Tổ chức, kèm theo xác nhận giá trị vàng, bạc của một Công ty vàng bạc đá quý.

Thời gian giới thiệu và đề cử Cây chổi vàng Đinh Dậu 2017 sẽ xong trước 15/12/2017; Hội đồng xét chọn sẽ làm việc từ ngày 20/12/2017 và sẽ tổ chức trao giải vào ngày 26 tháng 1 năm 2018 tại Hà Nội

Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là đơn vị tổ chức.

Bạn đang đọc bài viết 10 sự kiện nổi bật về môi trường năm 2017. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới