Thứ sáu, 19/04/2024 01:21 (GMT+7)

10 sự kiện tiêu điểm về lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2020

MTĐT -  Thứ ba, 29/12/2020 17:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2020 được giới chuyên gia đánh giá là năm thiên tai bất thường, cực đoan nhất trong lịch sử ở cả 3 miền... Mời độc giả cùng điểm lại 10 sự kiện ngành tài nguyên-môi trường do VietnamPlus lựa chọn.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thiên tai bất thường, cực đoan nhất trong lịch sử xảy ra ở trên cả 3 miền; Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường với nhiều điểm mới mang tính đột phá - là hai trong số 10 sự kiện tiêu điểm về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong năm 2020.

1. Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi

Theo đó, Luật gồm 16 chương, 171 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Với Luật này, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; luật quy định tăng cường tham vấn và phát huy vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Luật cũng đã có những quy định quan trọng như kiểm toán môi trường, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm sóa dự án có tác động xấu đến môi trường mức độ cao; giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí...

2. Năm thiên tai bất thường, cực đoan nhất trong lịch sử ở cả 3 miền

Ngay từ ngày đầu Tết Nguyên đán 2020, mưa đá, dông lốc đã trút xuống dữ dội ở nhiều tỉnh thành miền Bắc. Mùa khô thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn xảy ra sớm, lấn sâu và kéo dài nhiều ngày đã vượt năm hạn mặn được coi là khốc liệt kỷ lục đã ghi nhận năm 2016.

Năm 2020 được xem là một năm thiên tai bất thường, cực đoan, gây ảnh hưởng nặng nề. (Ảnh: TTXVN phát)


Trong khi mùa mưa, khúc ruột miền Trung phải hứng chịu chuỗi đa thiên tai liên tiếp và dồn dập. Trong vòng 42 ngày, khu vực này đã chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi 6 cơn bão và 1 cơn áp thấp nhiệt đới. Trong đó, bão số 9 là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây; bão kéo theo mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến cao gấp 3-5,5 lần so với trung bình nhiều năm, nhiều điểm vượt giá trị lịch sử; lũ lớn xảy ra hầu khắp các sông trên toàn quốc.

Đáng chú ý, ngập lụt sâu diện rộng và kéo dài nhiều ngày và gây sạt lở ở miền Trung đã làm 249 người chết, mất tích; khoảng 50.000ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; hơn 4,5 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 149.000ha rừng bị ảnh hưởng; nhiều cơ sở hạ tầng và công trình dân sinh bị hư hỏng nặng.

3. Ô nhiễm không khí tiếp tục xấu với hàng loạt “cảnh báo đỏ”

Trong năm 2020, ô nhiễm không khí trên cả nước vẫn tiếp tục gia tăng cả về không gian và thời gian, đặc biệt là các tháng mùa mùa Đông.

Qua theo dõi kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc không khí tự động, cho thấy từ nửa cuối tháng 10 trở về đây, chất lượng không khí có diễn biến xấu hơn so với những tháng trước đó, đặc biệt trong đầu tháng 11 và đầu tháng 12 đã xuất hiện một số đợt ô nhiễm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị phía Bắc.

Ô nhiễm không khí tiếp tục diễn biến "xấu." (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)


Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI ngày tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy có khá nhiều ngày ô nhiễm không khí phổ biến ở ngưỡng “cảnh báo đỏ” - chất lượng không khí xấu; thậm chí một số thời điểm còn hiển thị ngưỡng màu nâu, cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe; giá trị thông số bụi mịn PM2.5 thường cao nhất vào buổi đêm vào sáng sớm.

4. Hoàn thành vượt mốc “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam”

Năm 2020 đã hoàn thành vượt mốc Chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” và khởi động Chương trình phát triển 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn mới.

Mảng xanh đang dần hình thành từ những hàng đước non do Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam và Vinamilk trồng tại ven sông Chà Và, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Nguồn: Vietnam+)


Đến nay, cây xanh đã được tăng cường phù hợp tại 20 địa phương với hơn 1,1 triệu được trồng, hướng đến việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc; tăng cường không gian xanh khu vực công cộng, trường học, khu văn hóa lịch sử, du lịch, đô thị lớn…

5. Hoàn thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật

Thực hiện Quyết định của Hội nghị COP21, từ năm 2017, Việt Nam đã chủ động, tích cực thực hiện đầu tư các nguồn lực, mở rộng hoạt động quốc tế để hoàn thành cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Norton Rose Fulbright)

Theo đó, năm 2020, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đệ trình NDC cập nhật, được Ban Ban Thư ký Công ước và các tổ chức, đối tác quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, trong bối cảnh phức tạp, đầy thách thức do đại dịch COVID-19 và các hoạt động phát triển, Việt Nam là một trong số ít các nước cam kết thực thi tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Trong năm nay, cộng đồng quốc tế cũng đánh giá cao Việt Nam tham gia khởi xướng về quản lý các chất fluorocacbon và làm mát hiệu quả nhằm bảo vệ tầng ozone và NDC cập nhật.

6. Nhà khoa học nữ ngành tài nguyên và môi trường được quốc tế vinh danh

Phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân, công tác tại Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng thứ 23/100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2020 do Tạp chí Asian Scientist bình chọn với nhiều công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu, xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, phát triển bền vững.

Phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Phương Anh)


Phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân cũng là một trong 10 nhà khoa học của nước ta được Asian Scientist bình chọn đến thời điểm hiện nay.

7. Bàn giao xong giai đoạn I mặt bằng Cảng hàng không Long Thành

Qua 2 năm phối hợp tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm đếm, đo đạc, xác định nguồn gốc đất, tiến hành thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cơ bản đã hoàn thành 5.000 hécta đất cho Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: ACV cung cấp)


Đến cuối tháng 10/2020, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện đúng cam kết với Chính phủ bàn giao gần 2.600ha diện tích mặt bằng; trong đó có 1.810ha thuộc giai đoạn 1 để tiến hành thi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, vượt gần 800ha, tương đương 43% kế hoạch Chính phủ; Quốc hội giao…

8. Công bố thành lập 2 Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước

Trong năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đây là 2 khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cấp tỉnh đầu tiên được thành lập theo quy định Luật Đa dạng sinh học năm 2008; khẳng định cam kết và trách nhiệm của Việt Nam tham gia quốc gia thành viên Công ước về bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar…

Quang cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)


Trong đó, vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai với hệ đầm phá bán khép kín lớn nhất khu vực Đông Nam Á với diện tích gần 22.000 hécta, là thủy vực nước lợ điển hình, đa dạng cao về hệ sinh thái và thành phần loài gồm: 1.296 loài sinh vật, trong đó có 41 loài quý hiếm, có loài thuộc sách đỏ Việt Nam.

9. Hoàn thành giai đoạn I dự án trọng điểm tìm kiếm nguồn nước

Trong bối cảnh mùa khô thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn xảy ra sớm, lấn sâu và kéo dài vượt năm hạn mặn khốc liệt kỷ lục năm 2016, ngành tài nguyên và môi trường đã điều tra, tìm kiếm được nguồn nước lớn dưới đất, với trữ lượng ổn định tại 189 vùng của 36 tỉnh; góp phần cung cấp nước sinh hoạt, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững...

Đã tìm kiếm được nguồn nước lớn dưới đất, với trữ lượng ổn định tại 189 vùng của 36 tỉnh. (Ảnh: TTXVN)


Như vậy, ngành tài nguyên và môi trường đã hoàn thành giai đoạn I Dự án trọng điểm quốc gia “Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” thuộc Chương trình Chính phủ.

Cũng trong năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời bàn giao 13 cụm công trình đảm bảo tiêu chuẩn, cấp nước sinh hoạt miễn phí tại 9 tỉnh thuộc khu vực trọng điểm dồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, qua đó góp phần giúp các địa phương ứng phó tốt tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán.

10. Dịch COVID-19: Rác thải được xử lý an toàn “từ gốc tới ngọn”

Đại dịch COVID-19 đã khiến những sản phẩm, vật dụng phục vụ công tác phòng chống, xét nghiệm và chữa bệnh tại các bệnh viện và các khu vực cách ly như khẩu trang, ống dây chuyền, kim tiêm tăng vọt so với năm trước. Sự gia tăng về số lượng bệnh nhân và số người phải cách ly trong giai đoạn đầu xuất hiện dịch cũng đồng nghĩa với việc gia tăng lượng rác thải y tế, nhất là rác nguy hại.

Công tác phun xịt khử khuẩn các thùng chứa chất thải đảm bảo được làm thường xuyên và liên tục. (Ảnh: VH/Vietnam+)


Để bảo đảm an toàn, nhiều khu cách ly, bệnh viện, các đơn vị thu gom, khu xử lý chất thải đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình giao nhận, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại bằng biện pháp đốt, đảm bảo rác thải được xử lý an toàn từ gốc tới ngọn./.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Bạn đang đọc bài viết 10 sự kiện tiêu điểm về lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.