Thứ sáu, 19/04/2024 10:20 (GMT+7)

10 thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất thế giới

MTĐT -  Thứ hai, 03/06/2019 11:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong số 10 thành phố ô nhiễm PM 2.5 nhất năm 2018 xếp hạng theo toàn cầu thì có tới 7 thành phố ở Ấn Độ.

Ô nhiễm không khí ước tính sẽ gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu trong năm tới, cùng với thiệt hại kinh tế gần 225 tỷ USD. IQAir AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á đưa ra dữ liệu mới nhất về tình trạng ô nhiễm bụi (PM2.5) trong Báo cáo Chất lượng Không khí Toàn cầu 2018 và Bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Báo cáo nhấn mạnh sự phát tán rộng rãi nhưng không đồng đều của ô nhiễm bụi PM2.5 và các hạn chế trong tiếp cận thông tin của công chúng.

Thành phố Gurugram, nằm ở ngoại ô thủ đô New Delhi của Ấn Độ, là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo tổ chức Hòa bình xanh. (Ảnh minh họa).

Dưới đây là 10 thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất thế giới năm 2018:

1. Gurugram, Ấn Độ

Thành phố Gurugram, nằm ở ngoại ô thủ đô New Delhi của Ấn Độ, là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo tổ chức Hòa bình xanh và trang web xếp hạng chất lượng không khí AirVisual.

Cụ thể, Gururam có chỉ số chất lượng không khí trung bình (AQI) là 135,8 vào năm 2018 - cao gấp 3 lần so với mức mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) coi là lành mạnh.

Trong hai tháng năm ngoái, AQI tại Gurugram - được đo bằng hàm lượng tiêu chuẩn của các hạt trôi nổi trong 1m3 không khí, hay còn được gọi là bụi PM 2.5 - đã ở mức trên 200. EPA đánh giá chỉ số này là "rất không lành mạnh" và cảnh báo rằng "mọi người có thể gặp phải tình trạng sức khỏe nghiêm trọng" nếu tiếp xúc với không khí bên ngoài.

2. Ghaziabad, Ấn Độ

Thành phố Ghaziam có chỉ số các hạt bụi mịn PM 2.5 là 135,2 microgram/mét khối vào năm 2018, chỉ thấp hơn ở thành phố Gurugram 0,3 microgram/mét khối và đứng thứ 2 thế giới về chỉ số bụi mịn PM 2.5.

3. Faisalabad, Pakistan

Chỉ số chất lượng không khí trung bình (AQI) của thành phố Faisalabad là 130.4 microgram/mét khối vào năm 2018. Những năm trước đây, Pakistan luôn đứng đầu danh sách các nước ô nhiễm không khí nhất thế giới. Với dân số hơn 200 triệu dân, ô nhiễm không khí đô thị ở Pakistan đã khiến hàng chục ngàn người nhập viện và hàng ngàn trường hợp viêm phế quản mãn tính ở người lớn.

Mức độ ô nhiễm không khí ở Pakistan gần đây chỉ được công khai thông qua mạng lưới giám sát chất lượng không khí do cộng đồng thiết lập trên toàn quốc.

4. Faridabad, Ấn Độ

Đây là thành phố lớn nhất và đông dân nhất của bang Haryana và tiếp giáp với thủ đô New Delhi. Giao thông đông đúc chỉ là một trong những yếu tố khiến mật độ hạt bụi mịn PM2.5 trong không khí Faridabad lên tới mức 129,1 microgram/mét khối.

Báo cáo chất lượng không khí toàn cầu 2018 của IQAir AirVisual. (Nguồn greenidvietnam.org.vn).

5. Bhiwadi, Ấn Độ

Thành phố Bhiwadi đứng thứ 5 trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí trung bình (AQI) là 125.4 microgram/mét khối. Theo các chuyên gia thì mọi chỉ số cao hơn 100 đều được coi là có hại cho sức khỏe.

Cơ quan kiểm soát ô nhiễm trung ương đã phải kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp như đóng cửa các nhà máy, các công trường xây dựng tại các khu vực bị ô nhiễm nặng, đồng thời kêu gọi người dân tránh sử dụng xe chạy bằng dầu diesel.

6. Noida, Ấn Độ

Chỉ số chất lượng không khí trung bình (AQI) của thành phố Noida chỉ thấp hơn tại thành phố Bhiwadi rất ít. Mật độ hạt bụi mịn PM2.5 trong không khí trung bình năm 2018 của thành phố Noida là 123,6 microgram/mét khối cao hơn so với mức khuyến nghị của WHO.

7. Patna, Ấn Độ

Là một thành phố cổ rộng lớn nằm bên bờ sông Hằng, Patna rất ồn ào và luôn trong tình trạng tắc nghẽn giao thông, với mật độ hạt PM2.5 trong không khí là 119.7 microgram/mét khối.

Theo báo cáo này, ô nhiễm không khí có thể là nguyên nhân gây ra khoảng 7 triệu ca chết sớm trên toàn cầu vào năm tới. (Ảnh minh họa)

8. Hotan, Trung Quốc

Hotan là một đô thị trên ốc đảo sa mạc và nằm ở phía bắc dãy núi Côn Lôn. Những năm gần đây, Hotan đang dần cải thiện hơn về chất lượng không khí, tuy nhiên chỉ số bụi mịn PM 2.5 vẫn còn cao (trung bình là 116.0 microgram/mét khối năm 2018), có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

9. Lucknow, Ấn Độ

Lucknow nổi tiếng với kiến trúc Mugahl và những tòa nhà từ thời thực dân, nhưng những công viên của thành phố không đủ để đưa nơi này "thoát" khỏi top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Bầu không khí của thành phố có mật độ hạt PM2.5 bình quân là 115,7 microgram/mét khối.

10. Lahore, Pakistan

Thành phố Lahore của Pakistan có chỉ số ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 trung bình năm 2018 là 114.9 microgram/mét khối, xếp thứ 10 trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.

Trong số hơn 3000 thành phố được thống kê, 64% vượt quá mức khuyến cáo phơi nhiễm hàng năm của WHO (10μg / m3) đối với bụi mịn, còn được gọi là bụi PM2,5. Các thành phố được theo dõi ở Trung Đông và Châu Phi đều vượt quá mức khuyến cáo này, trong khi 99% các thành phố ở Nam Á, 95% các thành phố ở Đông Nam Á và 89% các thành phố ở Đông Á cũng vượt quá mức này. Do vẫn còn nhiều khu vực thiếu thông tin cập nhật về chất lượng không khí và vì một số lý do không được trình bày trong báo cáo này, nên tổng số thành phố vượt quá ngưỡng bụi PM2.5 của WHO dự kiến sẽ cao hơn nhiều.

Cần có thêm các trạm giám sát chất lượng không khí công khai ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi đang thiếu hụt thông tin. Thông tin về chất lượng không khí công cộng theo thời gian thực là cần thiết không chỉ để tạo điều kiện cho người dân ứng phó với điều kiện hiện tại để bảo vệ sức khỏe, mà còn là nền tảng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy hành động để phòng ngừa ô nhiễm không khí trong dài hạn.

MTĐT

Bạn đang đọc bài viết 10 thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?