Thứ sáu, 19/04/2024 04:33 (GMT+7)

5 sự kiện tác động đến môi trường

Lê Quỳnh (ghi) -  Thứ hai, 08/01/2018 09:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Nguyễn Việt Dũng, PGĐ Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), cho rằng có 5 vấn đề nổi bật khi nhìn lại môi trường sống năm 2017, qua quan sát thực tiễn, dư luận và chính sách của nhà nước

Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng:

Thứ nhất, năm 2017 chúng ta tiếp tục chứng kiến các hệ lụy xã hội phức tạp, tiềm ẩn các rủi ro gắn liền với thảm họa môi trường biển miền Trung có liên quan đến Formosa; hay thậm chí ở quy mô nhỏ như tranh chấp sử dụng đất ở Đồng Tâm, Hà Nội, bất chấp các nỗ lực can thiệp mạnh mẽ từ phía chính quyền.

Thứ hai, là thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do lũ quét, ngập lụt, bão. Hệ lụy này, không chỉ do thiên tai hay biến đổi khí hậu, mà còn do các nguyên nhân chủ quan đã được nhấn mạnh nhiều năm nay: hệ thống rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy giảm, các dòng chảy tự nhiên của sông suối bị chặn bởi các công trình thủy điện, yếu kém trong vận hành xả lũ liên hồ chứa.

Thứ ba, các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM ngày càng phải đối mặt với môi trường sống đang trở nên kém hơn, do ô nhiễm không khí ở mức độ cao, triều cường dâng, thực phẩm bẩn; trong khi vấn đề xử lý rác thải nông thôn, làng nghề vẫn tiếp tục là các vấn nạn chưa thể giải quyết có hiệu quả.

Thứ tư, tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng và đa dạng sinh học trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng phòng hộ ven biển, đang đứng trước sức ép suy giảm do xu hướng đầu tư phát triển hạ tầng du lịch đại trà, kém bền vững và kém minh bạch trong quá trình quy hoạch và ra quyết định, như trường hợp Sơn Trà, Cát Bà và vùng duyên hải miền Trung...

Thứ năm, các lựa chọn đầu tư phát triển chiếm dụng nhiều đất như công nghiệp ven biển, nông nghiệp tập trung, thậm chí kể cả năng lượng tái tạo như điện mặt trời, cũng tiềm ẩn nguy cơ về tranh chấp quy hoạch, mâu thuẫn sử dụng đất và bất ổn xã hội trong tương lại do không đảm bảo an toàn về môi trường - xã hội.

Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2017, nhưng từ đầu tháng 1/2019 mới có hiệu lực thực hiện. Trong khi đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, kiến nghị sửa đổi một số quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường và có thể cả Luật Đa dạng sinh học, Luật Thuế bảo vệ môi trường, tài nguyên...

Như vậy, năm 2018 Chính phủ và các bộ ngành sẽ phải tiếp tục thúc đẩy quá trình thể chế hóa, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật nói trên. Đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ hóa, tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, văn bản dưới luật nói trên vẫn là một thách thức khó khăn.

Đổ bùn cát nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống khu bảo tồn Hòn Cau.

Để tránh môi trường, tài nguyên tiếp tục bị xâm hại, chúng ta chờ đợi vai trò chỉ đạo, điều phối liên bộ liên ngành hiệu quả hơn của Chính phủ, trong quá trình xây dựng, giám sát và ban hành các chính sách, pháp luật liên quan.

Các tuyên bố của lãnh đạo đất nước “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” và quyền môi trường quy định trong Hiến pháp 2013 cần trở thành nguyên tắc cốt lõi, được áp dụng rõ ràng, cụ thể trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách.

Ống khói Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đang hoạt động.

Các lợi ích kinh tế to lớn từ bảo tồn, khai thác dịch vụ môi trường, hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước, đa dạng sinh học, hấp thụ carbon cần được tính toán, lồng ghép trong các lựa chọn và thiết kế chính sách môi trường và phát triển. Quá trình nói trên cần đảm bảo công khai, minh bạch, huy động được sự tham gia đầy đủ của khối tư nhân/doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng khoa học”.

Bãi thải xỉ than nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Một vụ cháy lớn tại ống khói Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) hôm 7/3/2017.

Bạn đang đọc bài viết 5 sự kiện tác động đến môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.