Thứ sáu, 19/04/2024 19:01 (GMT+7)

60% khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai

MTĐT -  Thứ bảy, 14/07/2018 21:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thống kê về khiếu nại tố cáo, có đến trên 60% liên quan đến đất đai, vì thế việc xây dựng khung quy định cũng như thể chế trong quản lý đất đai là một điều rất quan trọng.

Công tác quản lý đất đai là vấn đề nóng

Trong những năm gần đây, công tác quản lý đất đai ở Việt Nam đang ngày càng được quan tâm. Công tác xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về đất đai có thể nói đã được xây dựng bài bản với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ.

Để phù hợp với thực tiễn, hệ thống văn bản pháp luật về đất đai liên tục được sửa đổi bổ sung. Lần sửa đổi gần đây nhất là “sửa đổi Luật Đất đai năm 2013” với rất nhiều sự cố gắng để đưa các tình hình thực tiễn trong công tác quản lý đất đai ở Việt Nam cũng như tiếp cận với phương pháp, cách thức quản lý đất đai của quốc tế vào Luật.

Phát biểu tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kinh tế đất đai hôm 13/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Lần đầu tiên ở Việt Nam đã chuyển từ phương pháp quản lý đất đai theo kế hoạch hóa sang quản lý đất đai dần tiếp cận theo cơ chế thị trường - đó là điểm hết sức quan trọng trong công tác này. Cùng với đó là đồng bộ các giải pháp như: công tác quy hoạch, kế hoạch, hình thành các cơ sở dữ liệu đất đai… đã giúp công tác đất đai ngày càng đi vào quy củ, khoa học.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, theo thống kê về khiếu nại tố cáo, có đến trên 60% liên quan đến đất đai, vì thế đến thời điểm này, công tác quản lý đất đai vẫn đang là vấn đề nóng. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai tới đây phải trên tinh thần làm sao cho công tác quản lý đất đai không chỉ sát, phù hợp với cơ chế thị trường mà cần phải theo cơ chế thị trường…

Bên cạnh đó, về vấn đề giá trị của kinh tế đất đai, bên cạnh giá trị bất động sản, thì còn là môi trường, là điều kiện và nền tảng để chúng ta có thể đầu tư mang lại giá trị lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, đất đai phải được sử dụng hiệu quả cho hôm nay và dành không gian và các giá trị đất đai lâu dài cho các thế hệ tương lai.

Vậy công tác quy hoạch đất đai ra sao? Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai như thế nào? Cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai ra sao?... đó là những vấn đề cần được xem xét một cách tổng thể.

Ý kiến chuyên gia trong giải quyết vướng mắc về đất đai

Bà Kathrine Kelm - Chuyên gia cao cấp về đất đai - Trưởng nhóm công tác hỗ trợ về sửa đổi Luật đất đai của WB cho biết: Việc xây dựng khung quy định cũng như thể chế trong quản lý đất đai là một điều rất quan trọng để có thể xây dựng phát triển đô thị cũng như nông thôn trong phát triển cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường giá trị tài sản cũng như quản lý tài nguyên một cách bền vững.

Ngân hàng Thế giới cũng đã huy động một nhóm chuyên gia hàng đầu và đa ngành để có thể hỗ trợ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 thông qua việc cung cấp các phân tích và kinh nghiệm toàn cầu như: Kinh tế đất đai, tài chính đất đai, định giá đất đai, định giá đất và thuế tài sản…

“Hy vọng chúng tôi sẽ cung cấp cho Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường các kinh nghiệm quốc tế, đồng thời sẽ thông tin đến Việt Nam các báo cáo và khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới có liên quan đến sửa đổi  Luật Đất đai năm 2013” - bà Kathrine Kelm nói.

Bà Kathrine Kelm - Chuyên gia cao cấp về đất đai - Trưởng nhóm công tác hỗ trợ về sửa đổi Luật đất đai của WB tại hội thảo.

Về vấn đề trên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: Luật Đất đai 2013 hiện nay đã đi vào thực tiễn và công tác quản lý đất đai đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 vẫn còn đó những bất cập, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai cũng còn khá phổ biến. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai là nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội…

Nhiều chuyên gia về đất đai trong và ngoài nước tham gia góp ý tại hội thảo.

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kinh tế đất đai, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã trình bày các báo cáo nhằm xây dựng và góp ý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Một số báo cáo vô cùng thiết thực như: “Định giá và hình thành giá đất. Kinh nghiệm của một số nước trên Thế giới về định giá đất và điều tiết giá trị tăng thêm từ đất” do TS. William McCluskey - chuyên gia Ngân hàng Thế giới trình bày;

“Kinh tế học đất đai - những vấn đề cấp bách và nội dung phục vụ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai” - do GS.TSKH Đặng Hùng Võ trình bày.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ trình bày bản báo cáo trước hội thảo.

Bên cạnh đó có các báo cáo như: “Cơ sở kinh tế của chính sách đất đai” – do PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày;

“Kinh nghiệm của Nhật Bản về vấn đề kinh tế đất đai” - do TS. Yamashita Masayuki - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà thẩm định giá BĐS Nhật bản trình bày;

"Hệ thống thuế tài sản tại Pháp” - do ông Stephan Gil – Giám đốc Experties Pháp trình bày;

“Vấn đề về xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính và tiếp cận đất đai của doanh nghiệp” - do ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiện hội BĐS TP.HCM trình bày…

Sau khi nghe các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế và trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định những bài tham luận, các câu hỏi chất vấn của các đại biểu tham dự Hội nghị đã đưa ra được những vấn đề thực tế mà hiện nay Việt Nam đang vướng mắc.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đất đai dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội vào năm 2019. 

Thứ trưởng mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia nước người, các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam cùng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn thiện được dự thảo luật sửa đổi bổ sung những điều còn bất cập của Luật Đất đai 2013 và giải quyết được những tồn tại hiện nay.

MTĐT

Bạn đang đọc bài viết 60% khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...