Thứ tư, 24/04/2024 01:00 (GMT+7)

Ai xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn

MTĐT -  Thứ sáu, 05/06/2020 09:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định ai xả nhiều rác hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay.

Theo TTXVN, tại cuộc gặp gỡ báo chí để trao đổi về việc những điểm mới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được lấy ý kiến diễn ra ngày 3/6, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Trong đó, chức năng quản lý được giao cho nhiều Bộ cùng chịu trách nhiệm như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng…

Ở địa phương, cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND cấp tỉnh về vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt có nơi là Sở Tài nguyên và Môi trường, có nơi lại là Sở Xây dựng. Việc này dẫn đến công tác quản lý về chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vấn đề chất thải rắn sinh hoạt có nơi, có lúc trở thành điểm nóng về an ninh, chính trị.

Cùng với đó, hiện nay chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; chưa có các cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, dẫn đến khối lượng phát sinh ngày một nhiều.

“Luật hiện hành chưa quy định theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền dẫn đến không khuyến khích việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, đồng thời không khuyến khích việc phân loại chất thải tại nguồn”, ông Hiền cho biết.

Khắc phục những hạn chế đó, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định theo hướng ai xả nhiều chất thải rắn sinh hoạt hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay.  Cụ thể, tại điều 79 của dự thảo đưa ra quy định về kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính dựa trên khối lượng phát sinh.

"Việc này sẽ thúc đẩy người dân giảm thiểu lượng chất thải phát sinh vì rõ ràng việc phát sinh ít chất thải hơn đồng nghĩa với việc phải trả ít tiền hơn”, ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết.

Mặt khác sẽ đưa ra quy định khuyến khích người dân phân loại chất thải rắn tại nguồn thành 5 loại: Chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại chất thải theo quy định.

Chính quyền địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội và công nghệ xử lý chất thải đang áp dụng để đưa ra các quy định cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT), thực tế việc thu phí xử lý chất thải sinh hoạt ở Hà Nội, TP.HCM hiện nay theo các hình thức hộ gia đình, đầu người, mới chỉ mang tính chất "hỗ trợ", còn kinh phí xử lý rác thải gần như ngân sách vẫn chi là chủ yếu.

"Thu phí xử lý chất thải sinh hoạt dựa trên khối lượng nhiều nước đã áp dụng. Kinh nghiệm quốc tế là theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, ai xả rác nhiều, ai gây ô nhiễm nhiều thì phải trả tiền nhiều.

Vì vậy, dự thảo luật đưa ra nguyên tắc thu phí xử lý chất thải dựa trên khối lượng để khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân giảm thiểu chất thải. Đây cũng là động lực về kinh tế để các hộ gia đình, cá nhân tự giảm chi phí thông qua việc chủ động phân loại rác thải tại gia đình" - ông Hùng nói.

Ông Phan Tuấn Hùng cho biết việc xác định khối lượng rác sẽ thông qua các mẫu túi có kích cỡ 3-5-10kg.

Chính những loại túi chứa dạng bao bì này sẽ là cân để xác định khối lượng rác, giá từng loại bao bì là đã trả cho khối lượng rác chứa trong bao bì rồi.

Tương tự, mức phí ở Hà Nội có thể cao hơn, mức phí ở Bắc Kạn có thể  thấp hơn và mức phí sẽ theo xu hướng tăng dần. "Ví như tại Hàn Quốc mức phí thu ban đầu chỉ bằng 10%, sau 5 năm đến nay tiền thu từ bán bao bì chứa rác đã tương ứng với 60% kinh phí xử lý rác thải" - ông Hùng dẫn chứng.

Theo ông Hùng, mức phí theo khối lượng sẽ do HĐND cấp tỉnh quy định, mức phí cao, thấp sẽ tuỳ theo khả năng hỗ trợ về kinh tế trong xử lý chất thải của từng địa phương.

Theo báo Dân trí, trả lời về tính khả thi của quy định này, ông Nguyễn Thượng Hiền thừa nhận, trước đây đã từng có những doanh nghiệp tổ chức phân loại rác hữu cơ, vô cơ nhưng phương tiện vận chuyển chỉ có 1 xe nên “thay vì phân ra lại trộn vào”.

Vì thế, dự thảo luật đã quy định giao UBND tỉnh đồng bộ về hạ tầng. “Nếu phân loại ra rồi mà không đồng bộ về hạ tầng thì việc này không phù hợp, tốn kém nguồn lực của nhà nước và người dân. Đây là vấn đề rất khó, phải có lộ trình. Để triển khai thành công, đầu tiên phụ thuộc rất nhiều ý thức của người dân. Ý thức của người dân nâng cao thì việc phân loại rác thải sẽ dễ đi vào cuộc sống nhanh hơn”- ông Hiền nhận định.

 Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Ai xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới