Thứ bảy, 20/04/2024 09:06 (GMT+7)

Ấn Độ: 4 triệu người thu gom rác nguy cơ thành ‘bom hẹn giờ’ COVID

MTĐT -  Chủ nhật, 03/05/2020 14:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại thành phố Faridadbad thuộc bang Haryana của Ấn Độ, chiếc xe tải thu gom rác chạy quanh một khu dân cư kêu gọi người dân rửa tay sạch sẽ và không ra khỏi nhà trong thời gian phong toả vì COVID-19.

Anh Ashok, một công nhân thu gom rác nhanh chóng xuống xe và bấm chuông cửa của từng gia đình. Nhiều người dân không đeo gang tay mang rác ra đổ, trong khi những người khác đứng trên ban công ném rác trực tiếp xuống chiếc xe tải.

Đây là lần đầu tiên Ashok được trang bị găng tay và khẩu trang. Thông thường, anh đi thu gom rác cùng một đồng nghiệp của mình, nhưng kể từ khi lệnh phong toả có hiệu lực, anh phải thực hiện nhiệm vụ một mình. Ashok rất lo cho sức khoẻ của mình và sợ hãi khi công việc này có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 rất cao.

Rác thải trên khắp Ấn Độ được xử lý bởi khoảng 1,5 đến 4 triệu người thu gom rác, bao gồm những công nhân không chính thức và nhân viên nhà nước. Nhiều người trong số họ phải đến tận nơi để thu gom rác tại các khu dân cư, doanh nghiệp, trung tâm thương mại và các bệnh viện. Họ phải làm việc mà không được trang bị bất kỳ thiết bị bảo hộ nào.

Một người thu gom rác thải ở Faridabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Ashok và nhiều công nhân xử lý rác thải khác luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro mắc bệnh khi tại Ấn Độ, việc xử lý chất thải y sinh thường không hiệu quả, bất chấp các quy định thu gom và xử lý được đề ra. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng virus SARS-CoV-2 đã mang đến một loạt thách thức mới.

Rác thải từ hầu hết các hộ gia đình ở Ấn Độ thường được phân loại bởi những người thu gom rác, ngay cả khi một số lượng lớn bệnh nhân mắc COVID-19 và người nghi ngờ mắc bệnh phải cách ly tại nhà. Những rác thải như khăn giấy, khẩu trang, và nhiều thiết bị y tế khác cùng đều được thải ra các thùng rác thông thường.

Công nhân thu gom rác ngồi trong một chiếc xe chở rác thải từ các trung tâm cách ly và bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Mumbai. Ảnh: AP

Điều này có nghĩa là những người nhặt và thu gom rác sẽ phải tiếp xúc với chất thải y sinh hàng ngày, chúng không được phân loại dựa theo nguồn gốc, bà Bharati Chaturvedi, người sáng lập và Trưởng nhóm hành động và nghiên cứu môi trường Chintan, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì những người thu gom rác trên toàn Ấn Độ, cho biết.

“Chúng tôi phải khẳng định rằng rác thải y tế, nếu được thải ra từ hộ gia đình, rất nguy hiểm. Rác thải không phải là thứ vô trùng. Hơn nữa, khi người dân vệ sinh các bề mặt trong gia đình của họ, bìa giấy, nhựa và giấy họ vứt đi vẫn có khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2”, theo bà Chaturvedi.

Vào tháng 3, Ủy ban kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ (CPCB) đã đưa ra chỉ dẫn bổ sung về việc xử lý, tiêu huỷ và loại bỏ rác thải trong quy trình điều trị, chẩn đoán và cách ly đối với các bệnh nhân mắc COVID-19. Đối với các trạm cách ly và chăm sóc tại nhà cho các bệnh nhân bị nghi ngờ mắc bệnh, CPCB khuyến nghị nên thu gom chất thải y sinh trong các túi màu vàng và thùng đựng rác thải này phải được giao cho người thu gom được uỷ quyền.

Tuy nhiên, các hộ gia đình không nhận thức được sự cần thiết của việc phân loại rác và họ cũng không có đủ phương tiện để làm điều đó, khiến những chỉ dẫn này trở nên khó tuân theo.

Xe thu gom rác xếp hàng chờ đợi tại trạm xăng ở New Delhi. Ảnh: Bloomberg

Vấn đề này không hoàn toàn chỉ diễn ra trong các hộ gia đình bởi Ấn Độ không có thành tích tốt về xử lý rác thải y sinh, ngay cả tại các bệnh viện và cơ sở y tế.

Vào năm 2018, đất nước này đã thải ra 608 tấn chất thải y sinh mỗi ngày, trong đó chỉ có 87% được xử lý. Trong cùng năm đó, 27.427 trường hợp vi phạm các quy tắc phân loại rác thải của chính phủ đã được báo cáo. Bao gồm việc trộn lẫn chất thải y sinh với chất thải thông thường, chất thải bệnh viện thải ra bất hợp pháp trên đất nông nghiệp và tuỳ tiện xử lý đốt các loại thuốc đã quá hạn. Bà Chaturvedi cho rằng điều này làm dấy lên nỗi sợ hãi virus SARS-CoV-2 lây lan ra cộng đồng.

Bác sĩ Jugal Kishore, trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng tại Bệnh viện Safdarjung, đã nhận thấy lượng chất thải y sinh đã tăng lên rất nhiều kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo ông, các bệnh viện lớn hơn đang vô cùng cẩn thận xử lý chất thải từ các khu vực có người mắc COVID-19, nhưng tại các cơ sở nhỏ hơn và bên ngoài thành phố, họ không chú ý đến điều này.

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), vào cuối tháng 3, hàng đống rác thải y tế, bao gồm khẩu trang bỏ đi, quần áo bảo hộ, mũ và kim tiêm được phát hiện vứt bừa bãi ở New Delhi. Cùng tháng đó, một người đàn ông ở Mumbai đã bị bắt giữ vì gom 100.000 chiếc khẩu trang đã qua sử dụng với ý định bán lại chúng. Tại thành phố Pune, bang Maharashtra, khẩu trang của hơn 2.000 người cách ly tại nhà đã được tìm thấy vứt bỏ trong các thùng rác hộ gia đình và được công nhân vệ sinh địa phương thu gom lại.

“Rất cần thiết khi chúng ta hiểu rằng những người thu gom gác sẽ phải tiếp xúc trực tiếp với chất thải y sinh bởi tính chất công việc của họ và những quy tắc chưa được đồng bộ. Vấn đề không phải là thiếu chỉ dẫn, mà là làm thế nào để thu gom rác bảo vệ hàng triệu mạng sống”, bà Chaturvedi nói.

Khu ổ chuột Govandi của Mumbai nằm cạnh bãi rác thải. Ảnh: SCMP

Trong khí đó tại New Delhi, Sahana Khatun và chồng của cô, cả hai đều là công nhân thu gom rác, đã không thể làm việc kể từ khi lệnh phong toả có hiệu lực.

“Rác thải chất đống bên ngoài ngôi nhà của chúng tôi. Tôi không thể đi thu gom rác và chồng tôi cũng vậy. Chúng tôi không có việc làm và cũng có nguy cơ không thể nuôi nổi những đứa con mình”, cô nói.

Khi lệnh phong toả kết thúc, Khatun hy vọng đứa trẻ lớn nhất trong số 4 đứa con của cô, đứa bé 10 tuổi, sẽ làm việc cùng cô ở bãi rác. Viễn cảnh nhiễm virus SARS-CoV-2 khiến cô sợ hãi, nhưng họ vẫn phải làm việc để nuôi sống gia đình mình.

“Tôi rất lo cho con của mình nếu chúng mắc bệnh và chết đi. Nhưng nếu chúng tôi không làm việc để mua thức ăn, thì chúng tôi cũng sẽ chết đói”, cô Khatun chia sẻ.

Theo báo Tin tức

Bạn đang đọc bài viết Ấn Độ: 4 triệu người thu gom rác nguy cơ thành ‘bom hẹn giờ’ COVID. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam