Thứ sáu, 19/04/2024 02:09 (GMT+7)

Bãi rác Đa Phước: Vì sao VWS bị cảnh báo yếu năng lực vẫn được chọn?

Hoàng Minh - Minh Tuấn -  Thứ tư, 11/07/2018 13:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù Bộ KH&ĐT chỉ rõ năng lực tài chính của VWS còn yếu, chi phí xử lý rác quá cao so với dự án tương tự đã cấp phép nhưng UBND TP.HCM vẫn kiên quyết lựa chọn VWS và tham mưu Chính phủ.

Theo hồ sơ vụ việc, vào tháng 1/2005 Công ty CWS có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) và dự án khả thi gửi UBND TP.HCM.

Ngay khi nhận được hồ sơ của VWS, ngày 3/2/2005, Bộ KH&ĐT đã có công văn số 11/BKH/ĐTNN gửi các Bộ, ngành và UBND TP.HCM để lấy ý kiến về Dự án theo Khoản 1, Điều 109 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP.

Toàn cảnh bãi rác Đa Phước - nỗi kinh hoàng của người dân Nam TP.HCM. (ảnh Trần Phong)

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, ngày 12/7/2005, Bộ KH&ĐT đã có công văn số 4665BKH/TĐ&GSĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tại công văn số 4665BKH/TĐ&GSĐT kiến nghị: “Tồn tại chủ yếu của Dự án là nguồn tài chính chưa rõ và yêu cầu trả phí xử lý rác quá cao (16,4USD/tấn rác) so với Dự án đã được cấp phép vào tháng 5/2005 của Tập đoàn Lemna, Hoa Kỳ (5USD/tấn rác); Năng lực tài chính của chủ đầu tư (CĐT) yếu, không đảm bảo vốn triển khai dự án, do vậy Dự án không đủ điều kiện đề nghị cấp phép”.

Cùng ngày 12/7/2005, UBND TP.HCM đã có Công văn số 4122/UBND-DA gửi Bộ KH&ĐT. Tiếp đó, ngày 1/8/2005 UBND TP.HCM có công văn số 4624/UBND-ĐT gửi Bộ KH&ĐT. Đồng thời, CWS kèm tài liệu bổ sung Dự án ngày 24/8/2005 gửi Bộ KH&ĐT có cùng nội dung đề nghị cấp phép cho CWS thực hiện dự án.

Cho rằng việc cấp phép cho CWS không khả thi, Bộ KH&ĐT tiếp tục có công văn số 7334BKH/TĐ&GSĐT ngày 24/10/2005 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó Bộ KH&ĐT kiến nghị: “Việc xử lý rác thải của TP.HCM là rất bức bách, trong điều kiện hiện nay việc huy động nguồn vốn nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên, qua phân tích về ý kiến của UBND TP.HCM và các nội dung giải trình từ CĐT cho thấy, năng lực tài chính đối với Dự án đầu tư của CĐT còn yếu, chi phí xử lý rác quá cao so với dự án tương tự đã cấp phép.

Nếu xét các điều kiện TP.HCM đã giải trình và cam kết về giá xử lý rác, về vốn ứng trước thì hiệu quả của Dự án vẫn hạn chế so với các dự án đã có và các phương án có thể lựa chọn”.

Một phần trong báo cáo 246/BC-TTCP của Thanh tra Chính phủ cho rằng CWS năng lực yếu.

Mặc dù Bộ KH&ĐT đã chỉ rõ những yếu kém về năng lực tài chính, giá xử lý rác quá cao, tính hiệu quả không cao của Dự án do CWS thực hiện nhưng UBND TP.HCM vẫn có động thái kiên quyết xin cho CWS thực hiện.

Cụ thể, UBND TP.HCM có các công văn số 7071/UBND-ĐT ngày 2/11/2005 và công văn số 7279/UBND-ĐT ngày 10/11/2005 báo cáo Thủ tướng Chính phủ thể hiện việc kiên quyết chọn CWS làm chủ đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Sau khi xem xét các đề nghị của Bộ KH&ĐT, ý kiến của UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan về việc thực hiện dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến tại công văn số 6869/VPCP-QHQT ngày 25/11/2005 của Văn phòng Chính phủ.

Tại công văn số 6869/VPCP-QHQT nêu rõ: “Đồng ý về nguyên tắc thực hiện dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, với những nội dung cơ bản được Bộ KH&ĐT báo cáo và kiến nghị của UBND TP.HCM.

Bộ KH&ĐT khẩn trương xử lý các vấn đề cụ thể về cấp giấy phép đầu tư cho Dự án theo quy định của pháp luật hiện hành, góp phần tạo điều kiện để thúc đẩy việc thực hiện dự án đúng tiến độ, đáp ứng yều cấp thiết về xử lý rác thải của TP.HCM.

UBND TP.HCM chịu trách nhiệm về các cam kết của mình trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án”.

Một phần trong báo cáo 246/BC-TTCP cho rằng trách nhiệm chính thuộc về UBND TP.HCM.

Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn chỉ đạo và căn cứ vào hồ sơ, Bộ KH&ĐT đã cấp giấy phép đầu tư số 2535/GP ngày 28/12/2005 cho CWS thực hiện dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Tuy nhiên, với việc kiên quyết lựa chọn CĐT không đủ cả năng lực về tài chính, thực hiện dự án không hiệu quả của UBND TP.HCM đã và đang gây nên rất nhiều hệ lụy về môi trường cho người dân khu Nam TP.HCM.

Liên quan tới các vấn đề người dân phản về việc đầu tư dự án bãi rác Đa Phước, tại báo cáo kết quả số 246/BC- TTCP ngày 27/2/2017 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân liên quan tới Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước đã chỉ rõ trách nhiệm của UBND TP.HCM trong việc lựa chọn CĐT.

Báo cáo kết quả số 246/BC- TTCP nêu rõ: “Trong quá trình thẩm định Dự án, Bộ KH&ĐT đã có các văn bản cho rằng năng lực tài chính đối với Dự án đầu tư của CĐT còn yếu, chi phí xử lý rác quá cao so với dự án tương tự đã cấp phép, nhưng UBND TP. HCM vẫn kiên quyết lựa chọn, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa xử lý đầy đủ các vấn đề mà Bộ KH&ĐT đã nêu.

Trách nhiệm này thuộc về UBND TP.HCM cần phải tiến hành kiểm điểm đối với tổ chức và cá nhân để rút kinh nghiệm”.

Người dân tại khu vực các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7 bức xúc cho hay, do liên tục phải hứng chịu mùi hôi thối xuất phát từ bãi rác Đa Phước khiến sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều người dân phải chuyển đi nơi khác sinh sống.

Nhiều người dân tại khu Nam TP.HCM thẳng thắn phản ánh, chính sự thiếu năng lực trong thẩm định và cố chấp trong việc lựa chọn nhà đầu tư của UBND TP.HCM đang khiến người dân phải hứng chịu hậu quả.

Do dó, người dân tại khu Nam TP.HCM mong mỏi các cơ quan có thẩm quyền, sớm xử lý vấn đề ô nhiễm tại bãi rác Đa Phước. Đồng thời làm rõ những “bất thường” trong việc kiên quyết lựa chọn CĐT không đủ năng lực tài chính, giá thành xử lý rác quá cao Dự án bãi rác Đa Phước của UBND TP.HCM.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Bạn đang đọc bài viết Bãi rác Đa Phước: Vì sao VWS bị cảnh báo yếu năng lực vẫn được chọn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.