Thứ tư, 24/04/2024 09:33 (GMT+7)

Bao giờ Hà Nội mới hết cảnh đốt rơm rạ?

MTĐT -  Thứ năm, 04/06/2020 16:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày này, trên khắp các cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội đang mù mịt khói, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ô nhiễm môi trường và tiềm ảnh nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Theo báo KTĐT, những ngày này, trên các cánh đồng của huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì… trở thành "biển lửa và khói" do đốt rơm rạ gây ra. Và từ những cánh đồng ấy, khói lửa theo gió bao trùm nhiều vùng quê, cộng với thời tiết nắng nóng, khiến không khí trở nên ngột ngạt.

Mặc dù TP. Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ xử lý để không còn rơm rạ đốt bỏ ngoài đồng ruộng sau thu hoạch. Thế nhưng cứ hễ đến mùa gặt là khắp các cánh đồng tại các huyện ngoại thành Hà Nội lại bị bao phủ bởi màn khói đặc quánh do đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ô nhiễm môi trường và tiềm ảnh nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi năm TP. Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Hình ảnh được ghi nhận tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, như: Thanh Trì, Phúc Thọ, Quốc Oai...

Cánh đồng ngoại thành Hà Nội mù mịt khó từ việc đốt rơm rạ. Ảnh: Internet.

Trước đây, người dân gặt xong nông dân thường mang rơm rạ về sân nhà đánh đống để trâu, bò ăn, ủ phân hoặc làm chất đốt. Tuy nhiên, giờ đây việc đồng áng cày cấy sử dụng máy móc. Nhà nông không còn nhu cầu sử dụng rơm rạ nữa. Vì thế, gặt xong để một thời gian cho rơm rạ khô họ đốt ngay tại cánh đồng.

Tuy nhiên, đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Theo Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, khi rơm rạ bị đốt cháy, thành phần C,H,O sẽ biến thành khí CO2, CO và hơi nước; protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2… và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện.

Cũng theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, làm đất biến chất, chai cứng hơn. Ngoài ra, khói sinh ra từ quá trình đốt ngoài trời còn gây khói mù và ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt trên các đoạn đường giao thông.

Giải pháp nào?

Ông Cao Duy Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, để thực hiện lộ trình hạn chế tiến tới không đốt rơm rạ 2017-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã hướng dẫn 20 quận, huyện, thị xã lập giải pháp hạn chế đốt rơm rạ, trong đó ưu tiên việc dùng chế phẩm sinh học xử lý lượng phụ phẩm này làm phân bón.

Năm 2019, UBND thành phố và UBND các huyện, thị xã hỗ trợ chi phí xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học Fito - Biomix - RR theo diện tích đã được UBND các quận, huyện, thị xã đã đăng ký. Tổng mức hỗ trợ từ các cấp là 40% và người dân tự chi trả 60% kinh phí. Tuy nhiên, đến tháng 6-2019, mới chỉ có 9/19 quận, huyện, thị xã đã đăng ký diện tích xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học này.

Người dân đốt rơm rạ dọc QL 21. Ảnh: TTXVN.

Một số huyện như Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mê Linh, Sóc Sơn đã sử dụng nguồn kinh phí  từ Hội nông dân hoặc của huyện hỗ trợ người dân sử dụng một số loại chế phẩm sinh học khác như AT-YBT, EM, Emic... Tuy nhiên, các loại chế phẩm sinh học này lại chưa được UBND thành phố chấp thuận sử dụng trong lộ trình hạn chế tiến tới không đốt rơm rạ giai đoạn 2017-2020.

Trao đổi với ĐS&PL, PGS.TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng viện Môi trường nông nghiệp cho biết, nhiều năm qua, Viện đã nghiên cứu những dự án tận dụng rơm rạ thay cho việt đốt của người dân như hiện nay.

Giải pháp đầu tiên người nông dân cần làm là sử dụng chế phẩm sinh học CNX - thành phần trichoderma spp để phân hủy gốc rạ. Sử dụng 250g sản phẩm trộn đều với 1-2 kg lân, rải đều ruộng hoặc ủ thì rơm, rạ phân hủy nhanh, nền ruộng xốp, mặt nước trong, ít có hiện tượng váng đỏ, đất mềm, tỉ lệ lúa chết lúc mới gieo. Lúa sinh trưởng phát triển tốt.

Tiếp đến, hiện nay các trang trại chăn nuôi bò sữa thiếu rơm rạ, nếu thu thập rơm rạ lên men thì rất tốt cho gia súc. Người dân nên tận dụng điều này.

Ngoài ra, còn 1 giải pháp rất khoa học với thời đại hiện nay, đó chính là biến rơm rạ thành than sinh học.Người nông dân có thể dùng làm phân bón ruộng cho cây trồng.

“Nếu được, trong tương lai gần, mô hình sản xuất than sinh học này sẽ được triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương khác trong cả nước. Những lò đốt than sinh học có quy mô lớn dự kiến sẽ được đặt tại các nơi công cộng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện sau mỗi vụ mùa thu hoạch. Than phân hủy chậm, lưu trữ 5-10 năm, trong than có độ pH tốt có thể khử chua, phèn trong đất”- ông Trịnh cho hay.

“Chúng tôi đã thí nghiệm trên ruộng bạc màu của nông dân tại Sóc Sơn, chỉ trong 2 năm (4 vụ) đất xấu đã chuyển thành đất có độ phì tương đương với đất phù sa sông Hồng, năng suất cao lên, hàm lượng dinh dưỡng tốt. Khả năng chống chịu sâu bệnh tốt”- PGS.TS Trịnh lấy dẫn chứng.

 Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Bao giờ Hà Nội mới hết cảnh đốt rơm rạ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới