Thứ năm, 18/04/2024 23:08 (GMT+7)

Bất cập cơ chế xử lý tro xỉ

MTĐT -  Thứ tư, 13/01/2021 15:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định nhằm tái chế, tái sử dụng tro, xỉ bay. Tuy nhiên, đang có sự bất cập giữa doanh nghiệp xử lý là doanh nghiệp phát sinh tro xỉ.

Cơ chế tái chế tro xỉ

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 25 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động, phát thải ra tổng lượng tro, xỉ khoảng 13 triệu tấn/năm, trong đó tro bay chiếm từ 80 - 85%. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc, chiếm 65%, miền Trung chiếm 23% và miền Nam chiếm 12% tổng lượng thải.

Trong số này, lượng tro xỉ phát thải từ 13 nhà máy nhiệt điện than thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 8,57 triệu tấn, chiếm 64% tổng lượng phát thải của cả nước. Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) có 6 nhà máy  với lượng tro, xỉ phát thải là 2,05 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng phát thải và 1 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 0,784 triệu tấn chiếm khoảng 6% tổng lượng tro xỉ phát thải. Cùng với đó là 5 nhà máy của các chủ đầu tư BOT và các chủ đầu tư khác phát thải khoảng 2 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng phát thải của cả nước.

Nhằm tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh việc xử lý sử dụng tro, xỉ, thạch cao ngày, ngày 12/4/2017 Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng (Quyết định số 452/QĐ-TTg).

Trong đó nêu rõ: Mục tiêu chung đến năm 2020 phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất.

Cụ thể, đến năm 2020 xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích luỹ (khoảng 75 triệu tấn, bao gồm 56 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện; 2,5 triệu tấn thạch cao FGD; 16,5 triệu tấn thạch cao PG) trong đó: Đối với tro, xỉ nhiệt điện: Làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng khoảng 14 triệu tấn; thay thế một phần sét để sản xuất clanhke xi măng khoảng 8 triệu tấn; thay thế một phần sét để sản xuất gạch đất sét nung khoảng 7 triệu tấn; làm phụ gia khoáng cho sản xuất bê tông và gạch không nung khoảng 2 triệu tấn; làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông khoảng 25 triệu tấn.

Lượng tro xỉ phát thải từ 13 nhà máy nhiệt điện than thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 8,57 triệu tấn, chiếm 64% tổng lượng phát thải của cả nước.  (Ảnh minh họa/Nguồn:Internet).

Tuy nhiên, qua gần 4 năm, triển khai thực hiện Quyết định này, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả thực tế vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ lưu giữ tại bãi chứa của các nhà máy  nhiệt điện than vẫn còn khoảng 47,65 triệu tấn, tương đương với 42% tổng lượng phát thải qua các năm.

Chi phí xử lý tro xỉ

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương, chủ cơ sở phát thải và đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng đã triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 452, hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc sử dụng tro xỉ đã cơ bản được xây dựng và ban hành đầy đủ nhưng kết quả  xử lý, tiêu thụ tro, xỉ chưa như kỳ vọng.

Nguyên nhân của vấn đề trên, theo ông Trần Đình Sính, Cố vấn kỹ thuật Trung tâm phát triển sáng tạo xanh Green ID, là do chưa có sự nhất quán trong việc xử lý tro xỉ thừa. Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện hiện cũng có các khu xử lý tro xỉ, nhưng số lượng và chất lượng sản phẩm đầu ra tùy thuộc vào công nghệ và tiềm lực của từng đơn vị.

Ví dụ như trong thời gian qua, EVN tiêu thụ khoảng gần 23 triệu tấn, TKV tiêu thụ được khoảng hơn 6 triệu tấn, PVN tiêu thụ được gần 1,5 triệu tấn. Các nhà máy BOT và các chủ đầu tư khác tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn… Số còn lại không xử lý hết thì các nhà máy nhiệt điện đành chi thêm phí để chôn lấp.

Trong khi đó, nếu một đơn vị xử lý tro xỉ đặt vấn đề đưa đi xử lý, thì các nhà máy nhiệt điện này lại yêu cầu trả tiền để mua. Tuy nhiên, cũng có nhà máy như Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ký kết hợp tác với liên danh 7 nhà thầu để xử lý tro xỉ, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1sẽ hỗ trợ chi phí cho các đơn vị này ở mức cao nhất là 35.000đ/tấn tro, xỉ.

Rõ ràng, Quyết định số 452 đã mở đường cho tro xỉ làm vật liệu không nung, nhưng việc chưa có cơ chế rõ ràng về doanh nghiệp phải mua tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện hay nhà máy nhiệt điện phải hỗ trợ doanh nghiệp mua tro xỉ đang là bước cản đối với thị trường vật liệu không nung có nguồn gốc từ tro xỉ.

Ông Trần Văn Phú, Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Thành An than thở: gạch không nung từ tro xỉ bay có đặc tính kỹ thuật rất tốt, nhưng giá thành hiện nay lại cao nên không được thị trường chào đón. Nếu có biện pháp để giá thành đầu vào hạ, thì sản phẩm đầu ra sẽ được thị trường đón nhận

Ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cũng cho rằng, đáng ra các nhà máy nhiệt điện phải cho không doanh nghiệp xử lý tro xỉ, bởi cho như vậy họ sẽ bớt tiền chôn lấp xử lý.

Đấy là chưa kể, việc vận chuyển tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện đến cơ sở sản xuất phải qua các khâu trung gian, đẩy giá tro xỉ lên.

                                                                       Theo Hồng Nhung- Khoa học & Đời sống

Bạn đang đọc bài viết Bất cập cơ chế xử lý tro xỉ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.