Thứ sáu, 29/03/2024 02:52 (GMT+7)

Bình Thuận: Báo động ô nhiễm hồ chứa nước sinh hoạt Cà Giang

MTĐT -  Thứ tư, 10/05/2017 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian gần đây, tình trạng xả rác thải dọc tuyến kênh dẫn nước sinh hoạt từ hồ Cà Giang, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đến Nhà máy nước Phan Thiết đang ngày càng nghiêm trọng.

Nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm

Hồ chứa nước Cà Giang nằm trên địa bàn xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), được đầu tư xây dựng năm 1985 và nâng cấp năm 2010 với dung tích 0,9 triệu m3. Nhiệm vụ công trình cấp nước tưới cho 200 ha của xã Phong Nẫm, cấp nước sinh hoạt cho TP. Phan Thiết với lưu lượng 3.000m3/ngày đêm. Tuyến kênh chính từ hồ Cà Giang về TP. Phan Thiết dài 8 km, đi qua vùng sản xuất thanh long và khu dân cư, phần lớn có nắp đậy, một số vị trí hở để dân lấy nước tưới và sinh hoạt.

Đi dọc theo tuyến kênh, chúng tôi thấy có nhiều đoạn hở trên kênh, một số đoạn bị bể do người dân đập ra để lấy nước. Điều đáng nói là tại những điểm cống giao nhau, có rất nhiều rác thải sinh hoạt như túi ni lông, nhựa, thậm chí là bao bì phân, thuốc bảo vệ thực vật vứt vô tội vạ.

Anh Nguyễn Văn Thắng, người dân sinh sống ở đó cho biết: “Có người  lấy nước từ kênh này để phun xịt, sục rửa bình thuốc, người thì tiện tay vứt rác ra đường gió cuốn vào trong lòng kênh…”.

Điều đáng nói là, hiện nay xã Hàm Hiệp có trên 3.000 hộ dân với gần 13.000 nhân khẩu. Với số dân đông như vậy, đồng nghĩa với việc sẽ có lượng lớn rác thải hàng ngày. Trong khi đó, việc thu gom rác tại địa bàn chỉ được thực hiện 1 lần/tuần (vào thứ ba hàng tuần). do vậy, lượng rác sinh hoạt bị dồn ứ rất nhiều, khiến một số người dân vô ý vứt bừa bãi xuống kênh, hồ nước.

Ông Đoàn Thanh - Phó Giám đốc Nhà máy nước Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết: Tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ hồ Cà Giang là có thật. Do vậy, thời gian qua, nhà máy đã phối hợp với Cảnh sát môi trường tỉnh làm việc, phát tờ rơi, kiểm tra việc vứt rác, đồng thời tuyên truyền cho người dân trong khu dân cư dọc hồ Cà Giang và Phú Hội nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước. Mặt khác, hàng ngày đơn vị thường cử người đi vớt rác do một số người thiếu ý thức bảo vệ môi trường gây ra. Tuy nhiên, cứ với rác xong tình trạng xả rác xuống kênh vẫn tiếp tục diễn ra. Bên cạnh đó, một số đoạn kênh hở trên tuyến này còn bị người dân đập phá để lấy nước…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Khoa- Trưởng phòng Quản lý nước và công trình- Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận cho biết: Không chỉ dọc tuyến kênh bị ngập rác mà ngay tại khu vực hành lang bảo vệ công trình hồ Cà Giang cũng ngập rác thải (gốc thanh long). “Hành vi xả rác của người dân đã vi phạm tại Pháp lệnh khai thác bảo vệ công trình thủy lợi. Điều này vừa gây mất mỹ quan vừa tác động xấu đến công trình, gây ô nhiễm môi trường”. Ông Khoa bức xúc nói.

Cần xử lý kiên quyết

Theo báo cáo tại Hội thảo xây dựng chương trình hành động về arsen, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trên thế giới hàng năm có khoảng 60.105 tấn các chất hữu cơ tổng hợp bao gồm các chất nhiên liệu, chất màu, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, các phụ gia trong dược phẩm, thực phẩm. Các chất này thường độc và có độ bền sinh học khá cao, đặc biệt là các hiđrôcacbon thơm gây ô nhiễm môi trường mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Các hợp chất hữu cơ như: các hợp chất hữu cơ của phenol, các hợp chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu DDT, linden (666), endrin, parathion, sevin, bassa… Các chất tẩy rửa có hoạt tính bề mặt cao là những chất ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, bị nghi ngờ là gây ung thư. Vi khuẩn có hại trong nước bị ô nhiễm có từ chất thải sinh hoạt của con người, động vật có thể gây ra bệnh tả, thương hàn và bại liệt. Chính vì thế nếu nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây những hậu quả lâu dài khó lường.

Tuyến kênh từ hồ Cà Giang về TP. Phan Thiết có nhiều đoạn bị hở

Ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp cho biết: Tình trạng người dân xả rác thải quanh khu vực này diễn ra từ lâu. Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận địa phương đã có nhiều biện pháp như đến nhà dân để tuyên truyền, phổ biến và đề nghị nhân dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi ra kênh. Đồng thời, xã tổ chức phát tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để bà con nâng cao ý thức; có các hình phạt… Tuy nhiên, theo sau các nỗ lực của chính quyền, hiện vẫn có một số gia đình cố tình không chấp hành, xả rác vào thời điểm ban đêm nên rất khó xử lý.

Ô nhiễm nguồn nước có thể gây ra nhiều tác hại không nhỏ về lâu dài, nguồn nước từ hồ Cà Giang lại là nơi cung cấp nước nước sinh hoạt cho người dân Phan Thiết. Do vậy để bảo vệ nguồn nước, thì trước hết cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị chức năng và cơ quan quản lý. Cụ thể là địa phương nơi có tuyến kênh đi qua cần tuyên truyền nâng cao ý thức người dân phải biết giữ gìn nguồn nước, không vứt rác bừa bãi, rửa các dụng cụ có thuốc trừ sâu, phân bón vào dòng kênh… Về phía cơ quan quản lý cần thường xuyên tuần tra, nhất là ở những đoạn kênh hở phát hiện rác thải để xử lý, phạt nặng những ai có hành vi vứt rác bừa bãi…

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Báo động ô nhiễm hồ chứa nước sinh hoạt Cà Giang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.