Thứ sáu, 26/04/2024 05:02 (GMT+7)

Bộ TN-MT nêu 3 nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí

MTĐT -  Thứ sáu, 20/12/2019 10:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 19/12, Bộ TN-MT đã tổ chức cuộc họp gấp với các bộ, ngành, địa phương về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mặc dù các cấp quản lý đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình, tuy nhiên diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe người dân.

Từ các trạm quan trắc ở TP. Hà Nội, trạm quan trắc quốc gia của Bộ TN-MT, và 2 trạm quan trắc của Đại sứ quán Pháp, từ năm 2013 đến 2019, các thành phần quan trắc cho thấy bụi mịn gia tăng, còn các thông số khác như SO2, CO… cho thấy vẫn trong quy chuẩn cho phép.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nhận diện 3 nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM.

Theo người đứng đầu Bộ TN-MT, thứ nhất cả Hà Nội và TP. HCM đều có mật độ phương tiện tham gia giao thông quá đông, trong khi chất lượng khí thải từ phương tiện giao thông của Việt Nam còn thấp so với tiêu chuẩn trên thế giới. Cụ thể, Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, ô tô; TP Hồ Chí Minh có khoảng 7,5 triệu chưa kể hàng triệu xe di chuyển cơ học qua lại địa bàn này mang theo lượng bùn, đất vào đô thị, tác động cộng hưởng này khiến bụi mịn tăng cao. Trong khi tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy chỉ ở mức độ Euro 2, tiêu chuẩn ô tô hiện đã hướng đến Euro 4, trong khi thế giới đã có Euro6.

Nguyên nhân thứ hai, cả Hà Nội và TP. HCM nằm trong “đại công trường”, riêng Hà Nội hiện có trên 1.000 công trình xây dựng. Các công trường đang trong thời gian xây dựng, xe chở vật liệu ra vào che chắc không kỹ cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Nguồn ô nhiễm thứ ba là hoạt động của các cơ sở sản xuất, nhà máy đang còn hoạt động ở khu vực trong và ven đô thị. Hà Nội theo thống kê, số lượng nhà máy lớn còn ít, riêng TP Hồ Chí Minh khu vực ven thành phố đang có gần 900 nhà máy lớn nhỏ.

Một số nguyên nhân khác cũng được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là nguồn gây ô nhiễm chính là việc người dân ngoại thành đốt rơm rạ, phế thải nông nghiệp sau thu hoạch.

Thậm chí, hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong tại Hà Nội cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là nguồn gia tăng bụi mịn và ô nhiễm không khí.

Giảm pháp gì để giảm ô nhiễm không khí?

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ra bốn giải pháp cấp bách để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí như sau:

Đầu tiên, ông cho rằng chính quyền Hà Nội và TP HCM có trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực để duy trì, phát triển hệ thống quan trắc về chất lượng không khí. "Đây là lĩnh vực mà chúng ta không được phép tiết kiệm. Bằng mọi cách phải đảm bảo đủ số lượng điểm quan trắc để có thông tin chính xác về chất lượng không khí, cung cấp hai lần mỗi ngày cho người dân", ông Hà nói.

Theo ông, khi không khí ở mức nguy hại thì chính quyền phải cung cấp thông tin ngay cho người dân, kèm theo khuyến cáo những biện pháp bảo vệ sức khỏe mà Bộ Y tế đưa ra. "Trong những ngày đó, người dân phải được khuyến cáo để chủ động bố trí công việc, đặc biệt với trẻ em đi học, nếu cần thiết để các em trong nhà. Khi ra đường, mọi người sử dụng các loại khẩu trang phù hợp để đảm bảo an toàn", ông nói.

Thứ hai, vào những ngày ô nhiễm không khí, UBND các thành phố cần có kế hoạch phun nước rửa đường; điều tiết các luồng giao thông ở khu vực đông dân cư có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.

"Cảnh sát cần phân luồng để xe cá nhân không đi qua khu vực mật độ giao thông quá lớn, chia sẻ bớt các nguồn thải. Cùng với đó, xe tải đi vào Hà Nội phải được che chắn, rửa xe đầy đủ", bộ trưởng Hà nói.

Thứ 3, ngay sau cuộc họp này, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng đưa ra quy định về bảo vệ môi trường với các công trình xây dựng. Theo đó, dù công trình lớn hay nhỏ, công sở hay của người dân đều sẽ có hướng dẫn cụ thể "vật liệu để đâu, chất thải xử lý thế nào, che chắn công trình ra sao".

Thứ tư liên quan đến thói quen sinh hoạt của người dân. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường đề nghị UBND các tỉnh xung quanh Hà Nội có biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch. Đồng thời, chính quyền thủ đô cần vận động người dân dùng bếp than tổ ong chuyển sang sử dụng loại bếp khác, nhất là trong những ngày ô nhiễm. "Đến năm 2021, Hà Nội cần xóa bỏ bếp than", ông Hà nói.

Về lâu dài, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần hoàn thiện cơ chế chính sách và các luật môi trường liên quan. Đối với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lộ trình áp dụng quy chuẩn đô thị khí thải phương tiện giao thông phải nhanh hơn cả nước. Xe máy và ô tô ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải có quy chuẩn cao hơn nhiều so với quy chuẩn của các địa phương.

Đồng thời, nghiên cứu chính sách để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tuyên truyền để người dân chuyển sang dùng các phương tiện chạy bằng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ TN-MT nêu 3 nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.