Thứ sáu, 29/03/2024 11:48 (GMT+7)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chống ô nhiễm môi trường như chống giặc

MTĐT -  Thứ hai, 15/06/2020 16:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh đến một số giải pháp xuyên suốt của Chính phủ và ngành tài nguyên và môi trường, trong đó phải coi việc “chống ô nhiễm môi trường như chống giặc".

Xác định các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước

Theo báo Chính Phủ đưa tin, sáng nay (15/6), phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đối với công tác quản lý tài nguyên nước, Bộ đã nghiên cứu và xác định được những bước đi và giải pháp. Theo đó, nguồn nước ở Việt Nam là khá phong phú, tuy nhiên hàng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào Việt Nam lượng nước khoảng 520 tỷ m3, chiếm khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm. Trong khi đó, lượng nước nội địa thì tỷ lệ người dân được sử dụng lại thấp hơn bình quân so với khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, chúng ta còn nhiều vấn đề mà các đại biểu đã đặt ra, đó là vấn đề tác động kép do biến đổi khí hậu làm cho việc phân bổ nguồn nước không đều theo vùng địa lý, theo mùa dẫn đến việc phát triển KTXH gặp nhiều khó khăn. Theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL, nếu không thay đổi cơ cấu phát triển nền kinh tế thì không đảm bảo được sự phát triển bền vững.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Còn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy thể chế về nguồn nước của chúng ta còn bất cập. Chúng ta chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa có sự đầu tư để đảm bảo được hạ tầng về nước, chưa có chính sách kinh tế tài chính về nước. Hiệu quả sử dụng nước của chúng ta cũng ở mức rất thấp, với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD.

Chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, cần xem xét lại các quy định để xem xét rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước. Cần phải làm rõ nguồn lực đầu tư cho hạ tầng như quan trắc, dữ liệu; vấn đề quy hoạch; làm tốt cơ chế phối hợp với các nước có liên quan, chủ động triển khai hợp tác chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác song phương, hợp tác đa phương thông qua hợp tác Mê Kông, Mê Kông – Lan Thương.

Chống ô nhiễm môi trường phải như chống giặc

Về vấn đề bảo vệ môi trường, ông Hà cho hay, dự thảo luật Bảo vệ môi trường mà Chính phủ trình Quốc hội lần này là một cách trả lời Chính phủ đã thực hiện cam kết của mình trước Quốc hội, trong đó nội dung cốt lõi là đảm bảo chất lượng, quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành; lấy môi trường làm mục tiêu phát triển.

Ông Hà dẫn chứng một vấn đề “thiết thực, cụ thể, sát sườn” với người dân như vấn đề nước thải và xử lý chất thải sinh hoạt.

“Luật lần này nhiều vấn đề kỹ thuật chưa được đưa ra nhưng chúng ta đã tính đến. Ví dụ như vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì người sản sinh ra nhiều chất thải rắn sinh hoạt người đó phải chi trả nhiều hơn, phải trên cơ sở số lượng, định lượng”, ông Hà nói.

Ông Hà cũng khẳng định: "Chính phủ sẽ hết sức thận trọng, tức là sẽ có lộ trình bài bản và sẽ có nhiều phương thức trên kinh nghiệm quốc tế để tính toán, định lượng và có lộ trình để hỗ trợ kịp thời cho người dân yếu thế và khó khăn".

Đồng thời, những chính sách này sẽ do chính người dân và địa phương bàn bạc triển khai. Khi chính sách này triển khai thì sự tham gia và vai trò chủ đạo của các tổ chức như là Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh…

Người đứng đầu ngành TN-MT khẳng định rất mong nhận được ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, người dân.

“Tôi nghĩ rằng, với một tinh thần như là chống dịch Covid-19 vừa qua, cũng như tinh thần truyền thống của dân tộc khi chống giặc thì vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay là một kẻ thù. Chúng ta phải có quan điểm đảm bảo môi trường và chống ô nhiễm môi trường như chống giặc”, ông Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng, với một tinh thần như là chống dịch Covid-19 vừa qua, cũng như tinh thần truyền thống của dân tộc khi chống giặc thì vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay là một kẻ thù. Chúng ta phải có quan điểm đảm bảo môi trường và chống ô nhiễm môi trường như chống giặc”, ông Hà nói.

Sửa Luật Đất đai toàn diện khi có nghị quyết của TƯ

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, xuất phát từ bảy vướng mắc, khó khăn về đất đai, Chính phủ đã trình để sửa đổi một số điều của Luật Đất đai. Đến nay, hầu hết các vấn đề khó khăn, vướng mắc đã được tiếp thu và sửa ngay trong các luật Quy hoạch, Đầu tư, Xây dựng và có hai nghị quyết của Quốc hội.

Chính phủ đã tham mưu, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Ban Kinh tế TƯ đã sơ kết Nghị quyết số 19 về chủ trương chính sách đất đai cho giai đoạn 2016-2021 đã đưa ra rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tổ chức, cơ chế, chính sách pháp luật.

“Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36 khẳng định phải tiếp tục nghiên cứu, không chỉ là một số điều nữa mà phải sửa đổi toàn diện cơ chế chính sách pháp luật. Việc sửa đổi liên quan rất nhiều đối tượng nên cần phải làm hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện từ vấn đề lý luận cho đến vấn đề thực tiễn. Đặc biệt chú ý hơn đến 60% những người đang sử dụng đất”, Bộ trưởng lý giải.

Khi có nghị quyết của Ban Chấp hành TƯ về chính sách pháp luật đất đai cho giai đoạn 2021-2030, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa Luật Đất đai ngay.

Minh Phương (Th)

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chống ô nhiễm môi trường như chống giặc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.