Thứ tư, 24/04/2024 06:25 (GMT+7)

Cần bảo đảm an ninh nguồn nước

MTĐT -  Thứ hai, 21/10/2019 08:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Suốt thời gian qua, hệ thống dẫn nước vào Nhà máy Nước sạch Sông Đà luôn trong tình trạng bị ô nhiễm rình rập.

Ô nhiễm từ nhiều nguồn

Theo Báo Giao thông, hồ Đầm Bài nằm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình được sử dụng làm bể sơ lắng cho Nhà máy Nước sạch Sông Đà, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TP Hà Nội. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, đoạn kênh hở dẫn nước mặt từ sông Đà đến trạm bơm vào hồ Đầm Bài dài khoảng 3,5km hoàn toàn không được bảo vệ. Lòng kênh đổ bê tông bám đầy bùn đất. Cách vài trăm mét có một cầu bắc ngang. Không có người kiểm soát, người dân tận dụng nhốt, thả trâu bò, gia súc phóng uế vô tội vạ xuống dòng nước đi vào trạm bơm. Mặt hồ nổi nhiều váng rác, chai nhựa của người dân bẫy tôm, xung quanh không có gì che chắn ngoài hàng rào dây thép gai mắc đơn sơ, thưa thớt.

Đáng nói, hồ Đầm Bài không chỉ chứa nước mặt sông Đà mà còn hứng tất cả nguồn nước mưa, nước thải từ trên đồi, núi xung quanh đổ xuống. Tính riêng địa bàn xã Phú Minh đã có hai suối: Suối Trầm và Suối Hém chảy qua xóm Vật Lại (cách nhà máy khoảng 500m). Rạch thì nhiều không thống kê hết. Ngay cả Nhà máy Nước sạch Sông Đà cũng xả thải nguồn nước đen ngòm ra con suối dẫn quay trở lại vào hồ. Đến nay vẫn chưa rõ chất lượng nước thải đó đã được kiểm soát chất lượng chưa? Có hay không tồn dư hoá chất và ảnh hưởng gì đến nguồn nước đang được lắng trong hồ hay không?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Lê, Chủ tịch xã Phú Minh cho biết: “Hồ Đầm Bài do tỉnh Hoà Bình trực tiếp quản lý. Công ty Nước sạch Sông Đà phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh thực hiện kiểm soát, xã không nắm rõ… Khi thiết kế xây dựng nhà máy không di dân, người dân vẫn phải sinh sống ven suối. Nhà máy phát triển thu hàng trăm tỷ nhưng nhân dân trong xã không phát triển được, không có tài trợ, dân nghèo không có tiền xây nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, vẫn phải xả thải lung tung (ra sông suối - PV), làm sao quản lý?”.

Trâu tắm dưới lòng suối dẫn nước vào lòng hồ Đầm Bài.

Bảo đảm an ninh nguồn nước

Theo Báo Nhân dân điện tử, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc cung cấp nước sạch cũng mới chỉ bảo đảm từ 60 đến 65% dân số đô thị và tỷ lệ này thấp hơn nhiều ở khu vực nông thôn. Nguồn nước để cung cấp cho khu vực nông thôn đang phải đối mặt hai vấn đề lớn là nhiễm mặn và ô nhiễm. Nếu không kiểm soát hiệu quả các vấn đề xử lý nước thải, chất thải thì trong tương lai không xa, nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng. Mặt khác, các vấn đề mang tính liên ngành như quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý với bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương…

Để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, hơn lúc nào hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước, thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Mặt khác, tăng cường khả năng trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình trong quản lý nguồn nước dựa vào xu thế tự nhiên trên cơ sở dự báo dài hạn về khí hậu, thủy văn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên…

Chính quyền các địa phương tập trung kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống và nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm xả thải trực tiếp ra sông, suối trên địa bàn mình quản lý. Tiếp tục xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo ô nhiễm nước tại khu vực thượng, trung và hạ nguồn nhằm cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời để xử lý những vấn đề về ô nhiễm, cạn kiệt dòng sông, nhất là nguồn nước cho các nhà máy cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và có chính sách phù hợp để khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học - công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả… Qua đó, không chỉ bảo đảm được an ninh nguồn nước quốc gia, mà còn tránh được những sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt tương tự như đang xảy ra tại một số khu vực ở Hà Nội.

Theo Báo Giao thông, liên quan tới vấn đề xử lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, PGT.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, công nghệ xử lý nước ngầm và nước mặt khác nhau. “Nước ngầm có ưu điểm ít vi sinh vật nhưng có nhiều tạp chất vô cơ, có tính độc như: Sắt, kim loại nặng như chì, thủy ngân... xử lý rất khó. Nước mặt không có tạp chất độc, chủ yếu là vi sinh vật, ký sinh trùng. Do đó, xu hướng hiện nay thiên về sử dụng nước mặt. Chỉ cần làm sạch, lọc trong, khử trùng bằng clo là ổn, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nước”, ông Thịnh phân tích.

Theo vị chuyên gia, nước mặt sông Đà hiện được đánh giá có chất lượng tốt nhất Việt Nam hiện nay. Vấn đề nằm ở chỗ để nước suối đổ lẫn vào nguồn nước mặt gây ra ô nhiễm. “Giống như có một bể nước sạch lại để nước cống, rãnh chảy vào rồi xử lý thì rất tốn kém, giá thành đắt, không sạch được như ban đầu”, ông Thịnh so sánh.

Nói đến ý thức và trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, ông Thịnh cho rằng, rất khó thực hiện bởi thực tế có hàng nghìn người sống cạnh nguồn nước chảy vào Nhà máy Nước sạch Sông Đà. “Bao nhiêu thứ như xác động vật, phân tro, nước thải sinh hoạt... đều đổ xuống suối rồi đổ vào hồ. Vụ đổ trộm dầu thải vừa rồi là một ví dụ, đã đổ đến dầu thì những chất khác rất dễ đổ. Bao nhiêu rủi ro sẽ đến?”, ông Thịnh đặt vấn đề và nhấn mạnh: “Đầu tiên phải ngăn chặn, không cho bất cứ nguồn suối nào chảy vào để bảo vệ nguồn nước hồ Đầm Bài. Chỉ cần làm được việc đó, nguồn nước vào nhà máy sạch, xử lý đơn giản. Để nhiễm bẩn rồi xử lý cực khó!”.

Theo ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt của Bộ Y tế gồm 109 chỉ tiêu. Trong đó, nhóm A gồm 14 chỉ tiêu thực hiện xét nghiệm hàng tuần, chỉ tiêu B định kỳ 6 tháng/lần và các chỉ tiêu C định kỳ 2 năm.Từ sự cố để dầu lọt qua hệ thống xử lý nước sông Đà đi vào ống dẫn về từng hộ dân, ông Tứ cho rằng, đây là bài học cảnh báo về trách nhiệm của nhà máy nước. “Kiểm soát chất lượng nước nhóm A hiện nay thực hiện tuần một lần, trong khi nước cấp đến người dân hàng giờ hàng phút đang là vấn đề tồn tại cần khắc phục. Phải lắp thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại kiểm soát chất lượng nước đầu vào, ra hàng giờ, hàng phút để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân”, ông Tứ đề xuất.

Ứng Chi (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Cần bảo đảm an ninh nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới