Thứ sáu, 29/03/2024 05:45 (GMT+7)

Cảnh báo nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của Thành phố Sơn La

MTĐT -  Thứ tư, 14/05/2014 14:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hang Tát Toòng thuộc địa phận bản Bó, phường Chiềng An (Thành phố) hiện là nguồn nước chính của Nhà máy nước Thành phố, cung cấp nước sinh hoạt cho trên 60% dân cư trên địa bàn. Thời gian gần đây, người dân Thành phố đang rất quan tâm tới chất lượng nguồn nước của hang Tát Toòng đang bị ảnh hưởng bởi tác động của môi trường và con người.

Báo động ô nhiễm từ đầu nguồn

Hang Tát Toòng, tiếng địa phương là Thẳm Tát Toòng (Nghĩa là hang thác đồng). Trước đây, Hang Tát Toòng là một thắng cảnh nổi tiếng, được xếp hạng quốc gia ngày 5 tháng 2 năm 1994 và được nhiều du khách tham quan. Để đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho cư dân Thành phố, hơn chục năm trở lại đây, hang Tát Toòng không đón khách du lịch tham quan mà chỉ cấp nước phục vụ sinh hoạt.

Chưa ai và cơ quan chức năng nào xác định được có bao nhiêu nguồn nước chảy về hang Tát Toòng. Thực tế mới chỉ xuất hiện 1 nguồn nước chảy từ hướng Thuận Châu về hang Tát Toòng đã lộ thiên khu vực bản Noong Cốc, xã Chiềng Đen (Thành phố). Thực tế khe nước này đang cạn, đất đá nứt nẻ nhiều cây và cành củi khô nằm rải rác dưới lòng khe nhưng qua quan sát của phóng viên, lòng khe khá hẹp và dốc nên khi có mưa to, hoặc lũ thì khe nước này chảy rất siết. Theo lời ôngBùi Văn Đính, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước ngày 7-5, tham gia đoàn kiểm tra thực trạng đầu nguồn nước do Bí thư Thành ủy dẫn đầu đến thị sát địa điểm này thì phát hiện rất nhiều rác, bao tải, túi nilon và cả những vỏ bao thuốc trừ cỏ do nước lũ cuốn về đầu khe hủm chảy xuống hang Tát Toòng...

Khe nước đầu nguồn dẫn vào hang Tát Toòng.

Tìm hiểu được biết,nhiều hộ chế biến cà phê ở xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ (Thành phố), xã Muổi Nọi (Thuận Châu)... sơ chế từ 3 đến 5 tấn cà phê, có điểm hơn chục tấn mỗi ngày.Do hầu hết các cơ sở chế biến đều nắm sát suối nên khi có mưa, nước lũ tràn các bể ủ cà phê, vỏ sát cà phê cuốn theo dòng nước và cũng chảy vào khe nước này chảy vào hang Tát Toòng. Sau sự việc cuối tháng 2 năm 2013, Công ty cổ phần cấp nước Sơn La phải ngừng cấp nước sinh hoạt 4 ngày trên địa bàn do ô nhiễm nguồn nước từ các cơ sở chế biến cà phê. Các xưởng chế biến đã cam kết với chính quyền địa phương không xả nước thải ra suối; đắp bờ ngăn không cho nước từ các bể ủ tràn ra ngoài nhưng qua quan sát của phóng viên, tất cả các bờ đều bằng đất và thấp, rất có nguy cơ vỡ bờ đắp khi có mưa lớn xảy ra...

Diện tích đất rừng đầu nguồn của hang Tát Toòng đang chuẩn bị trồng ngô.

Một thực trạng báo động về ô nhiễm nguồn nước ở Hang Tát Toòng đó là diện tích rừng đầu nguồn của hang (khu vực bản Bó, phường Chiềng An) đang có nhiều hộ dân phát dọn để trồng ngô. Nhiều mỏm đồi đã bị người dân phá để trồng ngô trong nhiều năm nay. Đây là nguy cơ rất lớn đến thiếu và gây ô nhiễm nguồn nước của hang, như: xói mòn đất gây đục nước; các hóa chất được người dân phun khi để bảo vệ cây trồng, vỏ bao thuốc diệt cỏ (không được thu gom đúng hướng dẫn) ngấm vào đất và chảy theo nguồn nước dẫn vào hang Tát Toòng... Theo lời một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Thành phố, khu vực này thuộc diện tích đất lâm nghiệp xen lẫn nông nghiệp nên hiện tượng các hộ dân trồng ngô ở đây đã diễn ra từ lâu nhưng chưa được ngăn chặn...

Cần bảo vệ an toàn cho nguồn nước ở hang Tát Toòng

Được biết, ngay sau chuyến kiểm tra thực trạng đầu nguồn nước của hang Tát Toòng, Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo Thành đoàn huy động lực lượng thanh niên tổ chức vệ sinh môi trường, dọn dẹp rác khu vực khe cạn. Giao cho UBND Thành phố chủ trì họp với các ngành, đơn vị liên quan để có biện pháp bảo vệ, quản lý nguồn nước để có biện pháp cấp nước an toàn cho Thành phố. Môi trường nước rất đa dạng và phức tạp, những biến đổi dù nhỏ trong môi trường nước (về vật lý, hóa học, sinh học) cũng có thể dẫn đến những tác hại xấu đến chất lượng nước sinh hoạt của nhân dân. Mặt khác môi trường nước còn là nơi tiếp nhận nhiều loại hóa chất, chất bẩn độc hại khác nhau.

Nguồn nước của Hang Tát Toòng đã từng bị ảnh hưởng do chất thải của các xưởng chế biến cà phê khu vực đẩu nguồn chảy vào (Báo Sơn La đã có bài phản ánh về vấn đề này), do đó cơ quan chức năng cần quản lý giám sát chặt chẽ và bảo vệ môi trường khu vực đầu nguồn nước. Trước mắt là cần quản lý chặt chẽ nguồn xả thải vào môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê ở các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ và khu vực Thuận Châu, có biện pháp ngừng sản xuất kinh doanh đối với những cơ sở gây ô nhiễm; tuyên truyền, vận động các hộ dân bản Bó, phường Chiềng An trồng rừng để bảo vệ nguồn nước. Về lâu dài, cần sớm có đánh giá hiện trạng nguồn nước, lưu vực nguồn nước của hang Tát Toòng để có biện pháp quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững.

                                                                                                                                   Phong Lưu (SLO)

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của Thành phố Sơn La. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.