Thứ sáu, 29/03/2024 05:27 (GMT+7)

Câu hỏi lớn về chi phí xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch

MTĐT -  Thứ năm, 31/10/2019 09:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại buổi làm việc với Cty JVE, Bộ trưởng Bộ TN-MT, đặt câu hỏi với đại diện của phía Nhật Bản về chi phí của công nghệ xử lý nước thải: “Nếu xử lý 1 km sông theo công nghệ này thì chi phí là bao nhiêu

Ngày 30/10, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra việc xử lý nước Hồ Tây bằng công nghệ của Nhật Bản. Cuộc kiểm tra này nhằm triển khai nhiệm vụ Thủ tướng giao cho Bộ TN&MT là xem xét thẩm định, đánh giá hiệu quả dự án tài trợ thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreator của Nhật Bản.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nghe Chủ tịch HĐQT Công ty JVE Nguyễn Tuấn Anh - đơn vị thực hiện dự án và Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Môi trường Thương mại Nhật Bản Tadasi Yamamura báo cáo kết quả quá trình thí điểm.

Kết quả phân tích do Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) và đơn vị đánh giá của Bộ TN&MT cho thấy chất lượng nước khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và hồ Tây có 36/36 chỉ tiêu đạt chuẩn QCVN. Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần và hồ Tây giảm 30 lần nhờ công nghệ Nhật Bản.

Đánh giá sơ bộ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng về mặt công nghệ là đảm bảo vì phương pháp này đã được Nhật Bản chứng nhận. Công nghệ xử lý nước này đã xử lý được một số chất hữu cơ, riêng các chất vô cơ (trong đó có kim loại nặng) có nguồn thải từ quá trình sản xuất thì cần có quá trình đánh giá.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đi khảo sát thực tế. Ảnh: TTXVN.

“Thành phần chất thải ở hồ, sông ngòi của Nhật Bản có khả năng khác chúng ta bởi vì cơ bản là họ đã xử lý trước tại nguồn. Trên thực tế, nhiều sông hồ ở nước ta trở thành nơi chứa chất thải và trong chất thải không chỉ có hữu cơ mà còn có cả chất vô cơ” - Bộ trưởng Hà nói.

Đặc biệt, Bộ trưởng Hà cũng đặt câu hỏi với đại diện của phía Nhật Bản về chi phí của công nghệ xử lý nước trên: “Nếu xử lý 1 km sông theo công nghệ này thì chi phí là bao nhiêu?”. Không trả lời trực tiếp câu hỏi, đại diện Nhật Bản cho biết nếu tính suất đầu tư xây dựng công trình ban đầu sẽ rơi vào khoảng gần 1,9 triệu/m3 và chi phí vận hành bảo dưỡng sẽ là 58 đồng/m3.

Bộ trưởng Hà cho rằng cách tính toán này rất khó hình dung và cần phải đánh giá lại về mặt chi phí, quan trọng nhất là tính phù hợp với đặc điểm của sông hồ Việt Nam.

“Ở Việt Nam, sông, hồ đều là những kênh hở nên nước mưa và nước thải đan xen. Do đó chi phí xử lý nước sẽ đội lên nhiều lần, vì một trận mưa là đã khác rồi” - ông nói.

Cũng tại buổi thị sát, TS Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ này ngoài phân hủy chất hữu cơ có thể làm giảm triệt để vi khuẩn có hại như E.coli, Coliform. Với chất vô cơ như kim loại nặng thì không thể phân hủy nhưng có thể bổ sung công nghệ để xử lý. Ông đề xuất, trước mắt tập trung xử lý mùi hôi thối và giảm chỉ số gây bệnh để tạo ra dòng sông an toàn cho người dân.

TS Tadashi Yamamura cũng nhận định: “Để hoàn thành hàng trăm km cống bao sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền của trong khi người dân sống xung quanh sông Tô Lịch phải chịu mùi hôi thối hàng ngày. Giải pháp chúng tôi đề ra là dòng sông an toàn nhằm giải tỏa nỗi khổ của người dân sống ở gần sông, khi có điều kiện chúng ta xây dựng hệ thống thu gom nước thải”.

Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đề xuất 3 bước để sông Tô Lịch hồi sinh thực sự. Theo đó, bước đầu xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano Bioreactor, sau đó cho nước Hồ Tây vào để tạo dòng chảy và cuối cùng xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Câu hỏi lớn về chi phí xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.