Thứ tư, 24/04/2024 23:28 (GMT+7)

Chất lượng không khí Hà Nội thế nào sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông?

MTĐT -  Chủ nhật, 01/09/2019 16:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí - AQI (CLKK) trong tuần (25/8 - 31/8) trên địa bàn TP nhìn chung duy trì ở mức khá ổn định.

Số ngày có chỉ số chất lượng không khí tốt tăng, tập trung vào các ngày cuối tuần. Đồng thời, số ngày kém có tăng nhẹ, tập trung vào hai ngày đầu tuần. Kim Liên, Tân Mai và Tây Mỗ là các khu vực có CLKK tốt nhất trong tuần. Chỉ số AQI1 tại các trạm quan trắc dao động từ 26-132.

Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, số ngày CLKK đạt tốt dao động từ 14,3%-42,9%. Tân Mai là trạm duy nhất không có ngày nào AQI chạm mức kém. Các trạm còn lại đều có 1 ngày AQI ở mức kém vào ngày 26/8, chiếm 14,3%.

Tại 2 điểm quan trắc giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Trong tuần này, trạm Minh Khai xuất hiện 1 ngày AQI đạt mức tốt vào ngày 31/8, chiếm 14,3%. Số ngày AQI chạm mức kém tại cả hai trạm chiếm 28,6%, còn lại ở mức trung bình. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng lần lượt là 138 và 129.

Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, CLKK của tuần này không có gì thay đổi so với tuần trước. Cụ thể, đối với trạm Hoàn Kiếm có 1 ngày AQI ở mức kém chiếm tỷ lệ 14,3%, 2 ngày AQI ở mức tốt chiếm 28,6%, còn lại ở mức trung bình. Trạm Hàng Đậu có 2 ngày CLKK ở mức kém chiếm 28,6%, còn lại ở mức trung bình. Đối với trạm Thành Công đều có 1 ngày AQI ở mức tốt và xấu chiếm 14,3%.

Có thể thấy, CLKK và điều kiện thời tiết trong tuần có sự chênh lệch rõ rệt. Vào đầu tuần, điều khí tượng khá bất lợi, nền nhiệt ngày và đêm có sự chênh lệch, sáng sớm xuất hiện sương mù, không có mưa khiến CLKK có xu hướng giảm xuống. Tuy nhiên, đến cuối tuần do ảnh hưởng của cơn bão số 4 trên toàn TP xuất hiện nhiều trận mưa rào và dông kéo dài trên diện rộng, giúp CLKK liên tục được cải thiện, điển hình vào ngày 31/8, 100% CLKK ở các trạm đều ở mức tốt.

Còn tại khu vực xung quanh nhà máy Rạng Đông, theo Sở TN-MT Hà Nội, tối 28/8, thời điểm xảy ra vụ cháy tại nhà kho và nhà xưởng của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, trạm quan trắc môi trường không khí tự động tại Minh Khai là trạm duy nhất ghi nhận có nồng độ bụi (PM10 và PM2.5), khí CO và NOx tăng cao đột biến. Cùng thời điểm đó, ngoài 9 trạm còn lại và tham khảo thêm các trạm cảm biến khác của một số tổ chức phi chính phủ đặt rải rác trên toàn TP đều không ghi nhận được dữ liệu bất thường nào.

Sáng 31/8, Sở TN-MT Hà Nội phối hợp với Đoàn công tác của Bộ TN-MT kiểm tra bên trong khu vực kho cháy. Kết quả kiểm tra cho thấy: hóa chất amagal phục vụ sản xuất bóng đèn huỳnh quang, đèn compac được chứa trong 3 tủ lạnh còn nguyên vẹn; khu vực chứa 3 tủ lạnh được phun nhiều bọt chữa cháy, không phát hiện thấy hiện tượng cháy.

Tại thời điểm kiểm tra, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) vẫn tiếp tục lấy mẫu môi trường xung quanh khu vực Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông và trong khu dân cư để đánh giá chất lượng môi trường.

Theo kết quả phân tích môi trường không khí xung quanh của Trung tâm quan trắc TN-MT Hà Nội tại 5 vị trí quanh khu vực xảy ra đám cháy, cho thấy các thông số về vi khí hậu, NO2, Pb, Cd (trung bình 24 giờ), Hg (trung bình 24 giờ), As, Zn và bụi tổng đều nằm trong giới hạn cho phép.

Chỉ có thông số SO2 tại vị trí điểm giáp cổng Công ty Bóng Động Lực, giáp khu dân cư ngõ 342 Khương Đình là 357 µg/m3, vượt 1,02 lần so với quy chuẩn; điểm trước cửa số nhà 81 ngõ 342 Khương Đình, giáp khu vực cháy là 352 µg/m3, vượt 1,0057 lần so với quy chuẩn.

Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là kết quả test nhanh, căn cứ kết quả phân tích đầy đủ các mẫu môi trường và hiện trạng chất thải, Sở TN-MT Hà Nội sẽ tổ chức mời các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, các chuyên gia có kinh nghiệm họp để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và đề xuất các biện pháp khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân sống trong phạm vi ảnh hưởng của đám cháy.

“Sở TN-MT sẽ tổng hợp, báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố, Bộ TN-MT kết quả giải quyết và đề xuất các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do đám cháy gây ra; đồng thời thông báo cho các tổ chức và người dân được biết để sớm ổn định tinh thần và cuộc sống", báo cáo cho biết.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chất lượng không khí Hà Nội thế nào sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.