Thứ năm, 28/03/2024 22:15 (GMT+7)

Chồng chéo trong quản lý chất thải rắn

MTĐT -  Thứ tư, 08/05/2019 14:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, việc quản lý chất thải nguy hại đã được giao thống nhất một đầu mối quản lý là Bộ TN-MT, nhưng các loại chất thải rắn khác vẫn chưa thống nhất.

Sáng ngày 8/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo Quản lý nhà nước về chất thải rắn (CTR).

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì. Cùng tham dự còn có ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đại diện các Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, các cơ quan hợp tác quốc tế, Sở TN&MT, các cơ quan nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh môi trường trong nước và quốc tế; một số doanh nghiệp, cơ sở xử lý chất thải.

Theo báo TN-MT, phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, công tác quản lý CTR là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Đây cũng là vấn đề đã được các Đại biểu quốc hội và cử tri cả nước hết sức quan tâm, chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Do đó, việc đề xuất được mô hình quản lý thống nhất về CTR cũng như các giải pháp quản lý, công nghệ xử lý CTR nhằm kiểm soát, giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do CTR dự kiến được nhiều tổ chức, cá nhân và xã hội mong đợi.

Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 09 ngày 3/2/2019 giao Bộ TN-MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; giao chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo thôn tin trên báo Thanh niên, tại hội thảo, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, hiện nay trách nhiệm quản lý nhà nước về chất thải nguy hại đã được giao thống nhất một đầu mối quản lý là Bộ TN-MT, tạo nhiều thuận lợi, nhưng với các loại chất thải rắn khác, đang có sự tham gia quản lý của nhiều bộ, cơ quan liên quan, chưa thống nhất được cơ chế quản lý.

Theo đó, ngoài Bộ TN&MT còn có Bộ Xây dựng, quản lý chất thải từ hoạt động xây dựng và chất thải rắn sinh hoạt.

Bộ Y tế phụ trách hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế. Bộ KH&CN quản lý nhiên liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chất thải phóng xạ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý chất thải trong nông nghiệp. Bộ Giao thông Vận tải có chức năng quy định chi tiết chất thải nguy hại, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động GTVT. Bộ Công thương ban hành Thông tư về quản lý môi trường trong lĩnh vực công thương.

Việc quản lý chất thải rắn còn sự chồng chéo giữa các bộ, ngành. Ảnh minh họa: Internet.

Đáng chú ý, tại điều 159 luật Bảo vệ môi trường quy định, Bộ trưởng Bộ TN-MT tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, dự án, công trình thuộc phạm vi bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn...

Tuy nhiên, trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đều quy định các bộ quản lý ngành có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về các nội dung thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực. Vì vậy, theo ông Thịnh, cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ trong quản lý chất thải rắn, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về quản lý chất thải rắn.

Theo bà Đỗ Thị Hương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hải Phòng chia sẻ, ngoài chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp thông thường được giao cho ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý, các chất thải còn lại đang rất chồng chéo, khó khăn trong quản lý, nhất là quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn. Chất thải rắn nông thôn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng năng lực của cán bộ cũng là vấn đề. Khi phân cấp tới cấp huyện, một số huyện giao cho Phòng Môi trường, một số huyện giao cho Phòng Nông nghiệp.

Để giải quyết tình trạng này, bà Hương kiến nghị cần sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, đảm bảo thống nhất với các Luật thuộc lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, thực hiện sửa đổi chức năng của các bộ, cơ quan ngang bộ để đảm bảo thống nhất quản lý, tránh chồng chéo như hiện nay.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chồng chéo trong quản lý chất thải rắn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.