Thứ sáu, 29/03/2024 17:19 (GMT+7)

Chủ tịch UBND xã Thạch Đà-Mê Linh: “Dân thì ngày nào cũng kêu...'

Nhóm Phóng viên -  Thứ sáu, 08/06/2018 10:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc người dân phản ánh nhà máy gạch xả khói vào ban đêm gây ô nhiễm, ông Thọ cho biết: “Lãnh đạo không thể đi biệt kích được, lãnh đạo đi làm việc phải đàng hoàng”.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đưa tin trước đó trong bài viết: “Hành trình đi tìm con đường Hạnh phúc của người dân Mê Linh” ngày 30/5, về việc Công ty cổ phần gốm xây dựng thương mại và vận tải Hoàng Kim (xã Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội) xả khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm hành lang đê khiến người dân bức xúc.

Ngoài ra người dân còn “tố” có sự mập mờ trong thu hồi và giao đất cho Công ty cổ phần gốm xây dựng thương mại và vận tải Hoàng Kim.

Để làm rõ thông tin sự việc, ngày 6/6, PV đã có buổi làm việc với UBND xã Thạch Đà.

Trao đổi với PV, ông Phùng Quang Thọ (Chủ tịch UBND xã Thạch Đà) cho biết: “Dân thì ngày nào cũng kêu, một tí cũng kêu mà mỗi về vấn đề của lò gạch, thực tế nó không đến mức độ mà mọi người đưa hình ảnh, clip như thế, vì đường đất lối xuống của người ta bao giờ chẳng bụi”.

“Dân thì ngày nào cũng kêu, một tí cũng kêu mà mỗi về vấn đề của lò gạch, thực tế nó không đến mức độ mà mọi người đưa hình ảnh, clip như thế", ông Thọ cho biết.

“Thứ nhất là con đường hạnh phúc, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 nhà máy gạch Hoàng Kim được cơ quan làm dự án đã thâu tóm toàn bộ vùng đất đấy. Trong giai đoạn 1 đã có con đường Hạnh phúc, đã nằm trong đất của dự án và đã bàn giao rồi, đã đền bù xong cách đây 10 năm.

Nhiệm kỳ 2015 – 2016, chúng tôi đã giải thích rất nhiều lần với dân về việc con đường Hạnh phúc đã thuộc vào quản lý mốc giới của nhà máy gạch Hoàng Kim, nên bà con đã không nói đến con đường nữa.

Thứ hai về ô nhiễm, xã Thạch Đà chúng tôi luôn luôn nhắc nhở nhà máy thực hiện cam kết đảm bảo không để tình trạng ô nhiễm môi trường và sau khi dân có phản ánh chúng tôi đã có văn bản báo cáo về huyện và huyện cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra về mức độ ô nhiễm của nhà máy gạch, còn UBND xã Thạch Đà không đủ thẩm quyền để khẳng định ô nhiễm hay không ô nhiễm”, Ông Thọ nói tiếp.

Khi PV nhắc về công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu nhà máy gạch phải làm hồ sơ xin giảm diện tích đất sử dụng thuộc con đường Hạnh phúc, trả lại cho nhà nước. Tuy nhiên, đến nay đã 5 năm trôi qua sự việc vẫn chưa thể giải quyết.

Ông Thọ cho hay: “Đấy là nếu người dân Thạch Đà có nguyện vọng, đề nghị đơn vị họ trả. Nhưng bây giờ lấy tiền đâu để mà trả, bán cho người ta rồi, tiền tiêu hết rồi thì làm sao mà trả được. Ngày xưa là một cái đầm sen, cạnh đó làm đồng lúa, giữa đồng lúa với đầm sen có con đường đi do bà con tạo nên gọi là con đường Hạnh phúc, còn bây giờ là con đường không thể đi được”.

Năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu nhà máy gạch phải làm hồ sơ xin giảm diện tích đất sử dụng thuộc con đường Hạnh phúc, trả lại cho nhà nước. 

Theo thông tin mà vị Chủ tịch này cung cấp, toàn bộ số tiền bàn giao đất cho nhà máy được chuyển về UBND xã Thạch Đà để chi tiêu cho việc “thủy lợi”, “không phải tiền bán đất, mà là của công ty họ hỗ trợ”.

Về mương nước, ông Thọ cho biết: “Không ai lại bảo là bịt kín mương, hiện nay người ta cũng đã làm cho một mương nước bên cạnh rồi, nhưng nó bé. Mà nhà máy cũng định mua nốt đất bên cạnh để họ mở rộng, rồi mới làm mương một thể, và làm con đường cho bà con đi nhưng khả năng huyện chưa phê duyệt”.

Ông Thọ cũng khẳng định: “Có thoát nước, đấy là nước thải của dân đổ về, chứ không phải nhà máy xả ra. Hiện nay chúng tôi đã lập phương án để xây dựng con mương ấy, đã có dự án rồi. Nếu làm thì nhà máy gạch cũng sẽ ủng hộ 500 triệu”.

Tại buổi làm việc ông Thọ cũng cho hay: “Lập dự án cho nhà máy gạch Hoàng Kim là do UBND tỉnh Vĩnh Phúc, giữa đêm 30/7 và 1/8 chuyển Mê Linh về Hà Nội. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là đơn vị bàn giao đất và cắm mốc giới”.

Việc người dân phản ánh nhà máy gạch xả khói vào ban đêm gây ô nhiễm, ông Thọ đưa ra ý kiến: “Lãnh đạo không thể đi biệt kích được, lãnh đạo đi làm việc phải đàng hoàng”.

Khi PV đề nghị UBND xã Thạch Đà cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan, ông Thọ trả lời: “PV cứ xuống nhà máy, hồ sơ họ có hết, còn ở xã thì đã qua 10 năm rồi”.

Ông Thọ cũng đưa ra nhận định: “Giờ họ cải thiện kỹ thuật rồi, độ ô nhiễm giảm rất lớn. Theo tôi thì cái gì cũng ô nhiễm, đã có sản xuất là có ô nhiễm, nhưng có thực hiện đúng cam kết hay không”.

Theo người dân Thạch Đà cho biết số người mắc ung thu ngày càng cao, theo ông Thọ nguyên nhân là do: “Tâm lý hết, cứ mỗi một ngày uống một lít rượu rồi 45, 50 tuổi chết là do nhà máy gạch hết, xóm đấy tiền sử rồi”.

Theo quan sát, khu vực gần nhà máy gạch, mương không thoát được nước nên người dân chỉ có thể sử dụng đất vào việc trồng rau, tuy nhiên theo ông Thọ: “Trước đó dân cấy lúa, nhưng giờ họ trồng rau muống, nhưng do hình thành "cái đấy" nên mới ảnh hưởng đến "cái đấy". Kể ra cấy một vụ lúa cũng được, nhưng bà con ở đấy không có nhu cầu lắm nên... thôi”. Ý của ông Thọ trong câu trả lời trên là như thế nào khi vị chủ tịch luôn miệng trả lời “cái đấy”!

Ông Thọ cũng cho biết: “Hôm nay Phòng Kinh tế huyện Mê Linh đã xuống kiểm tra nhà máy gạch Hoàng Kim, UBND xã đã điều phó chủ tịch tham gia cùng đoàn kiểm tra”.

Theo đó, PV đã tìm gặp ông Lưu Văn Quang (Phó chủ tịch xã Thạch Đà) để trao đổi thông tin. Tại nhà máy gạch Hoàng Kim, ông Quang cho biết: “Hôm nay đoàn kiểm tra của huyện về đã yêu cầu công ty chuyển toàn bộ bãi than đi chỗ khác, trả lại hành lang đê”.

Về số tiền Công ty Hoàng Kim “hỗ trợ” cho địa phương, ông Quang cho hay: “khoảng 4 tỷ, còn thu tiền thuế là do thành phố, chứ xã có được môt đồng nào đâu”.

Trao đổi với PV, ông Quang cho rằng: “Thực tế không phải có mương, mà trước đây có cái đầm nước, toàn bộ nước chảy qua đầm này, sau đó chảy qua kênh tiêu chứ không phải mương thoát nước”.

Về số tiền Công ty Hoàng Kim “hỗ trợ” cho địa phương sau khi bàn giao đất, ông Quang cho hay: “Khoảng 4 tỷ, còn thu tiền thuế là do thành phố, chứ xã có được môt đồng nào đâu”.

Như vậy, dư luận có thể đặt ra câu hỏi: Số tiền “khoảng 4 tỷ” mà ông Quang cho biết, đã được sử dụng vào mục đích gì của xã Thạch Đà, có đúng là sử dụng cho mục đích thủy lợi như vị chủ tịch nói?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch UBND xã Thạch Đà-Mê Linh: “Dân thì ngày nào cũng kêu...'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.