Thứ bảy, 20/04/2024 06:41 (GMT+7)

Chuyên gia nhận định dự án của JVE cải tạo sông Tô Lịch sẽ khả thi

Lam Vy -  Thứ bảy, 26/09/2020 09:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều chuyên gia bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng vào đề án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên sẽ thành công.

Vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã gửi công văn báo cáo tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất "giải pháp tổng thể" cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Giải pháp được JVE đưa ra là sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor, kè dọc hai bên bờ, giải quyết toàn bộ các vấn đề như nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy; làm sạch nước đã bị ô nhiễm trong lòng sông, đặc biệt là xây dựng hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông.

Đề án này sau khi trình UBND Thành phố Hà Nội, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sinh thái, cảnh quan môi trường.

JVE tổ chức buổi “Gặp mặt chia sẻ thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành  “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” ( Ảnh Internet).

Nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực đã bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng vào đề án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên sẽ thành công. Qua đó giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài hàng chục năm nay tại dòng sông này. Đồng thời biến nơi đây thành địa điểm thu hút khách du lịch, tạo nguồn thu cho thành phố.

Thời gian nếu được phê duyệt của dự án sẽ triển khai trong khoảng 5 năm, từ 2021- 2026.

JVE tổ chức buổi “Gặp mặt chia sẻ thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành  “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Buổi trao đổi diễn ra vào ngày 25/9, khách mời tham dự gồm có:

GS.TSKH.Đặng Huy Huỳnh: Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam). Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN năm 2017 và GS.TS.NGND.Trần Hiếu Nhuệ: Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Để có những góc nhìn đa chiều và đánh giá mức độ khả thi của dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử- văn hóa- tâm linh sau khi JVE trình bày kế hoạch và lý giải những băn khoăn của dư luận trong từng vấn đề.

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, ông cho biết:

“Dự án này nếu Thành phố Hà Nội quan tâm để đồng ý dự án của JVE thì đây là một dự án có tính khả thi tốt. Bởi nó mang tính khoa học, toàn bộ quy trình của họ là tổng hợp, từ khâu giải quyết vấn đề chất thải nước, vùng đáy của sông, không phải là pha loãng nước mà ở đây sẽ giải quyết được vấn đề hôi thối của con sông này trong nhiều năm qua”.

Nói rõ hơn, ông Huỳnh cho biết, JVE họ giải quyết vấn đề đó bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản, quy trình của họ làm sẽ diệt được những vi khuẩn có hại, vi khuẩn gây hôi thối và kích hoạt những vi khuẩn có lợi phát triển, như vậy sẽ giải quyết được mùi hôi từ bùn đáy sông Tô Lịch. Bên công ty JVE họ sử dụng các kỹ thuật tiên tiến, họ dùng công nghệ nano, khi sự phát triển công nghệ 4.0 như hiện nay, công nghệ Nano sẽ rất có lợi cho môi trường tự nhiên và sức khỏe của con người. Nhật Bản họ đã sử dụng công nghệ này cho các con sông của nước họ.

GS.TSKH.Đặng Huy Huỳnh: Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam). ( Ảnh Internet).

Nên khi họ áp dụng công nghệ này vào sông Tô Lịch thì tính khả thi tốt, sông Tô Lịch không quá dài, chiều rộng cũng vừa phải nên có thể cải tạo. Ý nghĩa hơn cả là họ biến dòng sông chết thành điểm du lịch, để chúng ta hồi tưởng lại lịch sử cách đây 2000 năm, có ý thức hơn trong việc bảo vệ dòng sông, bảo vệ môi trường. Mỗi một dự án, một công trình khi đưa vào xây dựng không bao giờ dễ dàng, quan trọng là chúng ta phải làm từng bước, biết rút kinh nghiệm từng giai đoạn để hoàn thiện hơn.

Cùng quan điểm với Ông Huỳnh, GS.TS.NGND.Trần Hiếu Nhuệ- Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng có đánh giá cao về dự án, ông Nhuệ bày tỏ quan điểm của mình.

“Khi đề xuất của công ty JVE được duyệt thì sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể và đưa vào triển khai. Bây giờ cần có sự thiết kế, xây dựng và triển khai cụ thể. Dự án này chắc chắn sẽ khả thi, khi Hà Nội chấp nhận dự án thì mọi thứ sẽ khác”.

GS.TS.NGND.Trần Hiếu Nhuệ- Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ( Ảnh Internet).

Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng còn rất nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi, liệu chỉ dùng công nghệ Nano  thì có khả thi hay không,  bởi ô nhiễm sông Tô Lịch bắt nguồn từ nhiều lý do. Nguy hại nhất là việc 150.000 m3 nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp về đây không qua xử lý.

Để biến sông Tô Lịch thành dòng sông du lịch cần một giải pháp tổng thể dài hơi hơn. Nhiều người nghi ngờ đơn vị đề xuất không đủ tầm để thực hiện dự án này. Nhưng điều duy nhất có thể biến mục tiêu thành hiện thực phải chờ ở quyết tâm, ý chí của những người lãnh đạo thành phố.

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nhận định dự án của JVE cải tạo sông Tô Lịch sẽ khả thi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...